Ngày 8/7/2016 tại Seoul, Quân đội hai nước Hàn Quốc và Mỹ tuyên bố cho hay do mối đe dọa vũ khí hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, hai bên quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở căn cứ quân Mỹ tại Hàn Quốc.
Đối với vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ vô cùng bất mãn và kiên quyết phản đối.
Tờ Thanh niên Trung Quốc ngày 1/8 dẫn lời Thiếu tướng La Viện, phó hội trưởng Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc cho rằng Trung Quốc phản đối hệ thống THAAD cả về quân sự và ngoại giao, “vạch trần” mục đích thực sự của Mỹ và thể hiện rõ lập trường của Trung Quốc.
La Viện đã phân tích ý đồ của Mỹ khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc trên 3 phương diện:
Trước hết, nhìn từ ý đồ chiến lược của Mỹ, "hiện nay mối đe dọa chiến lược Trung Quốc tạo ra cho Mỹ là khả năng chiến lược hạt nhân, vì vậy Mỹ muốn phong tỏa Trung Quốc ở phía tây Tây Thái Bình Dương".
La Viện cho rằng Mỹ đã cơ bản hình thành chuỗi phòng thủ tên lửa “hình cung” đối với Trung Quốc. Mỹ đã sớm triển khai 2 hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Nhật Bản, đã triển khai 1 hệ thống phòng thủ tên lửa ở Guam; trong khi đó, Hàn Quốc cũng là một khâu quan trọng của chuỗi phòng thủ tên lửa này.
Thứ hai, nhìn vào vai trò của bản thân hệ thống phòng thủ tên lửa, hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD chủ yếu dùng để đánh chặn tên lửa tầm trung và xa 3.500 km trở lên, trong khi đó bán đảo Triều Tiên từ bắc đến nam cũng mới chỉ hơn 1.100 km, điều này hoàn toàn đã vượt phạm vi phòng thủ tên lửa của THAAD, hơn nữa mở rộng phạm vi răn đe đến lãnh thổ Trung Quốc và Nga.
Radar sóng ngắn X trong hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD có cự ly dò tìm xa nhất là 2.000 km, có thể dò tìm được một số cơ sở quân sự ở chiều sâu lãnh thổ đông bắc Trung Quốc, do thám các hoạt động huấn luyện quân sự và hành động sẵn sàng chiến đấu của Trung Quốc, đã tạo ra mối đe dọa không thể coi thường đối với Trung Quốc.
Thứ ba, nhìn vào hiện trạng quân sự của hai miền Triều Tiên. Điều Hàn Quốc lo ngại nhất đối với Triều Tiên hoàn toàn không phải là vũ khí hạt nhân, mà là vũ khí thông thường (tên lửa tầm ngắn hơn 1.000 km, pháo tầm bắn 200 km) của Triều Tiên.
Bởi vì, Triều Tiên thả vũ khí hạt nhân sang Hàn Quốc sẽ gây phóng xạ hạt nhân có phạm vi ảnh hưởng tương đối rộng, từ 400 – 1.400 km. Tính đến vị trí địa lý, Triều Tiên thả vũ khí hạt nhân xuống Hàn Quốc chẳng khác nào “tự sát”.
La Viện cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ gồm 2 bộ phận: Một là hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD), hai là hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD). Mục đích cuối cùng của chúng là bảo vệ vị thế bá quyền của Mỹ trên toàn cầu.
Vì vậy Mỹ mới bày binh bố trận ở các cứ điểm quan trọng chiến lược trên toàn cầu, một là để có được khả năng điều động toàn cầu, hai là để có được khả năng phòng thủ toàn cầu.
Chiến lược an ninh của Mỹ là muốn duy trì 2 “tuyệt đối”: Ưu thế tuyệt đối và an ninh tuyệt đối. Mỹ muốn luôn luôn giữ ưu thế chiến lược nhất định trong cuộc đối đầu giữa các nước lớn. Đây không phải là ưu thế tương đối, mà là ưu thế tuyệt đối. Ngoài ra, muốn duy trì an ninh tuyệt đối cho lãnh thổ Mỹ.
La Viện cho rằng, lần này Mỹ áp dụng cách làm như vậy là "một mũi tên trúng 3 đích". Thứ nhất, đã tạo ra thế vây chặn, hình thành ngăn chặn chiến lược đối với Trung Quốc, làm suy yếu khả năng đe dọa hạt nhân của Trung Quốc.
Thứ hai, ly gián quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, bởi vì quan hệ Trung-Hàn giai đoạn trước đã ấm lên, nhưng hiện nay Mỹ lấy lý do Triều Tiên thử hạt nhân để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, đã "đóng một cái đinh" vào giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Trung-Hàn.
Thứ ba, mở đường cho Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, tìm kiếm điểm tựa chiến lược, là điểm đứng chân cho họ hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương.
La Viện còn lấy Nga ứng phó với việc NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Czech làm ví dụ, nhắc nhở Trung Quốc cần kiên quyết phản đối ý đồ triển khai THAAD bằng cả quân sự và ngoại giao, tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và khả năng đột phá phòng thủ của vũ khí chiến lược.
Về ngoại giao, Trung Quốc cần “vạch trần” mục đích thực sự của Mỹ trong triển khai hệ thống THAAD, “vạch trần” ý đồ chiến lược của Mỹ, kiên quyết phản đối hành vi “khiêu khích” của Mỹ.
Về quân sự, La Viện khuyên quân đội của nước mình rằng "cần làm tốt chuẩn bị quân sự, bao gồm 2 phương diện: Một là kiêm cả tấn công và phòng thủ, tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, nhất là khả năng đột phá phòng thủ của vũ khí chiến lược. Phòng thủ tốt nhất chính là tấn công, vì vậy cần tiếp tục tăng cường các khả năng đột phá phòng thủ".
Ở góc độ phòng thủ, Trung Quốc sẽ phải dùng chiên thức, tiến hành ngụy trang, che giấu đối với hoạt động do thám của Mỹ và Hàn Quốc. Trung Quốc làm theo cách của Nga trên phương diện này.
Khi NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Czech và Ba Lan, Nga lập tức đã triển khai tên lửa Iskander ở Kaliningrad. Điều này đã tạo ra mối đe dọa to lớn đối với Ba Lan và Czech.
Ngoài ra, Nga đã triển khai tên lửa Topol-M ở biên giới, vì vậy Trung Quốc cũng có thể sẽ cân nhắc tăng cường triển khai tên lửa, tăng cường khả năng đột phá phòng thủ cùng với khả năng phòng thủ.