Theo tờ New York Times trích dẫn lời của giới chức Mỹ và NATO, các thiết bị quân sự hạng nặng sẽ được đặt ở từng quốc gia Baltic bao gồm Lithuania, Latvia và Estonia, cũng như các nước châu Đông Âu khác như Ba Lan, Romania, Bulgaria và có thể là Hungary.
Nếu kế hoạch này được chấp thuận, đây sẽ là lần triển khai thiết bị quân sự lớn nhất đến châu Âu, kể từ sau Chiến tranh lạnh. Sau khi NATO mở rộng tới các quốc gia Baltic vào năm 2004, việc đóng quân lâu dài của binh sĩ và thiết bị quân sự ở 3 nước này thường không được thực hiện do bị Nga phản đối.
Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ và NATO đã quyết định tăng cường hiện diện ở khu vực này, nhằm gửi thông điệp rõ ràng đến Nga rằng họ NATO sẽ bảo vệ các đồng minh của mình.
Lượng vũ khí hạng nặng mới có thể đủ để trang bị cho một lữ đoàn khoảng 3.000 đếm 5.000 người ở Đông Âu, cũng như một số lượng binh lính tương tự Lầu Năm Góc giữ ở Kuwait sau cuộc xâm lược Iraq vào năm 1990.
Tuy nhiên, kế hoạch triển khai trên cần phải được chấp thuận bởi cả Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Nhà Trắng nếu muốn được thực hiện. Ngoài ra, một vài nước NATO cũng đang lo ngại về sự phản ứng của Nga đối với kế hoạch mới này.
Kể từ khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga và Kiev bắt đầu chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine, các lực lượng của Nga và NATO đang liên tiếp áp sát lãnh thổ của nhau dưới dạng các máy bay hoặc tàu tuần tra, cũng như tập trận.
Vào tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Nga không phải là một kẻ hung hăng và không hề xây dựng quân đội tấn công ở nước ngoài, tuy nhiên, nước này sẽ phản ứng đáp trả lại các mối đe doạ an ninh từ sự mở rộng của Mỹ và NATO.
Theo: An ninh Thủ đô