Mỹ thật sự “trong sạch” vụ hồ sơ Panama?

Từ Trung Quốc, Nga, Anh Quốc, vụ tiết lộ Panama Paper” đã làm vấy bẩn tên tuổi hàng loạt các nhà lãnh đạo cao cấp trên toàn cầu. Điều lạ là trong danh sách đó, lại thiếu một tác nhân tài chính quan trọng của thế giới là Mỹ. Phải chăng nước Mỹ thật sự là một “một con bồ câu trắng” vô tội ?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong danh sách được tiết lộ, các phóng viên điều tra chỉ phát hiện có một nhúm người Mỹ, những công dân bình thường, đã chuyển một phần tài sản về các thiên đường thuế và các công ty bình phong với sự trợ giúp của văn phòng luật sư Panama, Mossack Fonseca.

Ngoài cái tên David Geffen, trùm hãng đĩa nhạc và đồng sáng lập hãng phim DreamWorks cùng với Steven Spielberg, thì không có lấy tên một con “cá lớn” nào như cách gọi của AFP - chính khách, chủ tập đoàn hay ngân hàng - xuất hiện trong vụ tai tiếng này.

Chẳng lẽ Mỹ lại như những “con bồ câu trắng” rất minh bạch về tài chính đến như vậy? Thực tế nước Mỹ còn lâu mới được như vậy. Theo giải thích của bà Marina Walker Guevara, phó giám đốc Liên minh Quốc tế Các Phóng viên Điều tra với AFP, «nước Mỹ không hề nằm ngoài hệ thống offshore. Thậm chí còn là một tác nhân quan trọng».

Sự vắng bóng trong vụ tai tiếng không phải là một bằng chứng đáng kính đối với nước Mỹ về minh bạch tài chính. Bởi một lẽ đơn giản là chính bản thân Hoa Kỳ cũng là một thiên đường thuế khóa. Trước tiên, người Mỹ có thể do dự khi phải chuyển tài sản đến những nước xa xôi và các nước ở vùng Nam Mỹ. Trong khi mà, người giàu Mỹ lại có nhiều chọn lựa ngay trong tầm tay như đảo Caiman hay đảo Virgin của Anh Quốc.

Mặt khác, người giàu Mỹ cũng muốn giữ bí mật về các hoạt động của mình mà không cần rời lãnh thổ. Nguyện vọng này có thể được nhiều bang tại Mỹ đáp ứng như Delaware hay Wyoming. Chỉ với vài trăm USD, những bang đó đã có thể cho phép thành lập một công ty bình phong mà không cần xác định ai là người thụ hưởng thật sự.

Và điều nghiêm trọng là các hoạt động đó được thực hiện với sự đồng lõa của nhiều ngân hàng Mỹ. Theo bảng xếp hạng do Tax Justice Network thiết lập hàng năm, Mỹ dẫn trước cả Panama, xếp vị trí thứ ba các vùng lãnh thổ có các giao dịch tài chính mập mờ nhất thế giới.

Tuy nhiên, còn có một lý do khác giải thích cho việc có rất ít công dân Mỹ dính líu đến vụ “Panama Papers”: đó là nước Mỹ có “công cụ pháp lý” rất hữu hiệu để ngăn chặn. Sau các vụ tai tiếng liên quan đến các ngân hàng Thụy Sỹ, Mỹ đã gia tăng đáng kể các biện pháp trừng phạt nặng trong những năm gần đây chống lại nạn gian lận và trốn thuế.

Kết quả là nhiều thiên đường thuế đã hoảng sợ khi nhận khách hàng Mỹ vì họ biết rằng Mỹ không ngần ngại trừng phạt thẳng tay, theo như giải thích của một chuyên gia với AFP. Điển hình là trong vụ tai tiếng giúp các khách hàng Mỹ trốn thuế, hai ngân hàng UBS và Credit Suisse mỗi bên lần lượt bị phạt 780 triệu và 2,6 tỷ USD.

Cuối cùng, việc có rất ít người Mỹ dính dáng đến vụ "Panama Papers" cũng làm dấy lên nhiều nghi ngờ, có thể theo thuyết âm mưu” : Phải chăng trong vụ này có bàn tay thao túng của CIA nhằm gây bất ổn một số nước như lời cáo buộc của Nga?