Dưới thời chính quyền trước, hải quân Mỹ thực hiện những chuyến tàu như vậy qua Biển Đông khiến Trung Quốc tức giận. Chưa có chuyến tàu thực thi tự do hàng hải nào được thực hiện trong khu vực từ khi ông Trump lên nhậm chức.
Báo New York Times tuần trưowcs đưa tin các giới chức cao cấp Lầu Năm Góc đã bác yêu cầu của Bộ Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương hồi tháng 3 đề nghị đi ngang qua bãi cạn Scarborough đã bị Trung Quốc chiếm giữ vào năm 2012.
New York Times cho biết thêm hai yêu cầu khác của hải quân vào tháng 2/2017 cũng bị bác bỏ.
Một số người cho rằng đây là một chỉ dấu cho thấy Mỹ muốn tránh sự phản đối của Trung Quốc trong khi chờ xem Trung Quốc tiến xa như thế nào trong việc giúp gây áp lực lên Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân.
Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp và củng cố các cơ sở quân sự ở đây, đồng thời bày tỏ quan ngại là các cơ sở này có thể dùng để hạn chế tự do hàng hải.
Cuối tháng 4/2017, đô đốc Harry Harris, Tư lệnh các Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương tuyên bố Mỹ sẽ sớm tiến hành những hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông nhưng không đề cập chi tiết.
Đô đốc Swift giờ đây khẳng định không có thay đổi về tầm quan trọng mà Mỹ nhận thức về vấn đề Biển Đông. Ông cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện khoảng 900 ngày hải hành tại Biển Đông trong năm nay.”
Theo nhật báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 8/5, Lầu Năm Góc ủng hộ kế hoạch đầu tư gần 8 tỷ USD để tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương trong 5 năm tới bằng cách nâng cấp cơ sở quân sự, tiến hành thêm các cuộc diễn tập và điều động thêm lực lượng cũng như tàu bè.
Nỗ lực này được xem là một cách để gửi tín hiệu mạnh mẽ hơn về cam kết của Mỹ với khu vực trong lúc Washington đang đối mặt với căng thẳng bán đảo Triều Tiên, quan ngại chủ yếu của Mỹ. WSJ cho rằng chính quyền của tổng thống Donald Trump vẫn đang phác họa chính sách châu Á sau khi bỏ kế hoạch ‘xoay trục về châu Á’ của cựu tổng thống Obama.
Đề nghị đầu tư gần 8 tỷ USD mang tên Sáng kiến Ổn định Châu Á-Thái Bình Dương thoạt đầu được thượng nghị sĩ John McCain đề xuất và sau đó được các nhà lập pháp khác ủng hộ, và trên nguyên tắc cũng được Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng như người đứng đầu Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương Harry Harris tán thành. Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể của kế hoạch 7,5 tỷ USD cho đến nay chưa được cụ thể hóa.
Chính quyền của tân tổng thống Trump đã yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa hiện nay và đang tìm cách tăng 54 tỷ USD cho năm tài khóa 2018. Giới chức Mỹ nói chưa rõ trong ngân khoản tăng chi tiêu quốc phòng ấy có bao nhiêu phần sẽ được dành cho Sáng kiến Châu Á.
WSJ dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ủng hộ quan điểm của kế hoạch này, nói rằng “Tôi chưa hiểu rõ mọi chi tiết trong kế hoạch của Thượng nghị sĩ McCain, nhưng tôi ủng hộ trọng tâm ông ấy nêu bật tầm quan trọng dành cho khu vực đó".
Phát ngôn viên Lầu Năm GócGary Ross cho biết, Bộ Quốc phòng ‘ủng hộ trên nguyên tắc’ đề nghị của ông McCain rằng “Châu Á Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của Mỹ và Bộ Quốc phòng cam kết bảo đảm lực lương Mỹ có khả năng và sẵn sàng để đối diện với các thách thức liên tục trong vùng".
Nỗ lực ‘xoay trục’ của cựu tổng thống Obama đã mang đến những thay đổi trông thấy. Hơn 1.200 lính thủy quân lục chiến đồn trú luân phiên tại Darwin (Australia), Mỹ bắt đầu điều động các tàu tác chiến ven biển tới Singapore và tiếp cận của Mỹ tại các căn cứ quân sự ở Philippines được phục hồi nằm trong số những thay đổi đó.
Vẫn theo WSJ, quân đội Mỹ dưới thời tổng thống Obama đã gây áp lực Trung Quốc bằng các hoạt động thực thi ‘tự do hàng hải’, cho tàu hải quân đi qua một số vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền phi pháp.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trong buổi điều trần để được Thượng viện phê chuẩn đã cứng rắn tuyên bố rằng Mỹ sẽ ‘tiến sâu’ hơn nữa, có thể tới chỗ không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo có tranh chấp và các khu vực khác.