Mỹ - Nhật lên án Trung Quốc hung hăng, gây bất ổn an ninh châu Á-Thái Bình Dương

Sáng 30-5 tại chương trình Đối thoại Shangri-La, cả hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật đều lên án việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở biển Đông đã làm xói mòn an ninh, gây bất ổn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-La
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-La

Trong bài phát biểu sáng nay 30-5 tại Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter  cũng kêu gọi một giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. 

Trao đổi với các quan chức quốc phòng đến từ các nước châu Á - Thái Bình Dương, ông Carter nói rõ: “Trung Quốc đã bồi đắp với diện tích tới hơn 2.000 acres (809ha) và họ đã làm vậy trong 18 tháng qua. Chưa rõ Trung Quốc sẽ còn bồi đắp bao nhiêu nữa”. 

Ông chủ Lầu Năm Góc nói Mỹ “quan ngại sâu sắc” về quy mô bồi đắp đảo của Trung Quốc và viễn cảnh quân sự hóa xa hơn trên các đảo. Ông cho rằng điều này làm tăng các nguy cơ tính toán sai hoặc xung đột. 

Bài phát biểu của ông Carter được đưa ra một ngày sau khi Lầu Năm Góc xác nhận báo cáo nói Trung Quốc đã triển khai pháo binh lên một trong các đảo nhân tạo ở biển Đông. Đây là một động thái mà thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói là gây xáo trộn và làm leo thang tình hình. 

Ông Carter hiện đang trong lịch trình công du 11 ngày ở châu Á. Với những hành động hiện nay của Trung Quốc trên biển Đông, an ninh hàng hải cũng chính là chủ đề chính chuyến đi lần này của ông. 

Ông Carter đã nhấn mạnh các tranh chấp về lãnh thổ ở biển Đông không thể giải quyết bằng con đường quân sự. “Việc Trung Quốc biến các bãi đá ngầm thành sân bay không đủ điều kiện để có được các quyền về lãnh thổ hay hạn chế sự đi lại trên vùng trời và vùng biển quốc tế” - ông Carter khẳng định. 

Từ trái qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nakatani, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryacudu, Tiến sĩ John Chipman (IISS), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Singh sẽ trình bày về"Các hình thức của hợp tác an ninh ở Châu Á" tại phiên họp toàn thể thứ 2 ở Đối thoại Shangri-La ngày 30-5 -Ảnh: Quỳnh Trung

Từ trái qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nakatani, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryacudu, Tiến sĩ John Chipman (IISS), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Singh sẽ trình bày về"Các hình thức của hợp tác an ninh ở Châu Á" tại phiên họp toàn thể thứ 2 ở Đối thoại Shangri-La ngày 30-5 -Ảnh: Quỳnh Trung

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng những hành động như thế trên biển Đông đã làm xói mòn lòng tin trong cấu trúc an ninh đặc thù của khu vực, vốn đem lại ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á trong hàng thập kỷ qua. 

Ông kêu gọi nối lại các giải pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền với sự dẫn đầu của ASEAN bởi tổ chức này đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực. 

Nhật Bản: Trung Quốc cần ứng xử có trách nhiệm ở biển Đông

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã cảnh báo rằng các dự án bồi đắp đảo nhân tạo ở biển Đông đem lại rủi ro đưa khu vực vào tình hình hỗn loạn và kêu gọi ứng xử có trách nhiệm ở vùng biển này. 

Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu về "Các hình thức của hợp tác an ninh ở Châu Á" tại phiên họp toàn thể thứ 2 ở Đối thoại Shangri-La ngày 30-5 - Ảnh: Quỳnh Trung
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu về "Các hình thức của hợp tác an ninh ở Châu Á" tại phiên họp toàn thể thứ 2 ở Đối thoại Shangri-La ngày 30-5 - Ảnh: Quỳnh Trung

Ông Nakatani cảnh báo rằng nếu không chú ý đến tình hình, trật tự sẽ sớm chuyển thành hỗn loạn, hòa bình và an ninh sẽ sụp đổ. Tại Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đề xuất “Sáng kiến Đối thoại Shangri-la”.

3 giải pháp tăng cường an ninh

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đề xuất “Sáng kiến Đối thoại Shangri-la”gồm 3 giải pháp để tăng cường an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực, bao gồm cả việc theo dõi liên tục không phận do các nước thành viên ASEAN thực hiện.

Việc thiết lập bất cứ hệ thống tuần tra an toàn 24/24 nào bởi 10 nước thành viên ASEAN sẽ yêu cầu một mức độ hội nhập mà ASEAN chưa thể xoay sở được. Các nước như Philippines sẽ cần thêm máy bay, tàu và các thiết bị khác để tham gia bất cứ cuộc tuần tra nào.

Nhật Bản có thể sẽ cung cấp các thiết bị này cho Philippines. 

Theo Reuters, hiện Nhật Bản đang hướng đến việc đóng vai trò an ninh mạnh mẽ ở ở biển Đông bằng cách mở rộng tuần tra hàng hải và hàng không. 

Các chỉ huy quân đội Mỹ nói họ hoan nghênh những cuộc tuần tra như vậy bởi nó giúp đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. 

Mỹ tuyên bố tiếp tục “xoay trục”

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Mỹ đã triển khai 350.000 binh sĩ, 2.000 máy bay và 180 tàu chiến tới châu Á-Thái Bình Dương trong chiến lược tái cân bằng châu Á của tổng thống Barack Obama, China News Service đưa tin.

Tướng Harry Harris vừa được bổ nhiệm làm tư lệnh bộ tư lệnh Thái Bình Dương thay thế đô đốc Samuel Locklear tại Trân Châu Cảng hôm 27/5. Ông Harris sinh tại Yokosuka (Nhật) trở thành người gốc Á đầu tiên giữ chức tư lệnh một bộ tư lệnh quân đội Mỹ. Trước đó, ông là tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương.

Tướng Scott Swift, người gốc Hawai thay thế ông Harris chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương. Tại lễ bổ nhiệm, Bộ trưởng Carter đã ca ngợi sự đóng góp của ông Harris cho hạm đội Thái Bình Dương. “Ông ấy đã giúp đưa những năng lực tiên tiến nhất của chúng ta tới châu Á-Thái Bình Dương và chuyển 60% trang bị hải quân sang khu vực”, ông Carter nêu rõ. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quân đội Mỹ trong việc duy trì sẵn sàng chiến đấu tại khu vực năng động này.

Đô đốc Harris được biết là một tướng lĩnh có quan điểm cứng rắn với sự hung hăng của Trung Quốc. Với quyền chỉ huy toàn bộ các lực lượng lục quân, không quân và hải quân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Harris cho biết không thiếu những thách thức phía trước và tuyên bố sẽ chiến đấu bảo vệ các lợi ích của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương rộng lớn.

Theo QPAN

Theo Tuổi trẻ