Mỹ “Đông tiến Tây thoái” để dằn mặt Trung Quốc

Mỹ không vì sự ảnh hưởng của việc cắt giảm chi tiêu cho quân sự và dính líu đến các sự vụ Trung Đông mà ngơi nghỉ bước chân “Đông tiến” trong chiến lược xoay trục sang châu Á. Cho đến hiện tại, lực lượng hải quân bố trí tại châu Á của Mỹ đã tăng tới 55%.
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa hành trình trên biển
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa hành trình trên biển

Sau khi lên nắm quyền, tổng thống Obama đã có sự điều chỉnh quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Mỹ - tức “Đông tiến Tây thoái: Nếu nói trọng tâm chiến lược “tái cân bằng châu Á” mà ông Obama đưa ra nhằm vào châu Á ở phương Đông – hay nói cụ thể hơn là Trung Quốc, thì đối với các khu vực khác, ông Obama lại áp dụng chính sách ngoại giao thu hẹp.

Chiến lược ngoại giao “Đông tiến” áp sát Trung Quốc

Bắt đầu từ năm 2011, tổng thống Obama tích cực thúc đẩy chiến lược “Đông tiến” – hay nói các khác chính là chiến lược “tái cân bằng châu Á” mà Mỹ đề cập, từ đó đến nay chiến lược này không hề chững lại, thậm chí trong năm 2015 càng quyết liệt hơn. Mỹ không vì sự ảnh hưởng của việc cắt giảm chi tiêu cho quân sự và dính líu đến các sự vụ Trung Đông mà ngơi nghỉ bước chân “Đông tiến”. Cho đến hiện tại, lực lượng hải quân bố trí tại châu Á của Mỹ đã tăng tới 55%.

Trong lĩnh vực quân sự, một là Mỹ tiếp tục tăng cường lượng lượng sang châu Á. Năm nay ngoài việc cử mẫu hạm hạt nhân có trang bị tiên tiến hơn USS Ronald Reagan” sang Nhật Bản, Mỹ còn tăng cường 3 máy bay oanh tạc hiện đại nhất B-2 sang đảo Guam, tăng cường máy bay trinh sát gián điệp P-8A ở Philippines, đồng thời ký kết hiệp định với Singapore, bố trí máy bay trinh sát gián điệp cùng loại ở quốc đảo này. Hai là, nâng cấp hệ thống trang bị quân sự đã bố trí tại châu Á, khiến trang bị quân sự của Mỹ tại khu vực này không chỉ lớn về số lượng, mà hàm lượng công nghệ cao.

Ba là, Mỹ chi ra 8,7 tỉ USD để xây mới căn cứ quân sự trên đảo Guam với quy mô lớn, biến đảo Guam thành căn cứ quân sự cực lớn, trở thành trung tâm đồn trú cho 4.800 binh lính và sĩ quan thủy quân lục chiến của Mỹ, đồng thời lên kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại khu vực này. Bốn là, lên kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động của Hạm đội số 3 trực thuộc hải quân Mỹ sang Tây Thái Bình Dương, triển khai hợp tác mật thiết hơn với Hạm đội số 7. Năm là, tăng cường các hoạt động tuần tra, trinh sát trên biển và trên không ở biển Đông, áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép để răn đe về quân sự, tuyên bố tuần tra trên biển Đông là một nội dung quan trọng trong chiến lược “tái cân bằng châu Á” của Mỹ.

Trong hoạt động ngoại giao, năm nay Mỹ cùng Nhật Bản sửa đổi Định hướng hợp tác phòng ngự, cho phép lực lượng tự vệ Nhật Bản có thể áp dụng các hành động quân sự trên toàn cầu, đồng thời mời lực lượng tự vệ Nhật Bản cử chiến cơ và tàu chiến sang tuần tra trên biển Đông. Tại Hội nghị APEC và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á năm nay, tổng thống Obama đã đưa các vấn đề biển Đông ra để đối chất Trung Quốc.

Trong hoạt động kinh tế, năm 2015, Mỹ đã tìm mọi cách ngăn cản các nước đồng minh và các quốc gia khác tham gia vào Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á AIIB do Trung Quốc khởi xướng thành lập, cho đến thời điểm hiện tại, quốc hội Mỹ vẫn kiên quyết phán đối việc nâng cao thị phần của Trung Quốc tại Ngân hàng thế giới WB. Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được đàm phán thành công trong năm nay, mục đích không chỉ là để Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong các quy tắc kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà điều quan trọng hơn là không để mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc trở thành phiên bản mẫu cho các quốc gia khác bắt chước, ý nghĩa chính trị của hiệp định này nằm ở việc ngăn ngừa thể chế của Trung Quốc làm suy yếu các giá trị quan của nước Mỹ.

Trong lĩnh vực mạng, năm nay Mỹ đã nhiều lần lên tiếng sẽ áp dụng các biện pháp chế tài về kinh tế đối với Trung Quốc về vấn đề mạng.

Tóm lại, năm 2015, trong quá trình thực thi chiến lược “tái cân bằng châu Á”, Mỹ ngày càng thể hiện rõ ý khiêu khích, dằn mặt Trung Quốc. Đứng trên góc độ của nước Mỹ, trong bối cảnh lực lượng suy giảm như hiện nay, nắm chặt nắm đấm, tập trung lực lượng đối phó với Trung Quốc là con đường duy nhất để Mỹ duy trì vị trí số 1 toàn cầu.

Do đó, xu thế thách thức, áp sát Trung Quốc tại châu Á của Mỹ sẽ không giảm đi, càng không dễ dàng từ bỏ, thời điểm bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới của Mỹ ngày càng đến gần, cuộc đấu trí giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2015 có thể sẽ lên cao trào.

Tàu sân bay Mỹ tập trận với hải quân Nhật ở Biển Đông
Tàu sân bay Mỹ tập trận với hải quân Nhật ở Biển Đông

Chiến lược ngoại giao “Tây thoái” của Mỹ

Trái ngược hoàn toàn với châu Á, chính quyền tổng thống Obama lại áp dụng chiến lược ngoại giao thu hẹp rõ rệt với các khu vực khác trên toàn tầu.

 Một là từ bỏ ý tưởng đồng thời đánh thắng hai cuộc chiến trên thế giới. Tháng 1-2012, Bộ quốc phòng Mỹ công bố báo cáo chiến lược quốc phòng cho thấy, từ bỏ kế hoạch chiến lược mà Mỹ vẫn thực hiện sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc đồng thời giành chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh trên toàn cầu, cắt giảm lực lượng quân sự đồn trú của Mỹ tại châu Âu, cắt giảm chi phí cho các dự án vũ khí hạt nhân của Mỹ.

 Hai là nâng cao “ngưỡng cửa” sử dụng lực lượng quân sự, tránh điều động lực lượng quân đội mặt đất tham gia chiến tranh. Tháng 5-2014, trong bài phát biểu tại Học viện quân sự  West Point của Mỹ, tổng thống Obama nhấn mạnh, cho dù là chủ nghĩa cô lập hay chủ nghĩa can thiệp đều không khả thi, Mỹ buộc phải phát huy vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế như trước kia, tuy nhiên “hành động quân sự của nước Mỹ không thể trở thành nhân tố duy nhất để chúng ta phát huy vai trò lãnh đạo trong mỗi hoàn cảnh – thậm chí không phải là nhân tố cơ bản nhất”, “ngưỡng cửa áp dụng hành động quân sự của Mỹ buộc phải nâng cao”, chỉ khi an ninh quốc gia Mỹ phải đối mặt với mối nguy hiểm, Mỹ sẽ một mình áp dụng các chiến dịch quân sự mà không cần sự phê chuẩn của bất kỳ ai.

Điều này khác với cách làm sẵn sàng can thiệp về quân sự  khắp nơi của Mỹ trước đây. Chính phủ Mỹ kiên quyết không cử lực lượng quân đội mặt đất với quy mô lớn sang khu vực Trung Đông để truy quét các phần tử khủng bố ISIS, vừa là để tránh một lần nữa sa lầy chiến tranh Trung Đông, vừa cũng là vì không muốn, lực bất tòng tâm,  không thể dốc quá nhiều lực lượng vào Trung Đông. Tờ The Independent  của Anh mới đây đưa tin, trong thời gian tổng thống Obama nắm quyền, lần đầu tiên trong vòng mấy chục năm qua, nước Mỹ không tham gia bất cứ chiến dịch quân sự mặt đất nào trên thế giới.

 Ba là từ bỏ chủ nghĩa đơn phương, khuyến khích và yêu cầu các nước đồng minh tham gia vào các chiến dịch chung. Trong Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia được công bố năm 2010, tổng thống Obama thừa nhận, Mỹ đã “không thể một mình đối phó với các thách thức trên toàn cầu”, Mỹ buộc phải đối mặt với thực tế này, để giải quyết vấn đề này, nếu không có sự hợp tác trên trường quốc tế, chỉ dựa vào Mỹ “đơn thương độc mã” chắc chắn không khả thi.

Năm 2014, khi phát biểu tại Học viện quân sự West Point, tổng thống Obama một lần nữa nhấn mạnh, khi một số vấn đề mang tính toàn cầu không cấu thành mối đe dọa trực tiếp đối với nước Mỹ, Mỹ không nên một mình triển khai hành động, mà cần động viên các nước đồng minh và đối tác hành động tập thể, phát huy vai trò của các hoạt động ngoại giao, chế tài, cô lập và luật quốc tế. Hành động mà Mỹ áp dụng ở Libya, Trung Đông và Ukraine đã dựa trên nguyên tắc này. Thông qua đàm phán đa phương, Mỹ đã giải quyết được vấn đề hạt nhân Iran, đây là thay đổi quan trọng trong chính sách Trung Đông của Mỹ.

Bốn là coi trọng ngoại giao sức mạnh mềm. Mỹ coi châu Á là mặt trận ngoại giao hàng đầu của mình, đối với sân sau  - khu vực Mỹ La tinh thì Mỹ lại áp dụng chính sách hàn gắn. Năm 2015, chính quyền tổng thống Obama tuyên bố xóa bỏ lệnh cấm vận kéo dài mấy chục năm đối với Cuba, khôi phục lại quan hệ ngoại giao với quốc gia này, đây là biện pháp quan trọng để Mỹ cải thiện mối quan hệ với các nước La tinh. Đối với châu Phi, tháng 8-2014, tổng thống Obama tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Phi” tại Washington, nhà lãnh đạo và người đứng đầu chính phủ của 50 quốc gia đã tham gia cuộc hội nghị này.

Đây là hội nghị đối thoại với quy mô lớn nhất từ trước đến nay giữa Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Phi, mục đích là để thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư của Mỹ tại châu lục này, tạo mối gắn kết mật thiết hơn giữa Mỹ và các nước châu Phi, bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo trẻ của châu Phi có mối quan hệ hữu hảo với Mỹ. Trong hoạt động ngoại giao, chính quyền tổng thống Obama sử dụng sức mạnh mềm nhiều hơn là dùng các biện pháp quân sự để mở rộng tầm ảnh hưởng.

Năm là, song song với việc áp dụng chính sách ngoại giao thu hẹp, chính quyền tổng thống Obama tập trung nhiều hơn cho hoạt động phát triển kinh tế trong nước.

 Tháng 8-2014, khi trả lời phỏng vấn tờ The New York Times, tổng thống Obama nói, mối đe dọa lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt không phải là người khác, mà chính là bản thân nước Mỹ. Ông Obama cho rằng, chỉ khi khôi phục lại nền kinh tế nước Mỹ, để nền kinh tế này tiếp tục phát triển mạnh hơn các quốc gia khác, mới có thể duy trì vị thế lãnh đạo thế giới của nước Mỹ trên toàn cầu.

Ngày 3-12 vừa qua, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách đầu tư 305 tỉ USD cho dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kéo dài 5 năm, dùng để xây dựng đường cao tốc và đường sắt cao tốc của Mỹ. Đây là đề án mà ông Obama đã phải nỗ lực thúc đẩy rất nhiều năm mới được thông qua, ông Obama cho rằng dự luật ngân sách này có vai trò hết sức quan trọng trong việc khôi phục nền kinh tế Mỹ.

  Chính sách ngoại giao thu hẹp của tổng thống Obama vấp phải những lời chỉ trích mạnh mẽ của Đảng Cộng hòa, đảng này cho rằng ông Obama đang duy trì chiến lược “ngoại giao của kẻ nhu nhược”, làm tổn hại đến lợi ích và vị thế lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu. Tuy nhiên năm nay cũng có một số dư luận Mỹ cho rằng, chiến lược ngoại giao thu hẹp của ông Obama là sáng suốt.

Vì trong lịch sử nước Mỹ, khi nền kinh tế Mỹ đối mặt với khó khăn, tổng thống đương nhiệm thường áp dụng chính sách ngoại giao thu hẹp, từ thời tổng thống Martin Van Buren năm 1837 đến tổng thống Nixon thập kỷ 1970, trong ngoại giao đều áp dụng chính sách tiết chế, tập trung nhiều hơn cho hoạt động phát triển kinh tế trong nước.

Cho dù là “Đông tiến” hay “Tây thoái”, mục đích của Mỹ là bảo vệ vị trí bá chủ và lợi ích quốc gia của Mỹ trên toàn cầu. Các hoạt động răn đe Trung Quốc của Mỹ tại châu Á sẽ không dừng bước. Cuộc đấu tranh duy trì vị trí chủ đạo của Mỹ tại Trung Đông và các khu vực khác cũng sẽ không buông lỏng, càng không bỏ cuộc. Chỉ có điều trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, Mỹ buộc phải áp dụng các sách lược khác nhau để thích nghi với tình hình mới.

 Huy Long (theo Tân Hoa Xã)