Ngày 12/3 vừa qua ở miền bắc Syria, một đơn vị biệt động quân Mỹ cố tình chuyển quân ồn ào và tung ảnh lên internet với xe bọc thép treo cờ Mỹ kéo về thành phố Manbiji. Đó là động thái để thế giới biết mục đích chung là «tiêu diệt IS» theo tuyên bố của Joe Davis, phát ngôn viên Lầu Năm Góc.
Ba hôm sau, tổng tham mưu trưởng quân đội của Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau ở Antalya. Do vậy, không phải là chuyện tình cờ mà tới ngày 9/3/2017 Washington đưa thêm 400 thủy quân lục chiến vào Syria để chuẩn bị đánh chiếm Raqa. John Dorrian, phát ngôn viên của liên quân quốc tế chống IS do Mỹ lãnh đạo, khẳng định chiến dịch bao vây Raqqa diễn ra rất tốt và sẽ hoàn tất trong vài tuần.
Trong lĩnh vực ngoại giao, ngày 22/3/2017, Mỹ triệu tập hội nghị 68 nước thành viên của liên quân để «chuẩn bị dứt điểm IS» theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Mục tiêu của Mỹ tại Syria là gì sau một thời gian dài bị mang tiếng do dự? Theo L’Orient Le Jour, báo mạng có uy tín ở Lebanon, khi đưa thêm quân, pháo binh và trực thăng Apache vào Syria chuẩn bị đánh Raqqa, kế hoạch của Mỹ không khác gì chiến thuật đang tiến hành ở Mosul: Lực lượng Kurdistan-Syria chiến đấu trên bộ, Mỹ yểm trợ phi cơ, pháo binh. Các «cố vấn» đã vượt qua nhiệm vụ «huấn luyện». Kế hoạch này dường như do tổng thống Obama quyết định từ trước, để phục vụ mục tiêu chiến lược lâu dài, chứ không phải xuất phát từ chủ nhân mới ở Nhà Trắng. Ông Donald Trump chưa bao giờ đề cập đến chính sách Trung Đông của ông mà chỉ nói đến mục đích diệt khủng bố.
Thế nhưng Raqqa lại không phải là chiến trường quyết định. Một viên chức Mỹ, cách đây hai hôm, tuyên bố Daech đang thu dọn để rút vào sa mạc ẩn náu. Do vậy, theo suy đoán của L’Orient Le Jour, chiến lược lâu dài của Washington không phải là thành phố Raqqa, không phải là Bashar al Assad mà là «trục xuất Iran» ra khỏi khu vực. Chính đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikky Haley, mới đây đã hé lộ mục tiêu này với một nhóm phóng viên: Syria không còn là sào huyệt của IS. Iran và đồng minh (Hezbolah Lebanon) phải bị đuổi đi.
Vậy Mỹ đang mưu tính gì? Để chuẩn bị thời hậu chiến với một lực lượng vừa phải để không bị sa lầy, nhưng đủ mạnh để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ không xung đột với người Kurdistan do Mỹ ủng hộ. Còn theo nhà báo Anh John Wight, khi đưa quân đến Raqqa trước quân đội Syria, Mỹ làm một công mà được đôi ba việc.
Về chính trị, khi lãnh thổ Syria bị chia cắt, uy thế của tổng thống Assad yếu dần, ảnh hưởng của Iran và Hezbollah-Lebanon, các lực lượng vốn đã trả giá rất đắt về nhân mạng trong cuộc chiến, sẽ suy yếu theo. Vai trò của Nga cũng giảm theo trong tình huống mới, cho phép Mỹ mở rộng ảnh hưởng «đế quốc» tại Trung Đông bên cạnh đồng minh truyền thống Ả Rập Xê Út và Israel mà ông Assad bị xem là vật cản.
Dứt điểm được Raqqa, đẩy tàn quân IS lui vào sa mạc, số phận Trung Đông cũng sẽ theo mô hình châu Âu và một phần thế giới sau khi chế độ phát xít Đức sụp đổ: Mỹ trở thành lãnh đạo số một trong cuộc chiến tranh lạnh nối tiếp.