Việc Mỹ có kế hoạch đưa bom hạt nhân nguy hiểm nhất đến sát nách Nga, khiến Moscow không tránh khỏi cảm giác bất an lo ngại. “Tất cả những gì chúng ta có thể làm bây giờ là lắp đặt các đầu hạt nhân cho những tên lửa đạn đạo Iskander của mình và trang bị tên lửa hành trình X-555 được cải tiến tầm bắn cho những chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3”, Giám đốc Học viên Nghiên cứu Địa Chính trị của Nga - ông Konstantin Sivkov cho hãng tin RIA Novosti biết.
Phản ứng trên được đưa ra sau đài truyền hình Đức ZDF hôm 22/9 dẫn nguồn tin từ tài liệu ngân sách của Lầu Năm Góc Mỹ cho biết, Không quân Mỹ sẽ sớm triển khai những quả bom hạt nhân B61 phiên bản mới nhất đến căn cứ không quân Buchel của Đức vào cuối năm nay. Những quả bom được mệnh danh là vũ khí nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Mỹ này sẽ thay thế cho 20 vũ khí hạt nhân vốn đã được triển khai ở căn cứ của Đức.
Bộ Quốc phòng Đức từ chối đưa ra lời bình luận về thông tin trên trong khi đại diện của Lầu Năm Góc nói với tờ Sputnik của Nga rằng Mỹ không xem kế hoạch triển khai bom hạt nhân B61 đến Đức là một sự vi phạm các thoả thuận đang có hiện nay.
Về phần mình, ở thủ đô Moscow, phát ngôn viên điện Kremlin - ông Dmitry Peskov miêu tả động thái của Mỹ có thể “vi phạm sự cân bằng chiến lược ở Châu Âu” và điều này buộc Moscow phải đáp trả.
Rõ ràng, việc Mỹ định tung biến thể B61-12 mới nhất ra doạ Nga là hành động khiêu khích chưa từng có. B61-12 được đánh giá là quả bom hạt nhân nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Mỹ và nó cũng được xem là dự án bom hạt nhân đắt nhất mọi thời đại.
Xét về khả năng hủy diệt tuyệt đối, B61-12 không được coi là vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất của Mỹ. Tuy nhiên, điều làm cho cho B61-12 trở thành loại vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Mỹ là tính khả dụng của nó. Biến thể mới B61-12 sẽ có độ chính xác cao hơn nhưng mang tính hủy diệt ít hơn so với những biến thể trước đó của bom hạt nhân B61.
Bom B61-12 có tính huỷ diệt thấp hơn mà lại trở thành vũ khí nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực tế là vì tính huỷ diệt thấp hơn nhưng có độ chính xác cao hơn, B61-12 dễ kích thích các nhà lập chính sách sử dụng nó hơn bởi họ tránh được nỗi lo về tình trạng sát hại dân thường một cách bừa bãi trên quy mô lớn.
Sự hủy diệt kinh hoàng của các loại bom hạt nhân đã khiến con người rất hiếm khi sử dụng nó kể từ những năm 1940, nhưng B61-12 lại đang làm điều ngược lại.
Đồng minh của Mỹ cũng phải lên tiếng
Kế hoạch triển khai B61-12 đến Đức của Mỹ không chỉ gây ra nguy cơ làm leo thang căng thẳng hơn nữa trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ mà còn khiến siêu cường số 1 thế giới làm sứt mẻ mối quan hệ với đồng minh Nhật Bản.
Theo lời Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga - ông Nikolai Patrushev hôm qua (24/9) cho biết, Nhật đã cùng góp chung tiếng nói lo ngại với Nga về việc Mỹ có ý định đưa vũ khí hạt nhân ra bên ngoài, trong đó có Châu Âu.
Vòng tham vấn thứ tư về các vấn đề an ninh Nga-Nhật đã diễn ra ở thủ đô Tokyo ngày hôm qua giữa Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev và Thư ký Hội đồng An ninh Nhật Bản Syotaro Yati. “Hai thư ký đã bày tỏ sự lo ngại về kế hoạch của Mỹ trong việc triển khai vũ khí hạt nhân ra bên ngoài, trong đó có Châu Âu”.
Quan hệ giữa Nga và Mỹ đang “lao dốc không phanh”, xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ và các đồng minh phương Tây ra sức đổ lỗi, chỉ trích Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Mỹ tìm mọi cách dồn ép, gây áp lực với Nga. Mỹ cũng gây sức ép để các nước đồng minh Châu Âu quay sang chống Nga. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã liên tiếp tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Cùng với đó, Mỹ còn cùng với đồng minh liên tiếp tăng cường sự hiện diện quân sự quanh Nga để tạo thế uy hiếp Moscow.
Việc Mỹ khiêu khích Nga bằng kế hoạch triển khai bom hạt nhân B61 đến Đức có nguy cơ đe doạ mối quan hệ vốn đã chẳng mấy êm đẹp giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Đây là diễn biến đặc biệt nguy hiểm khi mà việc giải quyết các thách thức toàn cầu đang rất cần sự góp sức của cả Moscow và Washington.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ đã khiến những cuộc khủng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine hay Syria ngày một trở nên trầm trọng và bế tắc hơn.
Kiệt Linh theo VnMedia