Tình hình Biển Đông mới nhất:

Mỹ đang rất lo ngại Trung Quốc cắm chốt phi pháp ở quần đảo Trường Sa?

VietTimes -- Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc, Mỹ phản đối Trung Quốc tiến hành quân sự hóa các đảo đá ở Biển Đông thực ra là đang cực kỳ lo ngại Trung Quốc cắm chốt ở quần đảo Trường Sa ( thuộc tình Khánh Hòa, chủ quyền của Việt Nam), sẽ ngăn chặn liên kết giữa Guam, Nhật Bản và Diego Garcia.
Tàu chiến Mỹ - Trung Quốc sẽ chạm trán nhiều hơn ở Biển Đông?
Tàu chiến Mỹ - Trung Quốc sẽ chạm trán nhiều hơn ở Biển Đông?

Tiếp theo bài viết "Biển Đông nóng, chuyên gia Trung Quốc ngang nhiên bàn bành trướng quân sự (Phần 1)" mà VietTimes đã đăng tải, Vương Vân Phi khuyên Bắc Kinh tiếp tục dùng "chiến thuật tiến từng bước" đồng thời cho rằng Mỹ phản đối Trung Quốc tiến hành quân sự hóa các đảo đá ở Biển Đông thực ra là đang cực kỳ lo ngại Trung Quốc cắm chốt ở quần đảo Trường Sa ( thuộc tình Khánh Hòa, chủ quyền của Việt Nam), sẽ ngăn chặn liên kết giữa Guam, Nhật Bản và Diego Garcia.

Vương Vân Phi ngạo mạn, khuyến cáo Bắc Kinh: Trung Quốc không thể bỏ qua “điểm yếu” của đối thủ (Mỹ). Tuy nhiên, trong tình hình các cường quốc đang thiên vị, một số nước trong khu vực “không hiểu lý lẽ” hiện nay, Trung Quốc không nên hành động quá nhanh, mà phải từng bước tiến bước (bành trướng dần dần như tằm ăn dâu).

Theo ông ta, gần đây, máy bay tuần tra Y-8 của Trung Quốc đã khẩn cấp hạ cánh (bất hợp pháp) xuống đá Chữ Thập (Khánh Hòa, Việt Nam) với lý do là “cứu bệnh nhân nặng”, đã lần đầu tiên triển khai máy bay quân sự (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam).

Vương Vân Phi ngộ nhận rằng về sự kiện này cộng đồng quốc tế đã không có nhiều phản ứng bất lợi, Mỹ cũng chỉ có thể ngồi nhìn lo ngại. Mỹ cũng đã tạo ra nhiều “kiệt tác” tương tự, chẳng hạn, cho 2 máy bay chiến đấu F-18 hạ cánh khẩn cấp xuống Đài Loan vì gặp “sự cố”. Việc tàu chiến Philippines mắc cạn ở bãi Cỏ Mây (Khánh Hòa, Việt Nam) cũng có thể do Mỹ bày mưu tính kế cho Philippines.

Theo họ Vương, trong những trường hợp này, Trung Quốc cũng có thể lợi dụng hợp lý các quy tắc trò chơi để tối đa hóa lợi ích của mình. Chẳng hạn, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng tuần tra trực ban (bất hợp pháp) ở Biển Đông có thể “hạ cánh khẩn cấp” xuống các đảo đá với lý do sự cố. 

Vương Vân Phi ngang nhiên nói: Hành động cất hạ cánh đó là “vừa hợp tình vừa hợp lý”. Trong khi đó, các máy bay không người lái có công dụng rộng rãi về do thám trên không, quan trắc khí tượng, vì vậy có thể bố trí (bất hợp pháp) lượng lớn ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam).

Vương Vân Phi lấy cớ là xây dựng trạm quan trắc khí tượng, thủy văn được Liên hợp quốc “trao quyền”, Trung Quốc cần tăng cường chức năng cho nó, cho nên có thể bố trí thêm các loại radar.

Nếu máy bay Mỹ nhiều lần áp sát bầu trời quần đảo Trường Sa (Việt Nam), Trung Quốc có thể lấy cớ đó để bố trí (bất hợp pháp) tên lửa phòng không ở đây. Trước tiên sẽ bố trí lâm thời, sau đó sẽ bố trí vĩnh viễn; trước tiên dùng để huấn luyện, sau đó sẽ triển khai đồn trú (bất hợp pháp).

Sử dụng cái gọi là "ưu thế sân nhà”

Quân đội Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp ở Biển Đông. Nguồn ảnh: báo Phượng Hoàng, Hồng Kông..
Quân đội Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp ở Biển Đông. Nguồn ảnh: báo Phượng Hoàng, Hồng Kông..

Theo ông Phi, trong rất nhiều cuộc đối đầu ở quần đảo Trường Sa ( chủ quyền của Việt Nam), Trung Quốc thường phải ứng phó bị động một cách mệt mỏi. Nhưng, có một điểm mà Trung Quốc cần nắm lấy quyền chủ động đó là “ưu thế sân nhà”.

Mỹ và Nhật Bản có mạnh hơn nữa thì Trung Quốc vẫn “mạnh hơn” đối thủ về quy mô lực lượng, mức độ hiểu biết chiến trường và tốc độ điều quân ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Cho dù một số nước xung quanh có khoảng cách gần hơn, nhưng, về tổng thể, Trung Quốc vẫn có “ưu thế to lớn”.

Vì vậy, theo Phi, "Trung Quốc cần giỏi tận dụng ưu thế, khắc phục hạn chế, chẳng hạn sử dụng hợp lý không gian dưới lòng biển khơi. Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc có số lượng nhiều, khoảng cách chiến trường gần, hiểu rõ khí tượng, thủy văn vùng biển".

Quy tắc ngầm trong “đấu tranh quân sự trên biển” là hai bên đều lặng lẽ đối đầu dưới lòng biển khơi mà không nói cho nhau biết. Trung Quốc có thể sử dụng lượng lớn tàu ngầm để tiến hành đối đầu với tàu chiến đối phương. Một là phát huy ưu thế của Trung Quốc, hai là có thể tránh bị phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế và truyền thông. 
Do quy tắc ràng buộc của luật biển đối với hoạt động của tàu ngầm tương đối cởi mở, hơn nữa, trong thực tiễn quản lý biển, hành vi của tàu ngầm thường khó có thể ràng buộc có hiệu quả. 

Vương Vân Phi cho rằng, cùng với việc ra sức phát triển lực lượng tàu ngầm, Trung Quốc cần nắm chắc thời cơ lực lượng tàu ngầm các nước xung quanh tương đối yếu, công nghệ chống âm thanh nước tương đối lạc hậu, dựa vào cách làm của Mỹ (bố trí trận địa dưới nước ở chuỗi đảo thứ nhất, chuỗi đảo thứ hai và ở quần đảo Aleutian), Trung Quốc bố trí một số cơ sở chống âm thanh nước ở một số vùng biển trọng điểm.

Vương Vân Phi.
Vương Vân Phi.

Họ Vương tư vấn rằng Trung Quốc cũng cần hoàn thiện công nghệ máy bay tuần tra săn ngầm Cao Tân 6, nắm chắc toàn diện quy luật hoạt động cơ bản của tàu ngầm ở Biển Đông. Đối với tàu ngầm của một số nước, do số lượng tương đối ít, cố gắng áp dụng thủ đoạn đối kháng “một chọi một”. 

Hơn nữa, theo ông Phi, Trung Quốc cần mở rộng hợp lý phạm vi kiểm soát trên biển, trên không. Trung Quốc đã sớm tuyên bố (phi pháp, vô hiệu) khu vực bắn đạn thật và khu vực huấn luyện, diễn tập ở quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam); Mỹ và Nhật Bản cũng đã tuyên bố những khu vực tương tự ở vùng biển nhạy cảm của họ, được họ thường xuyên sử dụng. 

Vương Vân Phi cho rằng, Trung Quốc có thể tận dụng thời cơ tuyên bố (phi pháp) những khu vực tương tự ở vùng biển quần đảo Trường Sa. Trung Quốc có thể dùng cách thức phân ra từng giai đoạn, lúc đầu kín, sau đó công khai, để bên ngoài từng bước thích ứng, dần dần tiến hành kiểm soát thực tế - tức là Trung Quốc thực hiện bành trướng dần dần.