Mỹ bất ngờ cắt viện trợ quân sự vì Pakistan ngả sang Trung Quốc

VietTimes -- Lầu Năm Góc vừa quyết định chấm dứt việc cung cấp 300 triệu USD viện trợ quân sự cho Pakistan với lý do Pakistan đã hành động không đủ mức đối với các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, có nhà quan sát cho rằng, nguyên nhân thực sự của hành động này là: mỗi năm Pakistan đồng thời với việc nhận viện trợ quân sự của Mỹ lại giữ quan hệ mật thiết và mua số lượng rất lớn vũ khí của Trung Quốc khiến Mỹ cảm thấy bực tức và bất an.
Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc và Pakistan khiến Washington lo ngại và là nguyên nhân khiến họ cắt viện trợ quân sự
Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc và Pakistan khiến Washington lo ngại và là nguyên nhân khiến họ cắt viện trợ quân sự

Theo Hãng tin FoxNews, hôm 1/9, người phát ngôn Lầu Năm Góc Koné Faulkner đã tuyên bố, do Pakistan không có những hành động đủ mức cần thiết với các tổ chức khủng bố ở trong lãnh thổ họ, nên Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ “tái bố trí” số 300 triệu USD còn lại trong gói viện trợ quân sự dành cho Islamabad để “sử dụng cho các hạng mục ưu tiên khẩn cấp khác”. FoxNews cho rằng, Pakistan đã không kiên quyết ủng hộ chính sách của Mỹ ở Nam Á.

Điều khiến giới quan sát chú ý là thông tin này được đưa ra ngay trước chuyến tới thăm Islamabad của Ngoại trưởng Mike Pompeo và tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và chỉ huy cao cấp của Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ. Hồi tháng 1 năm nay, Lầu Năm Góc cũng đã đóng băng một khoản viện trợ quân sự gần 1 tỷ USD cho quân đội Pakistan. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc khi đó nói, nguyên nhân là bởi Pakistan bất lực trong việc đối phó với mạng lưới của tổ chức khủng bố Haqqani.

Phi công quân sự Pakistan được Mỹ đào tạo, huấn luyện
Phi công quân sự Pakistan được Mỹ đào tạo, huấn luyện 

Tin cho biết, mạng lưới khủng bố Haqqani này đã bắt cóc các con tin người Phương Tây, trong đó có Kevin King, Giáo sư của trường Đại học American University ở Kabul. Hai năm trước, ông và một đồng sự người Australia đã bị bắt cóc. Lần cuối cùng Giáo sư King được mọi người nhìn thấy là trong một video được xuất hiện hồi tháng 10/2017.

Tổng thống Donald Trump khi đó viết trên Twitter: “Nước Mỹ trong 15 năm qua đã ngu xuẩn khi viện trợ cho Pakistan hơn 33 tỷ USD. Ngoài nói dối và lừa gạt, họ chả làm gì cho chúng ta và luôn coi lãnh tụ nước ta là kẻ ngốc!”. Ông tuyên bố việc viện trợ chỉ được khôi phục khi chính phủ Pakistan thay đổi chính sách của họ.

Khi đưa ra quyết định cắt viện trợ hồi tháng 1, Lầu Năm Góc từng bày tỏ, nếu Pakistan áp dụng các biện pháp đánh phá Haqqani và các tổ chức khủng bố khác thì họ có thể sẽ tiếp tục nhận được một phần khoản viện trợ này.

Vũ khí quân đội Pakistan sử dụng hiện nay hầu hết do Mỹ cung cấp
Vũ khí quân đội Pakistan sử dụng hiện nay hầu hết do Mỹ cung cấp

Có nhà phân tích chỉ ra rằng, hàng năm, bên cạnh việc nhận khoản viện trợ rất lớn từ Mỹ, Pakistan vẫn giữ quan hệ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, hơn nữa sự hợp tác giữa hai bên gần đây đã gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là trên lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Pakistan đang mua sắm số lượng rất lớn vũ khí trang thiết bị từ Trung Quốc chứ không phải từ Mỹ và vay của Trung Quốc số tiền rất lớn. Quan hệ đồng minh chiến lược kiểu này của Pakistan khiến Washington cảm thấy bất an.

Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ còn chỉ trích Islamabad đã im lặng cho qua hoặc dung túng cho hành động của các tổ chức vũ trang chống đối chính phủ Afghanistan, thậm chí hợp tác với chúng. Các nhóm vũ trang thường xuyên tập kích các đơn vị liên quân đóng ở Afghanistan đã biến khu vực biên giới Afghanistan – Pakistan thành nơi lẩn trốn, lánh nạn. Mỗi khi bị quân đội Mỹ tiến công, chúng lập tức chạy sang đất Pakistan để chỉnh đốn lại.

Hợp tác quân sự Trung Quốc - Pakistan ngày càng chặt chẽ: quân đội Trung Quốc tham gia diễu binh ở Islamabad
Hợp tác quân sự Trung Quốc - Pakistan ngày càng chặt chẽ: quân đội Trung Quốc tham gia diễu binh ở Islamabad

Nhà Trắng cho rằng, từ lâu nay, cơ quan tình báo Pakistan và các cơ quan quân sự khác của họ đã tài trợ và giúp trang bị cho lực lượng Taliban để chống lại liên quân do Mỹ đứng đầu vì nguyên nhân hình thái ý thức (Hồi giáo); đồng thời cũng nhằm chống lại ảnh hưởng của Ấn Độ ở Afghanistan. Tất cả những điều này khiến Washington không thể không xem xét lại chính sách viện trợ quân sự của mình cho Islamabad.

Do có lãnh thổ cận kề Afghanistan nên Pakistan được Mỹ coi là một trong những “đồng minh chiến lược ngoài NATO” chủ yếu, hàng năm đều sử dụng “Quỹ chi viện đồng minh chống khủng bố” để bù đắp cho chi phí chống khủng bố của Pakistan. Tính từ năm 2002 đến nay, Mỹ đã viện trợ cho Pakistan tổng số 33 tỷ USD, trong đó 14 tỷ được lấy từ  “Quỹ chi viện đồng minh chống khủng bố”.

 Trong cuộc chiến tranh Afghanistan bắt đầu từ năm 2001, Pakistan đã cung cấp hậu cần và hành lang để quân đội Mỹ tiến đánh các nhóm khủng bố Afghanistan từ lãnh thổ họ; nhưng từ sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng đến nay, Donald Trump luôn bày tỏ bất bình về mức độ hành động chống khủng bố của Islamabad và chỉ trích họ bao che, dung túng các phần tử khủng bố ; đồng thời, ông còn khuyến khích Ấn Độ phát huy tác dụng lớn hơn trong vấn đề Afghanistan – điều khiến Pakistan rất bực tức.

Biểu tình chống Mỹ ở Pakistan sau khi Mỹ tuyên bố cắt viện trợ
Biểu tình chống Mỹ ở Pakistan sau khi Mỹ tuyên bố cắt viện trợ

Trước những chỉ trích của Mỹ, phía Pakistan đã bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ. Họ cho rằng trong 15 năm qua Pakistan đã chi tới 120 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố và phải trả giá rất đắt do cuộc chiến này. Islamabad gọi quyết định của Washington “không phải là hành vi của một quốc gia bạn bè hay đồng minh”.

Hiện nay Pakistan đang xem xét đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cứu trợ khẩn cấp, yêu cầu được vay số tiền từ 10 đến 12 tỷ USD. Việc Mỹ chấm dứt viện trợ quân sự cho Pakistan vào lúc này bị coi là cố ý gây sức ép để buộc Pakistan phải cúi đầu trước chính sách của Mỹ.