Mỹ báo động về “hạm đội thứ 3” nguy hiểm của Trung Quốc

VietTimes -- Bằng cách sử dụng các tàu cá, Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp thành công bãi cạn Scarborough của Philippines. Mối đe dọa của hải quân Trung Quốc tăng lên khi họ có thể kết hợp hải quân, lực lượng tuần duyên và lượng tàu cá khổng lồ hay còn được gọi là "dân quân trên biển". Hiện tại, Mỹ và Nhật đã chính thức thừa nhận mối đe dọa này trên giấy tờ, theo AsiaTimes.

Một hạm đội tàu cá được quân sự hóa cung cấp cho Bắc Kinh một vũ khí mới cho những cuộc đối đầu cường độ thấp trên biển và là một tấm bình phong phía trước cho lực lượng hải quân đang tăng cao. Đây là lực lượng có quân số lớn nhưng không nằm trong trật tự chính thức khi có một trận chiến. Lực lượng này dễ tiếp cận nhưng khó đánh, dễ triển khai và khó dẹp. Đây chính là yếu tố thứ 3 đang nổi lên của lực lượng hàng hải Trung Quốc: một hạm đội tàu cá quân sự hóa.

Trong khi thế giới đang tập trung vào việc Trung Quốc mở rộng khả năng của hải quân trên những vùng biển sâu như các tàu sân bay thì một hạm đội không gây ấn tượng về mặt kỹ thuật nhưng tính triển khai cao khiến nó được biết tới nhiều hơn. Với các hành động phi pháp trên các vùng lãnh hải đang tranh chấp tại Biển Đông, các cuộc chạm trán lộn xộn tại quần đảo Sensaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) và va chạm trong những cuộc xung đột nguy hiểm với lực lượng tuần duyên Hàn Quốc tại khu vực đánh cá trên biển Hoàng Hải, vai trò của hạm đội tàu cá Trung Quốc trên những vùng tranh chấp tại khu vực biển châu Á ngày càng trở thành một nguy cơ lớn.

Trung Quốc có hạm đội tàu cá lớn nhất thế giới nhưng đang có một vấn đề tranh cãi giữa các nhà phân tích an ninh về phạm vi cấu thành của hạm đội này để trở thành một lực lượng bán quân sự. Trong khi lực lượng hải quân và tuần duyên Trung Quốc là những thực thể đã được biết tới, lực lượng mới này chỉ mới lọt vào "radar" của các bên đang đương đầu với Trung Quốc như là một lực lượng "dân quân biển".

Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ tới quốc hội nước này vừa được đưa ra vào tháng 8 vừa qua có những chi tiết về sức mạnh của quân đội Trung Quốc đã đưa ra sự chú ý lần thứ 2 trong báo cáo thường niên về "Lực lượng dân quân biển của quân đội nhân dân Trung Quốc" PAFMM. Lầu Năm Góc lưu ý: "PAFMM là một bộ phận nhỏ của dân quân quốc gia Trung Quốc, một lực lượng vũ trang dự bị của những thường dân sẵn sàng động viên... PAFMM đóng vai trò chính trong những hoạt động áp bức để đạt được những mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần gây chiến".

Lầu Năm Góc đã thi hành một nhiệm vụ báo hiệu bằng cách định rõ chủ thể này một cách chính thức và có thẩm quyền, ông Andrew Erickson giáo sư tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ và là người được ủy quyền về chủ đề này đã đưa ra vấn đề trong những bình luận trên mạng. Tán thành với phân tích của Washington, sách trắng quốc phòng thường niên của Nhật Bản cũng chú ý đến nhóm dân quân.

Chỉ huy và kiểm soát, tàu quân sự hóa, thủy thủ đoàn được huấn luyện

Chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Scott Swift xem lực lượng dân quân biển này với một sự lưu tâm. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 ông đã nói: "Hãy cẩn thận đừng coi họ như một nhóm ngư dân ô hợp... Tôi nghĩ họ có chỉ huy và kiểm soát. Họ không hành động tự phát".

Quân đội Trung Quốc đang quyết đoán hơn với việc kiểm soát trên biển. Đầu năm nay, lực lượng tuần duyên Trung Quốc trước đây nằm dưới quyền kiểm soát của Cục Hải dương Quốc gia đã được Quân ủy Trung ương Trung Quốc - cơ quan chỉ huy cao nhất của quân đội Trung Quốc trực tiếp chỉ huy.

Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc hầu như là có một không hai. Theo ông Erickson: "Bắc Kinh rõ ràng có một lực lượng dân quân biển lớn nhất và có năng lực nhất".

Hiện chưa rõ có bao nhiêu tàu thuyền được chuyển thành dân quân biển nhưng đôi khi một lượng lớn tàu cá đã được Bắc Kinh đưa vào tiến hành nhiều cuộc đụng độ trên những vùng nước ven biển thuộc Đông Á.

Mặc dù không được vũ trang, rất nhiều tàu đã củng cố lại thân vỏ để thực hiện các cuộc tấn công va chạm: Nhiều tàu của Việt Nam đã bị đâm và chìm trong thời gian diễn ra sự cố Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lụa địa của Việt Nam năm 2014. Năm 2016, những tàu tuần duyên của Hàn Quốc đã lật úp sau khi bị đâm. Nhiều tàu cá Trung Quốc được trang bị vòi rồng, các thủy thủ thì cầm vũ khí giáp lá cà để ngăn chặn việc khám xét: một lính tuần duyên Hàn Quốc đã bị đâm chí tử trên biển Hoàng Hải khi khám xét một tàu cá Trung Quốc đánh cá trái luật năm 2011.

Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc nổ súng vào hai tàu đánh cá trái phép.

Nhưng mối đe dọa chính của những dân quân là con số của họ. Đây là sự lặp lại cách tân ý tưởng của chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông về "Chiến tranh nhân dân" - với một làn sóng con người bảo vệ Trung Quốc bằng con số hơn là qua vũ trang hiện đại. Có rất nhiều nhân lực được huấn luyện chiến đấu trở thành thủy thủ trong hạm đội này. Nhiều lính trong quân số 300.000 của quân đội Trung Quốc đã dư thừa khi quân đội giảm biên chế và đã tìm công việc mới là "ngư dân" trong dân quân biển.

Theo AsiaTimes, "Hạm đội thứ 3" cho Bắc Kinh khả năng lấp kín một vùng xung đột bằng hàng trăm tàu cá, biến mọi cuộc đối đầu thành sự hỗn loạn. Đây là một vấn đề với các nước dân chủ vì tàu của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á khác e ngại việc đánh đắm các tàu "dân sự". PAFMM cung cấp vỏ bọc thuận tiện cho Bắc Kinh. Nếu "ngư dân" bị bắt giữ bởi một nước nào đó ví dụ như Nhật Bản khi xâm nhập các vùng tranh cãi trên biển Hoa Đông - sẽ không có bằng chứng họ là một phần của quân đội do đất nước chỉ huy trong các hoạt động phóng chiếu sức mạnh trên biển.

Lực lượng liên hợp 3 cấp độ

Bắc Kinh đang phát triển ngày càng tinh vi trong việc triển khai tất cả các yếu tố thuộc 3 lực lượng. Ông Erickson nói: "Trong năm 2017, Trung Quốc đã tổ chức một hoạt động phối hợp giữa hải quân, lực lượng tuần duyên và dân quân xung quanh đảo Thị Tứ [thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện Philippines đang kiểm soát trái phép]".

Cũng trong năm 2017, rất nhiều cuộc diễn tập nhằm có các động thái trong tương lai trên nhóm đảo Sensaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), một hạm đội gồm 260 tàu cá Trung Quốc đã bủa vây những vùng biển xung quanh quần đảo, được hỗ trợ bởi 6 tàu tuần duyên cùng những tàu hải quân chính quy nấp ở phía sau.

Đơn vị dân quân biển nổi tiếng nhất là Dân quân biển Đàm Môn đóng tại đảo Hải Nam. Trong báo cáo của Lầu Năm Góc có đoạn: "Chính quyền đảo Hải Nam nằm ngay sát Biển Đông, đã yêu cầu chế tạo 84 tàu cá dân sự loại lớn với thân vỏ được củng cố và có chỗ chứa đạn dược. Cuối năm 2016,  lực lượng dân quân đã nhận những tàu này cùng những khoản trợ cấp để khuyến khích các hoạt động thường xuyên [một cách trái phép] tại khu vực quần đảo Trường Sa. Đơn vị PAFMM đặc biệt này cũng là đơn vị chuyên nghiệp nhất, được trả lương độc lập với bất cứ hoạt động đánh cá thương mại nào và được tuyển mộ từ... các cựu binh".

Tàu cá Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
 Tàu cá Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Đơn vị đóng tại Hải Nam nhận được sự tung hô của báo chí và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến viếng thăm cá nhân đơn vị này vào năm 2013 vào kỷ niệm lần thứ nhất chiến thắng lớn nhất của họ: chiếm đoạt bãi cạn Scarborough của Philippines mà không gây đổ máu vào năm 2012.

Số lượng lớn tàu và thủy thủ của PAFMM nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh cho phép Trung Quốc thao túng phi pháp trên những vùng biển đang tranh chấp mà không cần phải triển khai các lực lượng chính quy như tuần duyên, hải quân hay thủy quân lục chiến.

Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, đồng thời là cựu chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương Harry Harris nói trong phiên điều trần trước quốc hội: "Lực lượng Trung Quốc có mặt ở khắp các thực thể đang tranh chấp [trên Biển Đông] chứ không chỉ ở những nơi họ đã chiếm đóng".

Tàu cá Trung Quốc đối đầu với lực lượng tuần duyên Hàn Quốc.
 Tàu cá Trung Quốc đối đầu với lực lượng tuần duyên Hàn Quốc.

Dân quân biển dính líu rất nhiều tới các cuộc chạm trán gần đây trên các dải đá ngầm, đảo san hô, đảo đá đang tranh chấp khiến cho phạm vi lấn chiếm phi pháp của Trung Quốc mở rộng chưa từng thấy.

AsiaTimes chỉ rõ tàu cá Trung Quốc cũng đóng vai trò nổi bật trong vụ việc Trung Quốc kéo dàn khoan HYSY 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014. Hơn 260 tàu cá được dẫn đường bởi 6 tàu tuần duyên đã tràn vào lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Sensaku (Trung Quốc gọi là điếu ngư) vào hè năm 2017.

Cũng vào tháng 8 năm ngoái, 9 tàu dân quân Trung Quốc đã xuống phía đảo Thị Tứ đảo lớn thứ 2 thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. "Ngư dân" Trung Quốc đã cắm cờ nước này lên Đá Tri Lễ, một dải cát gần Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc quân sự hóa trái phép.

Hải quân chính quy đối phó với cuộc chiến vô nguyên tắc

Lực lượng quân chính quy của các nước phương tây thường đối mặt với khó khăn rất lớn khi chống lại quân nổi dậy. Trong các hoạt động tác chiến chống lại quân nổi dậy, mức độ quân đội cần thiết sử dụng phải giảm xuống trong khi độ chính xác về hỏa lực và mục tiêu cần phải được nâng cao.

Rủi ro của thiệt hại song hành, liên quan tới thảm họa về quan hệ công chúng kéo theo là việc mất đi sự ủng hộ của công chúng với quân đội và chính sách của chính phủ rất quan trọng - như đã từng được chứng kiến tại Đông Dương, Iraq và Afghanistan.

Cũng vậy, khó khăn của lực lượng hải quân chính quy của các nước dân chủ - được vũ trang và huấn luyện để đánh lại hải quân của đối thủ là rất lớn - khi đối mặt với các hoạt động tác chiến trên biển ở cường độ thấp và buộc phải cân nhắc lại cách sử dụng lực lượng.

Hạm đội tàu cá Trung Quốc trở thành một công cụ tranh chấp chủ quyền của Bắc Kinh.
 Hạm đội tàu cá Trung Quốc trở thành một công cụ tranh chấp chủ quyền của Bắc Kinh.

Hải quân Hoàng gia Anh quốc đã đối mặt với khó khăn khi phải chiến đấu mà không được nổ súng trong trận chiến được gọi là "Chiến tranh Cá tuyết" chống lại các tàu cá và tàu tuần tra của Iceland vào những năm 1970. Tương tự, khủng bố Hồi giáo đã tấn công tàu USS Cole của Mỹ tại Yemen vào năm 2000 cho thấy mức độ thiệt hại mà lực lượng hải quân chính quy phải chịu trước những mối đe dọa có công nghệ thấp kém, bất đối xứng như ca nô sợi thủy tinh chất đầy thuốc nổ sử dụng trong một cuộc tấn công chết chóc nhưng thành công.

"Chiến tranh lai" trên biển trong thế kỷ 21 mới chỉ trong giai đoạn đầu. Những phương tiện, chiến thuật và cách thức giao tranh mà Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các chính phủ ASEAN sẽ sử dụng để đối đầu với mối đe dọa đang trỗi dậy này vẫn còn phải được xem xét.

Thực tế về nguy cơ này, cả Washington và Tokyo đều chính thức công nhận mối đe dọa trên giấy tờ cho thấy các biện pháp để ngăn chặn mối đe dọa này sắp xuất hiện.