Mặc dù Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, cộng đồng quốc tế và ngay cả chính quyền Mỹ đều xác nhận Iran thực hiện nghiêm thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Nhóm P5+1 nhưng Quốc hội Mỹ vẫn gia tăng các biện pháp trừng phạt Teheran, khiến cho thỏa thuận này đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Vì vậy, một câu hỏi cần được lý giải: đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn tới động thái khác thường này của Mỹ?
Iran liên tiếp bị “bắn phá” bởi các lệnh cấm vận
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã từng tuyên bố Thỏa thuận hạt nhân giữa Nhóm P5+1 với Iran (gọi tắt là Thỏa thuận P5+1 với Iran) là “thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Vì thế, sau khi nhậm chức, nhận thấy không thể bác bỏ xác nhận của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế rằng Iran đã thực hiện nghiêm túc thỏa thuận này, Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển sang áp đặt các biện pháp cấm vận mới đối với Iran với lý do Teheran “phát triển tên lửa đạn đạo, vi phạm nhân quyền và tài trợ mạng lưới khủng bố quốc tế”.
Ngày 3/2/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh đầu tiên cấm vận Iran với cáo buộc “Teheran phát triển tên lửa đường đạn”. Tháng 7/2017, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới nhằm vào 18 cá nhân và tổ chức với cáo buộc “ủng hộ lực lượng vệ binh cách mạng Iran phát triển các trang thiết bị quân sự, sản xuất linh kiện điện tử hoặc liên quan đến việc đánh cắp chương trình phần mềm của Mỹ để bán cho Iran”. Theo lệnh trừng phạt mới, tất cả các cá nhân và tổ chức này bị phong tỏa tài sản và giao dịch ở Mỹ.
Cao điểm của chiến dịch cấm vận Iran là ngày 2/8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn Đạo luật H.R.3364 trước đó đã được cả Hạ viện và Thượng hiện Mỹ thông qua. Theo đạo luật này, mục đích các biện pháp cấm vận nhằm: (1) ngăn chặn Iran chuyển giao vũ khí cho các tổ chức và cá nhân mà Mỹ xác định là “khủng bố”, trong đó có quân đội Syria; (2) ngăn chặn Iran kiểm soát các tuyến giao thông thượng mại quốc tế trên biển; (3) ngăn chặn nỗ lực của Iran phá hoại các chính phủ được quốc tế công nhận ở Trung Đông; (4) ngăn chặn hoạt động của Iran giúp đỡ kinh tế và quân sự cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như các tổ chức ủng hộ chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố; (5) cấm vận các cá nhân và tổ chức hợp tác kỹ thuật quân sự với Iran cũng như chuyển giao vũ khí cho Iran (biện pháp này nhằm ngăn chặn hoạt động của Nga chuyển giao phụ tùng cho các hệ thống vũ khí Iran đã từng mua của Nga như xe tăng T-72, các hệ thống pháo, tên lửa và các máy bay chiến đấu MiG-29, Su-24, Su-25…).
Các biện pháp cấm vận nhằm vào các tổ chức và cá nhân theo danh sách do tổng thống và bộ trưởng ngoại giao Mỹ xác định, theo đó Mỹ sẽ phong tỏa mọi tài sản và lợi ích của những đối tượng này trên lãnh thổ Mỹ; cấm nhập và xuất cảnh khỏi Mỹ nếu những đối tượng đó hiện diện ở Mỹ. Đạo luật H.R.3364 còn cấm vận đối với các lực lượng vệ binh cộng hòa Iran mà theo Mỹ đang “hợp tác với các tổ chức khủng bố” và những quan chức Iran “vi phạm nhân quyền” [1].
Trước động thái này của Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố:“Thế giới đã nhận thấy rất rõ là, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã phớt lờ các thỏa thuận quốc tế, trong đó có hành động phá hoại thỏa thuận hạt nhân của Nhóm P5+1 với Iran”. Phát biểu trước phiên họp của Quốc hội Iran, Tổng thống Hassan Rouhani nhấn mạnh:“Nếu người Mỹ muốn thực hiện thêm bất kỳ một lệnh trừng phạt mới nào, Iran sẽ ngay lập tức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký kết”.
Mọi chuyện xuất phát từ cuộc khủng hoảng hệ thống ở Mỹ
Để hiểu được bản chất các biện pháp cấm vận dồn dập của Mỹ nhằm chống phá Iran, trước hết cần nhìn vào nội tình của Mỹ. Cũng như các biện pháp cấm vận Nga và Triều Tiên trong Đạo luật H.R.3364, quyết định của Mỹ cấm vận Iran xuất phát từ vị thế của nước Mỹ hiện nay. Theo nhận định của giới nghiên cứu chính trị ở Mỹ và các nước Phương Tây, hiện nay Mỹ đang trải qua cuộc khủng hoảng hệ thống, trong đó đan xen nhiều cuộc khủng hoảng có bản chất khác nhau. Đó là:
(1) Cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính-tiền tệ dựa trên cơ sở đồng đô la Mỹ (USD) lấy dầu mỏ làm giá trị bản vị, bùng phát từ năm 2008, tạo ra nguy cơ sụp đổ một trong những trụ cột quan trọng nhất làm nên sức mạnh Mỹ.
(2) Cuộc khủng hoảng nền kinh tế Mỹ, trong đó nền kinh tế ảo, chủ yếu là dịch vụ tài chính tiền tệ, chiếm tỷ lệ áp đảo, trên 60% GDP của Mỹ. Vì thế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương đưa nước Mỹ về với nền kinh tế thực (sản xuất hàng hóa), với khẩu hiệu “người Mỹ mua hàng của Mỹ”.
(3) Cuộc khủng hoảng tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ đang tạo ra nhiều thứ vũ khí đắt tiền, tốn kém do tham nhũng nhưng chất lượng rất đáng nghi ngờ. Minh chứng cho cuộc khủng hoảng này là ngày 22/8/2017 Hải quân Mỹ ra lệnh tạm dừng hoạt động của các tàu hải quân trên khắp đại dương thế giới để kiểm tra chất lượng trang bị sau vụ tai nạn của chiến hạm mang tên Thượng nghị sỹ John McCain.
(4) Cuộc khủng hoảng phân biệt chủng tộc, trong đó người da trắng ở Mỹ tự coi họ là “dân tộc thượng đẳng” so với tất cả các dân tộc khác trên thế giới, tương tự như chủ nghĩa quốc xã trong thế kỷ XX. Vụ bạo loạn đẫm máu ngày 13/8/2017 ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, đã phơi bày mâu thuẫn âm ỉ và sâu sắc giữa các nhóm sắc tộc trong xã hội Mỹ-nguyên nhân chính đã từng dẫn đến cuộc nội chiến cách đây 150 năm.
(5) Cuộc khủng hoảng giá trị con người trong xã hội Mỹ, trong đó nổi nên và chiếm vị thế áp đảo là các giá trị tiêu thụ và coi cá nhân là tối thượng, đã từng được biểu hiện trong vô vàn các vụ xả súng giết người hàng loạt.
(6) Cuộc khủng hoảng hình ảnh và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ do các hành động của Washington đang phá vỡ hệ thống chính trị-an ninh hình thành sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, có thể dẫn tới cuộc chiến tranh thế giới mới [2-5].
Bằng cách nào để Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hệ thống?
Theo giới nghiên cứu chính trị quốc tế, có hai cách thức có thể giúp Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hệ thống này.
Cách thức thứ nhất. Mỹ phải chấp nhận thực tế khách quan là trật tự thế giới mới đang hình thành, trong đó Mỹ không còn chiếm vai trò lãnh đạo và không thể áp đặt ý chí chính trị của họ cho phần còn lại của thế giới. Chấp nhận trật tự thế giới mới này, Mỹ sẽ chấm dứt sự can thiệp vào chủ quyền của các quốc gia khác, cùng hợp tác với các thành viên khác trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở các bên cùng có lợi. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã từng tuyên bố về những cam kết tương tự.
Cách thức thứ hai. Mỹ sẽ chọn cách thức “truyền thống” của chủ nghĩa tư bản là thông qua cuộc chiến tranh thế giới. Đầu những năm 1900, chủ nghĩa tư bản thế giới cũng đã từng lâm vào khủng hoảng và để vượt qua nó, họ đã gây ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ I. Sau cuộc chiến này, Mỹ trở thành quốc gia giàu nhất thế giới, còn các nước tư bản châu Âu bị tàn phá nặng nề. Trong những năm 1930, chủ nghĩa tư bản thế giới lại lâm vào cuộc đại suy thoái. Để hóa giải cuộc đại khủng hoảng này, các tập đoàn chính trị và tài phiệt ở Mỹ và Anh liên kết với nhau dùng chiến tranh thế giới lần thứ II nhằm thu lời [5].
Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hệ thống, các tập đoàn chính trị và tài phiệt Mỹ đã sử dụng cách thức thứ hai với hai biến thể. Biến thể thứ nhất là phát động cuộc chiến tranh phức hợp nhằm tạo ra trạng thái “bất ổn có kiểm soát” trên phạm vi toàn cầu, chỉ còn lại Mỹ là “ốc đảo bình yên”. Biến thế thứ hai là gây ra một cuộc chiến tranh lớn, thậm chí là cuộc chiến tranh thế giới mới.
Cách thức tạo ra trạng thái “bất ổn có kiểm soát” trên phạm vi toàn cầu mở đầu từ “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” do Tổng thống G.W.Bush phát động sau sự kiện 11/9/2001, sau đó được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp nối bằng sách lược “Mùa xuân Arab”. Cách thức này đã bị phá sản. Trong chiến dịch tranh cử cũng như sau khi trở thành tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump “chê” cách thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama là không có hiệu quả và ông chọn cách thức gây ra một cuộc chiến tranh lớn, thậm chí là cuộc chiến tranh thế giới mới.
Để thực hiện chiến lược này, Tổng thống Donald Trump quyết định ráo riết tăng cường kho vũ khí hạt nhân vốn đã rất đồ sộ và lớn nhất thế giới của Mỹ và xúc tiến xây dựng quân đội Mỹ trở thành đội quân mạnh nhất, hiện đại nhất trong lịch sử Mỹ, với tham vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh tổng lực tiềm tàng với Nga và Trung Quốc [6-8].
Iran - Điểm ngắm trong một cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông
Hiện có nhiều điểm nóng được Mỹ chọn làm “ứng cử viên” để châm ngòi cho cuộc chiến tranh lớn. Đó là Ukraine, Trung Đông, bán đảo Triều Tiên. Trong đó Iran và Triều Tiên được coi là hai “ứng cử viên sáng giá nhất”. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà cả Triều Tiên và Iran đều được xếp chung trong Đạo luật cấm vận H.R.3364 cùng với Nga. Nếu chọn Ukraine hay Triều Tiên để châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lớn, Mỹ sẽ phải dính líu vào cuộc đối đầu với Nga và Trung Quốc. Trong điều kiện hiện nay, Mỹ chưa đủ sức làm điều đó. Vì thế, có thể Mỹ sẽ chọn Iran.
Gây chiến với Iran và làm sụp đổ chính thể của quốc gia này, Mỹ sẽ gián tiếp làm suy yếu Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, đồng thời củng cố liên minh của Mỹ với “NATO của nước Arab”. Để thực hiện kịch bản này, Mỹ phải gia tăng các biện pháp cấm vận đối với Iran nhằm làm suy yếu khả năng chống trả của quốc gia này.
Chính vì thế, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn điểm đến là Arabia Saudi-kẻ thù không đội trời chung với Iran. Tại đây, Tổng thống Donald Trump đã có ba quyết định quan trọng: (1) ký với Arabia Saudi hiệp định bán cho quốc gia này khối lượng vũ khí trị giá 350 tỷ USD trong vòng 10 năm; (2) thành lập “NATO của các nước Arab”; (3) tuyên bố coi Iran và tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xựng (IS) là “liên minh tội ác”.
Nếu NATO ở Châu Âu nhằm chống phá Nga, thì “NATO của các nước Arab” nhằm chống phá Iran. Còn 350 tỷ USD vũ khí hiện đại của Mỹ dành cho Arabia Saudi dĩ nhiên để chuẩn bị cho cuộc chiến tiềm tàng với Iran.
Đồng thời với quyết định tăng cường quan hệ với Arabia Saudi, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố với Israel-cũng kẻ tử thù của Iran, là đồng minh quan trong nhất của Mỹ ở Trung Đông. Trong chuyến thăm Israel sau Arabia Saudi, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: “Kẻ thù của Israel là Iran sẽ không bao giờ có được vũ khí hạt nhân”.
Như vậy, chiến lược của Mỹ chống phá Iran là lý do sâu xa khiến cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ nhanh chóng và nhất trí thông qua Đạo luật H.R.3364 cấm vận Teheran bởi các nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ đều đại diện cho các tập đoàn tài phiệt của Mỹ và phục vụ lợi ích của những tổ chức này trong cơ quan lập pháp Mỹ./.
***
Tài liệu tham khảo:
[1]«Противники Америки»:закон о новых санкциях США против Ирана-подробно. https://eadaily.com/ru/news/2017/08/02/protivniki-ameriki-pro-zakonoproekt-o-novyh-sankciyah-ssha-podrobno
[2] The Financial and Economic Crisis of 2008: A Systemic Crisis of Neoliberal Capitalism. http://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/0486613409335093
[3] The Crisis of Liberal Democratic Capitalism: The Case of the United States. http://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/003232928201100103?journalCode=pasa
[4] Systemic Crisis and Systemic Change in the United States in the 21st Century. http://democracycollaborative.org/content/systemic-crisis-and-systemic-change-united-states-21st-century
[5] Зачем Трамп открывает корейский фронт. https://topwar.ru/122617-zachem-tramp-otkryvaet-koreyskiy-front.html
[6] Donald Trump Wants to Build Up America’s Nuclear Arsenal. http://time.com/4616711/donald-trump-nuclear-weapons/