Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012, tầm nhìn của ông là đưa Trung Quốc trở thành một nước dẫn dắt Global South (gọi chung cho các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á).
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được khởi động vào năm 2013 và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) mà ông đã công bố trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) vào tháng 9 năm ngoái, là những công cụ để bơm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vào thế giới đang phát triển.
GDI có thành công hay không sẽ là phép thử khả năng quản trị kinh tế của Trung Quốc.
Cụm từ mà Bắc Kinh sử dụng để mô tả về sáng kiến này là sự ổn định, trong đó đặt trọng tâm vào các dự án cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững thông qua các khoản cho vay và xây dựng năng lực, tất cả đều hướng đến Các mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 của LHQ.
Tính đến nay, GDI vấp phải ít sự chỉ trích từ phương Tây hơn nếu so với BRI – bị phương Tây coi là thiếu minh bạch và thiếu sự ổn định về tài chính. Tuy nhiên, nó lại thể hiện nhiều đặc tính nổi bật vốn có của các sáng kiến lớn mà Trung Quốc từng đưa ra trong quá khứ. Nó hay thay đổi về bản chất, thiếu rõ ràng trong lúc thực hiện và linh hoạt trong các biện pháp được sử dụng để bàn giao dự án và trao khoản vay.
Phong cách làm việc thường thấy của giới tinh hoa Trung Quốc trong quá khứ phần nào có quán tính. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trước đây từng có câu nói nổi tiếng để mô tả về cuộc cải cách vào cuối thập kỷ 70 là “dò đá qua sông.”
Ông Tập cũng áp dụng hướng tiếp cận tương tự với GDI. Ông Đặng từng sử dụng chiến thuật này đối với nền kinh tế trong nước trong bối cảnh Trung Quốc bị cô lập sau Cách mạng Văn hóa. Nhưng ông Tập cần có sự tham gia của nhiều nước để thực hiện hóa tầm nhìn của mình, bởi các mối quan hệ của Bắc Kinh với thế giới đang trở nên phức tạp hơn do cuộc chiến Nga - Ukraine và căng thẳng ngoại giao, quân sự liên quan tới vấn đề Đài Loan.
Một vấn đề khác là niềm tin vào chính sách không tì vết được Bắc Kinh lên kế hoạch và thực thi, có thể dẫn tới những kỳ vọng không thực tế của các nước đang phát triển tham gia vào GDI. Trên thực tế, sáng kiến này đòi hỏi sự phối hợp không ngừng nghỉ giữa rất nhiều bộ ngành, cơ quan và các ngân hàng thuộc sở hữu của nhà nước ở Bắc Kinh.
Trung Quốc đã nhận thức rằng nhiều khía cạnh trong chương trình phát triển quốc tế của họ không còn được ủng hộ nhiều như trước kia – một phần là bởi những dự án này mang theo nhiều rủi ro cho các nước tham gia không khảo sát tiền khả thi đúng mức. Trong trường hợp của GDI, Trung Quốc nên tập trung vào việc đưa ra một kế hoạch hành động rõ ràng và cụ thể, đối với từng khu vực và bối cảnh cụ thể. Điều này sẽ giúp tăng cường sự rõ ràng và sự tín nhiệm về tài chính của kế hoạch.
Nhưng thành công của GDI không chỉ phụ thuộc vào tiền và khả năng của Trung Quốc. Nó còn phụ thuộc vào sự hợp tác của 60 quốc gia đã tham gia “Nhóm bạn bè GDI” được thiết lập bên trong LHQ vào tháng 1//2022. Đối với nhiều quốc gia trong nhóm này, sự tàn phá của đại dịch COVID-19 đã phóng đại những vấn đề tồn tại trong mạng lưới an sinh xã hội vốn đã dễ vỡ. Những nước này, nhiều trong số họ cực kỳ dễ tổn thương, tìm kiếm sự hỗ trợ có ý nghĩa chứ không phải những lời nói ngoại giao.
Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã đổ hàng trăm tỉ USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khắp các nước đang phát triển. Trong khi đó, nhiều trong số các nước tham gia hy vọng rằng Trung Quốc, và cả những nền kinh tế phát triển, sẽ tiếp tục rót vốn cho các chương trình xóa đói giảm nghèo và y tế công của họ.
Nhưng kiểu rót tiền của Trung Quốc rồi sẽ đến lúc phải chấm dứt bởi họ cũng có nhiều vấn đề kinh tế riêng. Điều này đặt Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan: họ có nên thắt lưng buộc bụng trong khi vẫn duy trì quan hệ gần gũi với các nước đang phát triển Bắc Kinh đã tìm kiếm sự ủng hộ trong các tổ chức đa phương, đáng chú ý nhất là sự ủng hộ trong vấn đề liên quan tới Đài Loan.
Phép thử cuối cùng cho khả năng quản trị kinh tế của Bắc Kinh là, liệu họ có thể sát cánh với các nước đang phát triển, vượt trên mối quan hệ được xây dựng bằng các nguồn lực tài chính và nguồn vốn ngoại giao hay không.
Rải tiền đến những nước này không phải lúc nào cũng đảm bảo được rằng sẽ giành được trái tim và tình cảm của họ. Trung Quốc cần phải thể hiện rằng họ thấy hiểu những nền kinh tế này thực sự muốn gì trong lúc tương tác với họ, và họ lo lắng điều gì, dựa trên kinh nghiệm có được từ các sáng kiến trước đây.
Bắc Kinh nên tránh phạm phải những sai lầm của BRI, và tập trung hơn vào việc phân phối dự án chất lượng cao, mang lại những lợi ích thực chất cho các nước tham gia. Điều này đòi hỏi nhiều hơn là chỉ thành lập “Nhóm bạn bè”, vốn đưa ra nhiều hứa hẹn những cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro./.
SoftBank thua đau trong ván cược Big Tech Trung Quốc: Kỳ tích Alibaba 'ru ngủ' Masayoshi Son
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc liên tiếp gặp trở ngại
“Cuộc chiến' Silicon: Giải mã sức mạnh Trung Quốc
SoftBank thua đau trong ván cược Big Tech Trung Quốc: Kỳ tích Alibaba 'ru ngủ' Masayoshi Son
Nguồn tham khảo: Financial Times