E-magazine Từ bỏ than đá, Trung Quốc đầu tư mạnh vào khí đốt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một số vùng phát triển nhất Trung Quốc tiếp tục đầu tư mạnh vào nhiên liệu hóa thạch, dù nước này cam kết mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2060.
Thượng Hải và một số khu vực giàu có của Trung Quốc đang tiếp tục đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, bất chấp mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 (Ảnh: AP)

Thượng Hải và một số khu vực giàu có của Trung Quốc đang tiếp tục đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, bất chấp mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 (Ảnh: AP)

Trong khi đầu tư mạnh tay cho phát triển công nghệ carbon thấp và năng lượng tái sinh, một số tỉnh và thành phố có GDP tốp đầu ở Trung Quốc - bao gồm Quảng Đông, Chiết Giang và Thượng Hải - vẫn tiếp tục rót vốn vào các dự án nhiên liệu hoá thạch, đặc biệt là khí đốt, theo nghiên cứu của Greenpeace khu vực Đông Á.

Cụ thể, tỉnh Quảng Đông đã đầu tư 385,1 tỉ NDT (56,6 tỉ USD) cho các dự án nhiên liệu hóa thạch tính đến thời điểm này trong năm, tăng 21,8% kể từ năm 2020, theo Greenpeace.

Tỉnh Chiết Giang ở phía Đông, nền kinh tế khu vực lớn thứ tư của Trung Quốc, và thành phố ven biển Thượng Hải, nền kinh tế khu vực lớn thứ 10, cũng tăng lượng đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch trong năm nay với mức tăng theo năm lần lượt là 5% và 19,9%, lên 92,3 tỉ NDT và 31,5 tỉ NDT.

Hoạt động tại một mỏ than ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy (Ảnh: AP)

Hoạt động tại một mỏ than ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy (Ảnh: AP)

“Việc tăng đầu tư vào khí đốt, bất chấp chiến lược của Trung Quốc là giảm đầu tư vào than đá, chỉ ra rằng một số tỉnh đi đầu cần phải dẫn dắt trên con đường chuyển dịch năng lượng của quốc gia,” Qiu Chengcheng, người phụ trách chiến dịch khí hậu và năng lượng của văn phòng tại Bắc Kinh, Greenpeace Đông Á, nói. “Nhưng tại thời điểm này, dường như các chính sách carbon thấp chưa khuyến khích được quá trình chuyển dịch năng lượng ở Quảng Đông.”

Tháng 4 năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm lượng tiêu thụ than đá vào năm 2026 – hiện đang chiếm tới 60% nguồn sản sinh năng lượng của nước này. Kế hoạch này là một phần trong mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc, trong đó đưa năng lượng tái sinh chiếm tỷ lệ 80% sản lượng năng lượng quốc gia vào năm 2060, thời điểm mà nước này đạt được trạng thái trung hòa carbon.

Mặc dù các trung tâm kinh tế của Trung Quốc đang tuân theo chỉ đạo của Bắc Kinh, tránh xa than đá, nhưng Greenpeace chỉ ra rằng những khu vực này lại đang chuyển dịch sang khí đốt.

Một ví dụ là Quảng Đông. Tỉnh này năm ngoái tuyên bố rằng họ sẽ cấm xây dựng và mở rộng các nhà máy điện chạy bằng than đá ở các vùng lõi thuộc châu thổ sông Châu Giang. Tuy nhiên, Greenpeace nhận thấy rằng tỉnh này cũng đầu tư tiền vào 68 dự án điện khí, và 25 dự án cơ sở khí đốt tính cho đến thời điểm này năm nay.

Nhân viên kỹ thuật kiểm tra một nhà máy điện mặt trời ở Ôn Châu, Chiết Giang (Ảnh: Xinhua)

Nhân viên kỹ thuật kiểm tra một nhà máy điện mặt trời ở Ôn Châu, Chiết Giang (Ảnh: Xinhua)

Những động thái như vậy có thể bắt nguồn từ nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh chính phủ muốn giảm dần sử dụng than đá, và tìm kiếm những cơ hội mới trong tăng trưởng công nghiệp, theo các chuyên gia năng lượng.

“Trong lĩnh vực năng lượng, hiện đang có nhu cầu phải có thêm nguồn năng lượng dự trữ để có thể sử dụng trong lúc nhu cầu tăng đột biến, ví dụ như điều đang xảy ra ở hiện tại, khi nắng nóng gia tăng, làm tăng nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ,” Lauri Myllyvirta, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch.

Những đợt nắng nóng kỷ lục diễn ra trên khắp Trung Quốc vào mùa Hè năm nay đã khiến cho nhu cầu sử dụng điện để làm mát tăng đột biến. Tình trạng này khiến cho các tỉnh như Quảng Đông và Tứ Xuyên phải hạn chế phân phối điện năng cho khu vực công nghiệp, để ưu tiên cho các hộ gia đình.

Do các nguồn cung năng lượng tái sinh không đủ để đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn đỉnh điểm, nên khí đốt trở thành nguồn thay thế được ưa chuộng nhờ tính linh hoạt và giá rẻ, theo Lucas Zhang Liutong, giám đốc của hãng tư vấn WaterRock Energy Economics, có trụ sở tại Hong Kong.

Chính quyền địa phương ở các tỉnh như Quảng Đông và Chiết Giang cũng đang nhắm tới ngành công nghiệp “hóa dầu xanh” như một trong những cột trụ của họ để phát triển công nghiệp, theo Greenpeace. “Các dự án này, nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng trong ngắn hạn, có thể tăng thêm sức ép để carbon đạt đỉnh và cuối cùng là trung hòa carbon vào năm 2060,” theo ông Qiu.

Một nhân viên kiểm tra đường ống dẫn khí tại nhà máy dự trữ của PetroChina ở Bàn Cẩm, Liêu Ninh (Ảnh: Xinhua)

Một nhân viên kiểm tra đường ống dẫn khí tại nhà máy dự trữ của PetroChina ở Bàn Cẩm, Liêu Ninh (Ảnh: Xinhua)

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, và nỗ lực chuyển đổi năng lượng của họ được dự kiến là sẽ tiếp tục duy trì nhu cầu dài hạn đối với khí đốt nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, hãng Moody’s Investors Services nhận định.

Nhiều chuyên gia năng lượng đang hối thúc chính phủ trung ương và chính quyền địa phương ở Trung Quốc quyết tâm hơn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và tăng sự chuyển dịch năng lượng để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

“Việc tăng sử dụng khí đốt nhìn có vẻ như họ đang có bước tiến trên mặt trận này,” Myllyvirta nói. “Tuy nhiên, đây là một ngõ cụt, bởi khí đốt không thể giúp trung hòa carbon, không giúp làm giảm tình trạng ô nhiễm.”

Theo SCMP