Muốn làm loạt dự án 14.000 tỉ đồng, Cty Thuận Thiên Ninh Thuận của ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hậu tố "Ninh Thuận" của Công ty cổ phần Thuận Thiên Ninh Thuận phần nào đã khẳng định vị thế của doanh nghiệp này tại tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.
Muốn làm loạt dự án 14.000 tỉ tại Ninh Thuận, Cty Thuận Thiên Ninh Thuận của ai?
Muốn làm loạt dự án 14.000 tỉ tại Ninh Thuận, Cty Thuận Thiên Ninh Thuận của ai?

Theo kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu nhà vườn cây ăn quả - Khu 5 thuộc Khu đô thị Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, chỉ duy nhất một nhà đầu tư tổ chức nộp hồ sơ là Công ty cổ phần Đầu tư Thuận Thiên Ninh Thuận (Thuận Thiên Ninh Thuận).

Dự án này dự kiến thực hiện trong 8 năm, là khu nhà vườn trồng cây ăn quả, duy trì và phát triển các hoạt động nông nghiệp đô thị với quy mô 98,78 ha. Tổng chi phí thực hiện dự án 1.737 tỉ đồng, trong đó có hơn 400 tỉ đồng là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ngoài dự án trên, Thuận Thiên Ninh Thuận còn đăng ký thực hiện cả các dự án còn lại trong gói thầu Khu đô thị Đầm Nại, bao gồm: Khu đô thị vườn phát triển mới phía Tây Nam Đầm Nại (Khu 4.1) có tổng chi phí 3.990 tỉ đồng; Khu đô thị vườn phát triển mới phía Tây Nam Đầm Nại (Khu 4.2) có tổng chi phí 4.857 tỉ đồng, Khu đô thị mới ven bờ Tây Bắc Đầm Nại (Khu 1) có tổng chi phí 3.610 tỉ đồng.

Thuận Thiên Ninh Thuận của ai?

Theo tìm hiểu của VietTimes, Thuận Thiên Ninh Thuận được thành lập ngày 12/6/2017, đặt trụ sở tại Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, đăng ký ngành nghề chính là Dịch vụ lưu trú ngắn ngày.

Khởi đầu với vốn điều lệ là 300 tỉ đồng, Thuận Thiên Ninh Thuận có 3 cổ đông sáng lập, bao gồm: bà Phạm Nguyễn Thanh Nhàn (nắm 60% vốn điều lệ), ông Phạm Hải Long và ông Trần Xuân Khiên (sinh năm 1975) mỗi người nắm 20%. Ông Khiên giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Hai tháng sau khi thành lập, Thuận Thiên Ninh Thuận nâng vốn điều lệ gấp hơn ba lần lên 1.000 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông không thay đổi. Từ ngày 25/9/2019, Thuận Thiên Ninh Thuận thay đổi ngành nghề kinh doanh chính từ Dịch vụ lưu trú ngắn ngày sang Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Đồng thời, các cổ đông sáng lập đều giảm mạnh sở hữu. Trong đó, cổ đông lớn nhất trước kia là bà Phạm Nguyễn Thanh Nhàn chỉ còn nắm giữ 5%, ông Phạm Hải Long nắm 5%, còn tổng giám đốc Trần Xuân Kiên giữ 10% vốn điều lệ.

Ngày 13/11/2020, chỉ một ngày sau khi Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Ninh Thuận thông báo về việc đăng ký đầu tư gói thầu Dự án Khu đô thị Đầm Nại, Thuận Thiên Ninh Thuận bất ngờ nâng số vốn điều lệ lên 2.300 tỉ đồng. Danh sách các cổ đông sáng lập không có xáo trộn, với tổng sở hữu tương đương lần thay đổi cuối năm 2019 là 20%.

Thuận Thiên, Đại An, Thịnh Hưng

Ba năm kể từ ngày được "khai sinh", Thuận Thiên Ninh Thuận không phát sinh doanh thu. Lỗ ròng không đáng kể, chỉ hơn trăm triệu đồng. Bởi thế nên đến cuối năm 2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty này vẫn xấp xỉ gần 1.000 tỉ đồng.

Dường như Thuận Thiên Ninh Thuận chỉ đóng vai trò như một SPEs (công ty thành lập với mục đích đặc biệt), giới chủ đứng sau chắc hẳn đang có những toan tính riêng, và sẽ không bất ngờ nếu công ty này chỉ là mắt xích trong một hệ sinh thái lớn.

Ngoài Thuận Thiên Ninh Thuận, ông Trần Xuân Khiên và nhóm cổ đông trên còn góp vốn thành lập Công ty TNHH Đại An Ninh Thuận (Đại An Ninh Thuận) và Công ty cổ phần Đầu tư Thịnh Hưng Ninh Thuận (Thịnh Hưng Ninh Thuận).

Đại An Ninh Thuận và Thịnh Hưng Ninh Thuận có thể nói là hai pháp nhân song sinh bởi cả hai doanh nghiệp này cùng được thành lập vào ngày 10/8/2018, có trụ sở trên đăng ký kinh doanh cùng địa chỉ với Thuận Thiên Ninh Thuận và đăng ký hoạt động kinh doanh bất động sản.

Ban đầu, Thuận Thiên Ninh Thuận đều góp mặt trong cơ cấu cổ đông của hai doanh nghiệp kể trên, với sở hữu 35% tại Đại An Ninh Thuận và 51% tại Thịnh Hưng Ninh Thuận. Tuy nhiên sau đó, Thuận Thiên Ninh Thuận dần thoái sạch vốn và cơ cấu sở hữu chỉ còn lại nhóm ba cổ đông cá nhân nói trên.

Ngoài nhóm doanh nghiệp có hậu tố "Ninh Thuận", cá nhân ông Trần Xuân Khiên còn là đại diện pháp luật kiêm Giám đốc cho Công ty TNHH Phát triển Khoáng sản Duy Tân Wolfram Bình Thuận. Đây là công ty duy nhất có ngành nghề kinh doanh chính là khai khoáng, khác với nhóm công ty trên.

Duy Tân Volfram Bình Thuận thành lập vào tháng 8/2016, có trụ sở đặt tại Quận 10, TP HCM. Công ty này có vốn điều lệ 31 tỉ đồng, với hai cổ đông chính là Công ty TNHH Thanh Tâm (Thanh Tâm) nắm 90,3% và Công ty TNHH Phát triển Khoáng sản Duy Tân (Khoáng sản Duy Tân) góp 9,7% vốn điều lệ.

Cũng giống với nhóm ba công ty “anh em” trên, báo cáo riêng lẻ của Duy Tân Volfram Bình Thuận cho thấy doanh nghiệp này không phát sinh doanh thu trong vài năm gần đây. Kết quả là tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2019 giữ ở mức 30,9 tỉ đồng, do mỗi năm doanh nghiệp này chỉ lỗ vài triệu đồng.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, vào ngày 22/11/2014, Thanh Tâm và Khoáng sản Duy Tân – hai cổ đông sáng lập của Duy Tân Volfram Bình Thuận – đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh đầu tư khai thác và chế biến wolfram tại khu vực Đồi Cờ, xã Mé Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

Nắm tỉ lệ sở hữu chi phối tại Duy Tân Volfram Bình Thuận, công ty Thanh Tâm được thành lập từ tháng 9/2000, đặt trụ sở tại Tp. HCM.

Cập nhật tới cuối năm 2015, công ty này có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông gồm 3 cá nhân (cùng địa chỉ đăng ký thường trú) là bà Nguyễn Thị Phượng (40% VĐL), ông Phạm Thanh Thanh Tâm (30% VĐL) và ông Phạm Văn Lộc (30% VĐL).

Về Khoáng sản Duy Tân

Trong khi đó, Khoáng sản Duy Tân từng vướng lùm xùm sai phạm, tận thu cát, khi thực hiện nạo vét luồng dẫn, khu neo đậu tránh trú bão ở bờ Nam và Bắc Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Công ty Duy Tân tiền thân là Công ty TNHH Phát triển Khoáng Sản Duy Tân, thành lập từ tháng 6/2000.

Công ty liên tục thay đổi trụ sở và mô hình kinh doanh từ trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần. Tại ngày 21/9/2017, Tổng Giám đốc kiêm nguiờ đại diện Nguyễn Minh Tân (SN 1954) nắm giữ tới 50% vốn của Duy Tân. Số cổ phần còn lại của doanh nghiệp này do Công ty cổ phần Kim khí – Xây dựng Việt Nga nắm 36% vốn điều lệ, ông Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Mạnh Tấn mỗi người nắm 7% vốn điều lệ.

Tới tháng 3/2018, sau lùm xùm về việc sai phạm ở dự án nạo vét bờ Nam và Bắc Cửa Việt, Công ty tiếp tục quay lại hình thức hoạt động TNHH với tên mới là Xuất nhập khẩu khoáng sản Duy Tân.

Ông Nguyễn Minh Tân (sinh năm 1954) vẫn là người đại diện kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên, còn tất cả các cổ đông cũ khác đều đã thoái vốn. Ông Tân tăng tỉ lệ nắm cổ phần lên 70% vốn điều lệ, 30% vốn còn lại do bà Tô Thị Hồng Hai đứng tên.

Đáng chú ý, công ty Duy Tân còn là cổ đông sáng lập của CTCP Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thuỷ (Mỹ Thuỷ).

Mỹ Thuỷ là chủ đầu tư dự án xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng, thuộc khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị), quy mô 685ha, có tổng vốn đầu tư lên tới 14.234 tỉ đồng (vốn góp của nhà đầu tư là 2.143 tỉ đồng, vốn huy động khác là 12.091 tỉ đồng). Dự án được đầu tư theo 3 giai đoạn, khởi công từ tháng 2/2020.

Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thuỷ từng bị nghi ngờ về năng lực tài chính

Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thuỷ từng bị nghi ngờ về năng lực tài chính

Dù công ty Duy Tân chỉ nắm giữ 25% cổ phần, song, ông Nguyễn Minh Tân vẫn có tới hơn 1 năm cầm cương, đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc của Mỹ Thuỷ. Đến tháng 4/2016, ông Cho Gilhyung (sinh năm 1967) đã thay thế ông Tân đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc của doanh nghiệp dự án.

Sự thay đổi nhân sự cấp cao phần nào xuất phát từ thay đổi trong cơ cấu cổ đông của Mỹ Thuỷ, khi Duy Tân không góp vốn theo cam kết, còn Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Dịch vụ xây dựng Việt Nam (vào tháng 11/2017) đã nâng tỉ lệ sở hữu lên mức 93,33% vốn điều lệ./.