Sáng 26/12, độc giả và công chúng tại Đường sách TP.HCM có dịp trao đổi với PGS.TS sử học Nguyễn Tiến Lực - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; tác giả cuốn sách "Duy Tân thập kiệt" – “Mười nhân vật kiệt xuất của Minh Trị Duy Tân”.
Minh Trị Duy Tân không chỉ là sự kiện lật đổ chính quyền Mạc phủ, thiết lập chính quyền Minh Trị, mà là một chuỗi cải cách kéo dài gần 30 năm, làm biến đổi sâu sắc chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa Nhật Bản, đưa Nhật trở thành quốc gia “phú quốc cường binh”, một kỳ tích của châu Á và nhân loại nửa sau thế kỷ XIX.
Vì thế, khi nói về các nhân vật kiệt xuất của Minh Trị Duy Tân, không chỉ đề cập đến các nhà hoạt động chính trị, quân sự mà cả các nhà tư tưởng và các nhà doanh nghiệp có công lao to lớn cho sự nghiệp duy tân.
PGS.TS sử học Nguyễn Tiến Lực.
|
Nhiều năm là trưởng bộ môn Nhật Bản của Đại học KHXH&NV TP.HCM, PGS.TS. sử học Nguyễn Tiến Lực tuân thủ nghiêm cẩn học thuật hàn lâm nhưng đồng thời ông lại sở hữu một văn phong lôi cuốn. Mười nhân vật tiêu biểu được ông lựa chọn sau khi nghiên cứu và khảo sát là: Yoshida Shoin, Sakamoto Ryoma - hai nhân vật có tầm nhìn trước thời đại, đặt nền móng “đảo Mạc” và giúp liên kết các Han tạo lực lượng chủ lực cho công cuộc lật đổ Mạc phủ Tokugawa thành công; Nhóm “Duy tân tam kiệt” gồm Saigo Takamori, Okubo Toshimichi, Kido Takayoshi - có công lớn nhất cho giai đoạn “Tôn Hoàng đảo Mạc”, lật đổ Mạc Phủ, lấy lại quyền lực về tay Thiên hoàng và đầu thời kỳ Minh Trị Duy tân.
Nhóm “Duy tân ngũ kiệt mới” gồm Iwakura Tomomi, Ito Hirobumi, Okuma Shigenobu, Fukuzawa Yukichi và Shibusawa Eiichi - 5 nhân vật đặt nền móng xây dựng một nước Nhật hiện đại ở các lĩnh vực nội chính, ngoại giao, kinh tế, tài chính-tiền tệ, giáo dục…
Yoshida Shoin là nhà giáo dục và nhà tư tưởng tiên phong của sự nghiệp duy tân. Chính ngôi trường Shova-sonjuku mà ông làm chủ quản đã đào tạo nên không biết bao nhiêu nhà lãnh đạo xuất sắc của sự nghiệp Minh Trị Duy tân.
Shoin ủng hộ Thiên hoàng, chống các thế lực Tây phương nhưng không theo hướng cực đoan mà lại chủ trương “mở cửa”. Ông được đánh giá là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất nước Nhật tiền duy tân.
Iwakura Tomomi là một trong số ít lãnh tụ duy tân xuất thân công khanh triều đình, nổi tiếng trong việc đề xuất và thực thi những “nước cờ” chính trị quan trọng về các mặt nội chính, ngoại giao. Ông là người lãnh đạo sứ đoàn ngoại giao đầu tiên của chính phủ Minh Trị đi thăm các nước phương Tây nhằm tìm kiếm sự công nhận của quốc tế cho chính quyền non trẻ trong nước.
Fukuzawa Yukichi là một trong những nhà khai sáng tạo ra ảnh hưởng sâu sắc nhất tới nước Nhật giai đoạn nửa sau thế kỷ 19; còn Shibusawa Eiichi được xem là “nhà khởi nghiệp” vĩ đại của nước Nhật, người sáng lập nên ngân hàng quốc dân Daiichi, tham gia sáng lập và điều hành khoảng 500 doanh nghiệp ở hầu hết các ngành nghề.
Cuốn sách đặc biệt được ra đời nhân kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân (1868-2018) và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2018), tác giả PGS.TS Nguyễn Tiến Lực. Đọc để hiểu hơn về thời đại Minh Trị Duy Tân và những con người đã góp phần quan trọng tạo nên cuộc cách mạng làm thay đổi nước Nhật.