Mua lại báo The South China Morning Post, Alibaba muốn gì?

Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group đang thực hiện một chiến lược đầy tham vọng là cải thiện hình ảnh Trung Quốc trên truyền thông, đấu tranh với cái mà các nhà quản lý công ty này nói là sự mô tả “tiêu cực” về nước này trên báo chí phương Tây.
Mua lại tờ báo The South China Morning Post có tuổi đời 112 năm, tập đoàn Alibaba có tham vọng cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trên báo chí? Ảnh NYT
Mua lại tờ báo The South China Morning Post có tuổi đời 112 năm, tập đoàn Alibaba có tham vọng cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trên báo chí? Ảnh NYT

Cốt lõi của chiến lược này là mua lại các tài sản truyền thông của tập đoàn SCMP, Hồng Kông, bao gồm tờ The South China Morning Post – tờ nhật báo tiếng Anh có ảnh hưởng nhất của Hồng Kông. Thương vụ này được công bố chính thức vào hôm qua, thứ Sáu 11-12.

Alibaba nói rằng, vụ mua lại này là do khát vọng cải thiện hình ảnh của Trung Quốc, thay cho cái mà họ gọi là lăng kính đầy thành kiến của báo chí phương Tây. 

Tuy Alibaba nói rằng chính phủ Trung Quốc không có vai trò gì trong thương vụ này song lập trường vừa nói của công ty tỏ ra gần gũi với lập trường chính phủ Bắc Kinh, vốn đang phê phán ngày càng gay gắt cách thức mà truyền thông phương Tây tường thuật về Trung Quốc, cũng như “cấm cửa” các phương tiện truyền thông phương Tây như Facebook, Google hoạt động ở nước này; ngăn chặn báo điện tử của The New York Times, Bloomberg... 

Bản thân tờ The South China Morning Post hàng chục năm qua cũng đã có hàng trăm bài tường thuật cặn kẽ những đề tài mà báo chí nhà nước Trung Quốc bị cấm, chẳng hạn như các vụ xì-căng-đan chính trị hoặc các trường hợp vi phạm nhân quyền.

Nhiều nhà phê bình nói rằng trong những năm gần đây, tờ The South China Morning Post ngày càng thân Bắc Kinh song dù sao tờ báo cũng đi sâu vào nhiều đề tài gây tranh cãi, chẳng hạn như tường thuật các buổi lễ tưởng niệm biến cố Thiên An Môn năm 1989 hoặc phong trào đấu tranh Chiếm Trung tâm ở Hồng Kông (Phòng trào Dù Vàng) năm ngoái.

Ông Joseph C. Tsai, Phó chủ tịch điều hành của Alibaba nói rằng những bài tường thuật như vậy ảnh hưởng đến cách nhìn của nhà đầu tư đối với tập đoàn Alibaba, và cổ phiếu của công ty cũng bị ảnh hưởng bởi các tin tức tiêu cực về Trung Quốc.

Mua lại SCMP, Alibaba không gặp vấn đề gì về tài chính vì chỉ bỏ ra số tiền 100 triệu đô la Mỹ - một khoản khá nhỏ so với doanh số hàng năm 12 tỉ đô la Mỹ của tập đoàn song rủi ro nằm ở danh tiếng. Sở hữu The South China Morning Post, Alibaba sẽ kiểm soát được một cơ quan báo chí hoạt động ở ranh giới của hai hệ thống: hệ thống báo chí tương đối tự do của Hồng Kông và hệ thống có sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của Trung Quốc lục địa, theo nhận định của báo The New York Times.

Khi thông tin về vụ mua bán được đồn đãi trong vài tuần gần đây, nhiều người Hồng Kông đã lo ngại Alibaba sẽ “thuần hóa” nội dung của tờ báo để lấy lòng giới lãnh đạo Bắc Kinh. Willy Lam, một nhà bình luận chính trị và cựu biên tập viên của South China Morning Post nói rằng vụ sáp nhập vào Alibaba có khả năng làm gia tăng xu hướng tự kiểm duyệt trước những đề tài chính trị nhạy cảm.

Tuy nhiên, lãnh đạo Alibaba nói công ty không có ý định can thiệp vào hoạt động hàng ngày của tờ báo, không kiểm duyệt nội dung tin bài và bảo đảm tính độc lập cũng như tính liêm chính của tờ báo. 

“Chúng tôi sẽ để cho các chủ bút quyền phán xét những gì được đăng, những gì không được đăng. Chúng tôi hoạt động theo nguyên tắc”, ông Tsai của Alibaba nói. Tuy nhiên, ông này không cho biết chi tiết về chuyện Alibaba làm thế nào để đạt được cái gọi là “tường thuật tích cực hơn về Trung Quốc” mà không phải hy sinh tính độc lập của tờ báo bởi vì hai chuyện này khó mà tương hợp với nhau.

Orville Schell, một giám đốc của Asia Society, cho rằng mua lại SCMP Group là quyết định sáng suốt của Alibaba và của Jack Ma – ông chủ tập đoàn này; song cũng là một bước đi “mạo hiểm”. Với tư cách chủ sở hữu tờ báo, Alibaba có thể bị chính phủ Bắc Kinh gây sức ép nhằm hạn chế việc tường thuật một số đề tài, cũng như phải tuân theo chỉ thị của ban tuyên giáo đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Tsai của Alibaba tỏ ra lạc quan: “Có rất ít rủi ro. Ngay cả khi chúng tôi bị thua lỗ về tài chính thì cũng không đáng ngại. Nhưng cái được, cái lãi thì rất lớn”, ông Tsai nói và thêm rằng, Alibaba muốn biến tờ The South China Morning Post thành nền tảng toàn cầu về tin tức Trung Quốc, từ đó làm sâu sắc thêm hiểu biết của thế giới về đất nước ông.

Với số bản in 100.000 tờ mỗi ngày, The South China Morning Post không phải là tờ báo lớn; trang điện tử của nó chỉ dành cho độc giả có trả tiền nên số lượng bạn đọc không nhiều. Tuy vậy, với 112 năm lịch sử, cộng với vị trí sát cạnh Trung Quốc, lại sử dụng tiếng Anh nên tờ báo này có ảnh hưởng khá đáng kể ở phương Tây.

Năm 1993, gia đình tỷ phú người Malaysia Robert Kuok mua lại tập đoàn SCMP Group từ tập đoàn News Corporation của tỷ phú Rupert Murdoch. Nhưng cũng như bao tổ chức báo chí khác trên thế giới, tập đoàn SCMP luôn đối mặt với áp lực tài chính, số độc giả ngày càng sụt giảm và doanh thu quảng cáo ngày càng ảm đạm. Mua lại SCMP Group, Alibaba cam kết sẽ đầu tư thêm tiền của vào hoạt động kinh doanh của tờ báo, tuyển dụng thêm nhân viên và mở rộng hoạt động trực tuyến, trước mắt là bãi bỏ chính sách trả tiền mới được đọc báo.

Sau khi thương vụ của Alibaba-SCMP được chính thức công bố, trên thị trường chứng khoán New York, giá cổ phiếu của Alibaba giảm 5,4% giá trị.

Theo The New York Times, TBKTSG