Một startup thương mại điện tử B2B của Việt Nam 'tạm ngừng kinh doanh'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Kilo, nền tảng thương mại điện tử B2B kết nối các nhà bán buôn với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), được cho là đã ngừng kinh doanh.

Ông Kartrick Narayan (đứng giữa) cùng đội ngũ của Kilo (Ảnh: Kilo)
Ông Kartrick Narayan (đứng giữa) cùng đội ngũ của Kilo (Ảnh: Kilo)

Theo dữ liệu của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cập nhật tới ngày 13/10, Công ty TNHH Kilo MDC (Kilo MDC) - được biết đến là đơn vị vận hành nền tảng thương mại điện tử Kilo - đã 'tạm ngừng kinh doanh'.

Tờ DealStreetAsia dẫn nguồn tin cho biết, ông Kartick Narayan – cựu sáng lập và Giám đốc điều hành Kilo, đã thành lập một công ty khởi nghiệp mới vào tháng 6/2023.

Động thái của Kilo diễn ra vào thời điểm ngành thương mại điện tử B2B (Business to Business) đang phải vật lộn với môi trường vĩ mô ảm đạm. Lạm phát tăng và giá nhiên liệu đang đè nặng lên các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này, khiến họ phải thực hiện các biện pháp mạnh tay để cắt giảm chi phí.

Theo dữ liệu của VietTimes, Kilo MDC được thành lập từ tháng 9/2022, do bà Trần Thị Bích Thủy (SN 1989) làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Bà Thủy cũng là người được ủy quyền đại diện cho phần vốn ngoại tại Kilo MDC. Tính đến tháng 10/2022, Kilo MDC đã tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt mức 2 tỉ đồng.

Kilo được ra mắt vào năm 2020, mục tiêu số hóa chuỗi giá trị bán lẻ của Việt Nam bằng công nghệ.

Nền tảng này được thiết kế để cung cấp cho các nhà bán lẻ sử dụng các tính năng về giá cả, chủng loại và quản lý hàng tồn kho. Đối tượng mục tiêu của Kilo là các nhà bán lẻ vừa và nhỏ.

Năm 2021, Kilo huy động được 5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A. Đây là khoản tài trợ do Altos Ventures dẫn đầu cùng các nhà đầu tư như January Capital và các nhà đầu tư vòng trước đó là Goodwater Capital, Ascend Vietnam Ventures, Decisive Capital Management, Ratio Ventures.

Ở thời điểm đó, Kilo cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn huy động để phát triển nền tảng chăm sóc khách hàng và gia tăng đội ngũ nhân viên; bổ sung tính năng như tài chính, hậu cần và tạo cửa hàng thương mại điện tử tự phục vụ cho những doanh nghiệp SMEs./.

Nguồn tham khảo: DealStreetAsia