Đây là dấu ấn đáng ghi nhận ở một bệnh viện tuyến tỉnh, bởi phẫu thuật và can thiệp các dị tật tim là kỹ thuật cao, đòi hỏi các phẫu thuật viên phải có trình độ tay nghề cao cũng như các thiết bị tế hiện đại mới đáp ứng được.
Trong số các bệnh nhi được mổ có 2 bé bị thông liên thất phải phẫu thuật tim hở là Nguyễn Quang K. (10 tháng tuổi, trú tại huyện Hoàng Bồ, Quảng Ninh); bé Bùi Phúc L.(3 tuổi, ở Móng Cái, Quảng Ninh). Sau hơn 4 giờ liên tục, 2 ca phẫu thuật thành công, bệnh nhi hiện được theo dõi đặc biệt tại Trung tâm tim mạch.
3 bé còn lại được can thiệp đóng ống động mạch gồm bé Phạm Như N .(3 tuổi, trú tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh), bé Vũ Thụy V. (14 tháng tuổi, trú tại Uông Bí, Quảng Ninh) và bé Mai Anh Q. (2 tháng tuổi, ở Cẩm Phả, Quảng Ninh). Đây là các bé có tiền sử tim bẩm sinh còn ống động mạch.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện cho biết ca phẫu thuật diễn ra trong hơn 30 phút, trẻ được gắn hệ thống máy theo dõi mạch, huyết áp, điện tâm đồ... và bác sĩ sử dụng ống thông dẫn đường đưa vào động mạch đùi, ngược dòng máu vào tận các buồng tim và mạch máu của trẻ. Dưới màn hình hệ thống chụp mạch DSA, các bác sỹ kiểm soát và đánh giá chính xác các tổn thương do dị tật còn ống động mạch và lựa chọn các cỡ dụng cụ can thiệp thích hợp để đóng các tổn thương cho trẻ.
Hệ thống máy chụp, can thiệp tim mạch DSA là thiết bị y tế được đầu tư từ dự án “Xây dựng 3 bệnh viện thông minh hướng tới tiêu chuẩn quốc tế” của UBND tỉnh Quảng Ninh. Hiện tại, Bệnh viện đang triển khai dự án “Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật phá vách liên nhĩ trong điều trị tim bẩm sinh”.
“Việc đưa vào hoạt động hệ thống DSA và triển khai thành công từ dự án tim mạch sẽ giúp việc xử lý các ca bệnh tim khẩn cấp dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian can thiệp, mang lại cơ hội sống cho nhiều trẻ sơ sinh mắc bệnh hiểm nghèo; giúp các bệnh nhi bị bệnh tim trên địa bàn không phải chuyển tuyến để can thiệp và mổ như trước, giảm chi phí cho gia đình, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên” - Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng cho hay./.