Các chuyên gia cho rằng, 50% các khoản đầu tư FDI vào Việt Nam đều chảy qua ít nhất là một thiên đường thuế. Việc này dẫn đến lợi nhuận của các khoản đầu tư này chỉ phải đóng khoản thuế rất nhỏ tại các thiên đường thuế trong khi Việt Nam lại không thu được một đồng nào.
Đây cũng là lý giải cho việc hàng loạt các tập đoàn lớn của nước ngoài "thích" hoạt động tại Việt Nam và đều báo lỗ hoặc lãi rất thấp để được miễn thuế.
Nhưng trên thực tế, các tập đoàn này đã chuyển phần lớn lợi nhuận về các công ty bình phong tại các nước có thuế suất cực thấp. Thay vì phải trả mức thuế từ 20% tới 25% tại các nước họ kinh doanh, lợi nhuận của các công ty này được đưa về các quốc gia có thuế suất chỉ dưới 1%, thậm chí 0% để tránh thuế.
Các quốc gia có mức thuế ưu đãi, hay còn gọi là các thiên đường thuế, đang trở thành lỗ hổng được các tập đoàn kinh tế lớn lợi dụng để trốn thuế, gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho các nước đang phát triển.
Mặc dù biết vậy, nhưng cơ quan chức năng không thể kiểm soát hoạt động tài chính của các công ty này vì các số liệu hoạt động nội bộ của họ đều được giữ tuyệt mật.
Ngoài ra, hệ thống luật pháp về thuế hơn 100 năm tuổi đã quá lỗi thời trước những tiến bộ của loài người về internet cũng như sự toàn cầu hóa.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong 15 năm qua, lượng tiền đổ vào các thiên đường thuế đã tăng gấp 4 lần, nhanh gấp đôi tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới. Số tiền đấy vốn được dùng để cải thiện đời sống xã hội tại các nước đang phát triển nhưng qua các thiên đường thuế, nó lại đổ vào túi của giới siêu giàu. Điều này khiến khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng giãn xa.
Muốn tránh được tình trạng thất thu thuế từ FDI này, Việt Nam nên tỉnh táo trước nguồn vốn FDI đến từ các nước có chính sách thuế còn nhiều lỗ hổng.
Về cách thức trốn thuế thông qua các thiên đường thuế, hội thảo đã đưa ra một ví dụ như sau:
Một tập đoàn nước ngoài có thể sản xuất một chiếc điện thoại Việt Nam và xuất sang một nước thiên đường thuế dưới dạng giấy tờ với giá 1 USD và được đẩy giá lên 100 USD.
Sau đó, chính chiếc điện thoại này lại được xuất đi bán tại một nước Châu Âu với mức giá 101 USD.
Sau quá trình trên, hãng sản xuất chỉ phải trả Việt Nam thuế cho 1 USD và trả nước Châu Âu kia số thuế cho 1 USD còn lại, bỏ túi hơn 99 USD.