“Game” đảo nợ của KBC? |
Kế hoạch trái phiếu mới của KBC
KBC mới đây đã công bố kế hoạch phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo đó, công ty chào bán 1.000 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Lô trái phiếu này sẽ phát hành trong quý III/2024, có kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 10,5%/năm.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.
Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu là cổ phần Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng (công ty con của KBC với tỷ lệ sở hữu 89,26%) có giá trị bằng 220% tổng giá trị mệnh giá lô trái phiếu.
KBC cho biết số tiền thu về từ việc phát hành lô trái phiếu trên sẽ được dùng để tái cơ cấu các khoản nợ gốc, lãi với hai công ty con là Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang (392 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và phát triển Hưng Yên (609 tỷ đồng). Thời gian trả nợ dự kiến trong hai quý cuối năm 2024.
Đến ngày 30/6/2024, Công ty mẹ KBC đang có khoản vay dài hạn 4.351 tỷ đồng với Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang (lãi suất vay 6,1% - 9%/năm, đáo hạn lần cuối ngày 19/4/2027) và khoản vay dài hạn 550 tỷ đồng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và phát triển Hưng Yên (lãi suất vay 1% -6%/năm, đáo hạn lần cuối ngày 31/7/2025).
Bên cạnh đó, Công ty mẹ KBC cũng ghi nhận chi phí phải trả dài hạn liên quan đến 2 công ty con này, với 393 tỷ đồng lãi vay phải trả dài hạn cho Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang và 55 tỷ đồng lãi vay phải trả dài hạn cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và phát triển Hưng Yên.
Vì sao KBC quay lại với trái phiếu?
Động thái phát hành trái phiếu của KBC thoạt đầu khiến giới quan sát bối rối, bởi chỉ hơn nửa năm trước đó, công ty này đã xử lý toàn bộ nợ trái phiếu.
Cụ thể, vào năm 2023, Công ty mẹ KBC đã trả hết 2.882 tỷ đồng nợ trái phiếu đến hạn (ghi nhận ở khoản nợ vay ngắn hạn) và 974 tỷ đồng nợ trái phiếu dài hạn (ghi nhận ở khoản nợ vay dài hạn).
Vậy vì sao chỉ hơn nửa năm sau đó, KBC lại vay trái phiếu? Câu trả lời có lẽ nằm ở mối liên hệ về vốn giữa Công ty mẹ KBC và các công ty con.
Công ty mẹ KBC có “truyền thống” vay vốn từ công ty con, trong đó lựa chọn ưa thích là Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang. Chỉ xét từ cuối năm 2021 đến nay, KBC đã có 7 lần vay vốn từ công ty con này. Cụ thể, tháng 10/2021 KBC vay 700 tỷ đồng (kỳ hạn 2 năm); tháng 11/2021 vay 200 tỷ đồng (kỳ hạn 2 năm); tháng 12/2022 vay 3 lần, tổng giá trị 500 tỷ đồng (kỳ hạn 2 năm). Đặc biệt, trong năm 2023, KBC vay rất lớn: tháng 3/2023 vay 1.000 tỷ đồng (kỳ hạn 2 năm); tháng 10/2023 vay 3.000 tỷ đồng (kỳ hạn 2 năm).
Đó là chưa kể, trong cùng giai đoạn trên, KBC còn vay của Công ty TNHH Phát triển Cơ sở hạ tầng Công nghiệp Tân Lập 110 tỷ đồng (kỳ hạn 1 năm) vào tháng 11/2022; vay Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên 500 tỷ đồng (kỳ hạn 18 tháng), vay Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Tràng Cát 300 tỷ đồng (kỳ hạn 18 tháng) vào cùng tháng 12/2022; vay Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng 2.500 tỷ đồng (kỳ hạn 3 năm) vào tháng 10/2023.
Như vậy, có thể thấy, chỉ riêng trong năm 2023, KBC đã vay của các công ty con tới 6.500 tỷ đồng. Đây cũng chính là năm KBC tất toán toàn bộ nợ trái phiếu.
Đến năm 2024, KBC phát hành lại trái phiếu, với mục tiêu trả nợ cho Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và phát triển Hưng Yên. Điều đó cho phép giới quan sát suy luận rằng, thực chất của việc vay – trả, trả - vay nêu trên là một màn đảo nợ.
Trên thực tế, thủ thuật này không phải ít gặp trên thị trường, thậm chí đó còn là một “chiêu” thường được sử dụng.
KBC đã có 6 tháng đầu năm 2024 không được thuận lợi. Công ty mẹ KBC báo lỗ trước thuế 88 tỷ đồng. Trong khi đó, do đẩy mạnh đầu tư, Công ty mẹ KBC phải dựa vào vốn vay để cân đối dòng tiền hoạt động, nâng được số dư tiền và tương đương tiền cuối tháng 6/2024 lên 408 tỷ đồng, từ mức chỉ 14 tỷ đồng hồi đầu năm.
Dù vậy, không thể phủ nhận triển vọng kinh doanh của KBC vẫn là khá sáng sủa và về cơ bản, doanh nghiệp này vẫn sở hữu bộ chỉ số tài chính khá lành mạnh.