Kết luận bất ngờ sau kiểm tra dấu vết trên thân thể học sinh
Sáng ngày 6/3, UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) tổ chức họp báo để thông tin điều tra về vụ thầy giáo D. T. M. (giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Tiên Sơn) bị tố có hành vi dâm ô nhiều học sinh nữ vào buổi học phụ đạo chiều 1/3.
Trước đó, nhằm làm rõ thông tin vụ việc, vào ngày 5/3, cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Việt Yên đã phối hợp với các nữ bác sĩ Trung tâm Y tế huyện cùng đại diện gia đình, nhà trường kiểm tra dấu vết trên thân thể 14 học sinh lớp 5A.
Sau khi kiểm tra, Công an huyện Bắc Giang thông báo kết quả cho thấy không có dấu vết nghi vấn. Do đó, chưa đủ căn cứ chứng minh thầy M. có hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Đại diện UBND huyện Việt Yên cho rằng, thầy M. đã có hành vi xâm phạm thân thể học sinh. Dù là bày tỏ tình cảm yêu thương hay đùa vui thì hành vi đó cũng không phù hợp với vai trò người giáo viên đứng lớp.
Trước đó, trưa 1/3, thầy M. dự hội làng ở gần đó và uống rượu say. Chiều cùng ngày, thầy M. dù không giảng dạy nhưng vẫn lên lớp, có một số hành vi sàm sỡ, ảnh hưởng học sinh nữ như véo mũi, véo tai, vỗ mông. Tối 1/3, phụ huynh, học sinh đã yêu cầu giáo viên này đến đình làng để họp, đồng thời thông báo cho nhà trường, lãnh đạo xã tới dự. Trước đông đảo người dân, thầy M. tường trình sự việc. Biên bản ghi lại nội dung là giáo viên này “sờ vào vùng nhạy cảm” của nữ sinh. Theo lời của học sinh và tường trình của giáo viên, những hành động đó được thực hiện trong lớp học và hành lang. |
Hành vi dâm ô trẻ em thông thường được thực hiện bằng các hành động như ôm trẻ em theo các tư thế của hoạt động tình dục; sờ mó hoặc hôn hít vào bộ phận sinh dục, các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ; bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người phạm tội… Về điều kiện phạm tội, những hành vi này có thể xảy ra trước đông người hay một mình nạn nhân.
Việc thu thập, đánh giá chứng cứ các vụ án dâm ô chưa bao giờ là việc dễ dàng. Có trường hợp nạn nhân thường im lặng hoặc một thời gian lâu sau đó mới kể lại cho người khác, lúc này các dấu vết của bạo lực không còn nữa. Do đó các chứng cứ vật chất (vết thương, vết trầy xước, vết tụ máu, tinh dịch…) hầu như không có.
Trong không ít vụ án, chứng cứ nếu có chủ yếu là gián tiếp và thường rất mờ nhạt, không đủ khiến người phạm tội "tâm phục khẩu phục". Trong khi đó, chứng cứ vật chất là chứng cứ có tính khách quan cao nhất, có giá trị chứng minh cao nhất. Nếu việc điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm dâm ô chủ yếu là trên lời khai của nạn nhân, của các nhân chứng thì việc đánh giá chứng cứ sẽ phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào ý chí chủ quan của người điều tra.
* Cách đây không lâu, dư luận rúng động trước vụ án dâm ô xảy ra đối với em K. ở huyện Thái Bình, tỉnh Cà Mau mà hậu quả của việc đánh giá chứng cứ sai đã gây hậu quả nghiêm trọng.
Tháng 9/2016, mẹ của em K. tố giác hành vi dâm ô của ông Hữu Bê đến cơ quan công an địa phương sau khi nghe lời kể của con gái. Cơ quan điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án vì nghi phạm không thừa nhận, "chỉ có lời khai của K., không có tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh ông Bê có hành vi hiếp dâm trẻ em và dâm ô đối với trẻ em".
Vì uất ức, em K. đã tự sát vào ngày 10/02/2017, để lại lá thư tuyệt mệnh ghi chi tiết thời gian, địa điểm của 8 lần bị dâm ô trùng khớp với thời điểm tin nhắn giữa ông Hữu Bê với nạn nhân.
Cái chết của em K. làm dậy sóng dư luận. Bộ Công an vào cuộc xác minh, sau đó đưa ra kết luận ông Bê có ít nhất hai lần dâm ô nạn nhân nên đã khởi tố vụ án, bắt giam ông Bê vào ngày 19/9/2017. Tháng 1/2018, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên phạt ông Bê 7 năm tù về tội dâm ô đối với trẻ em.
Trước đó, tháng 11/2017, Bộ Công an đã quyết định cách chức Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau đối với thượng tá Trần Hồng Lộc - người ký quyết định không khởi tố vụ án hình sự và cách chức đội trưởng, điều tra viên trung cấp đối với trung tá Đỗ Tấn Đạt. Hai cán bộ điều tra này còn bị cảnh cáo về mặt Đảng, bị điều chuyển công tác khác.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu