Theo tìm hiểu của VietTimes, tháng 9/2011, UBND Tp. Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch tại ô đất 122 - 124 đường Xuân Thủy (Quận Cầu Giấy) để nhóm các nhà đầu tư gồm: CTCP Hóa dầu Quân đội (Mipec), Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) và Công ty TNHH Hoa Cương (Hoa Cương) lập dự án xây dựng văn phòng giao dịch kết hợp dịch vụ tổng hợp và nhà ở.
Khu đất được UBND Tp. Hà Nội giao cho nhóm các nhà đầu tư kể trên có diện tích 39.662 m2, vốn là bãi đỗ xe buýt và trung tâm điều hành xe Tân Đạt và Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp của Transerco.
Gần 5 năm sau, ngày 9/6/2016, doanh nghiệp dự án là CTCP Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy được thành lập. Công ty này có quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Mipec (góp 255 tỷ đồng, sở hữu 51% VĐL), Transerco (góp 140 tỷ đồng, sở hữu 28% VĐL) và Hoa Cương (góp 105 tỷ đồng, sở hữu 21% VĐL)
Dấu ấn Mipec
Với việc nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, dễ hiểu tại sao dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán ở số 122-124 đường Xuân Thủy lại mang đậm dấu ấn của Mipec, với các cái tên thương mại được quảng bá rộng rãi như: Mipec Xuân Thủy hay Mipec Rubik 360.
Tháng 3/2019, dự án Mipec Rubik 360 được động thổ sau khi được UBND Tp. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư với kinh phí dự kiến là 2.466 tỷ đồng. Khoảng 1 năm sau, Mipec Rubik360 lọt vào danh sách (cập nhật) các dự án cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trên địa bàn Tp. Hà Nội.
Tại buổi lễ mở bán cho người nước ngoài vào ngày 8/5/2020 vừa qua, đơn vị phát triển dự án cho biết Mipec Rubik360 thu hút hàng trăm lượt khách hàng người nước ngoài quan tâm mỗi ngày, số lượng đặt mua căn hộ cao gấp gần 2 - 3 lần số lượng dự kiến chào bán ra thị trường.
Dù thông tin trên có phần mang tính chất quảng bá, song, không thể phủ nhận sức hút mà dự án tọa lạc tại một trong những vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội mang lại, kể cả trong thời kỳ thị trường bất động sản được dự báo gặp nhiều khó khăn hậu Covid-19.
Tháng 11/2019, dự án Mipec Riverside (tọa lạc tại số 2 phố Long Biên II, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) do liên danh giữa Mipec và CTCP Tập đoàn Vất liệu Điện và Cơ khí phát triển trên khu đất rộng 16.690 m2 cũng lọt vào danh sách được cho phép bán cho người nước ngoài. |
Khởi đầu trong lĩnh vực xăng dầu, tích lũy được nguồn lực đáng kể, Mipec đang hướng tới trở thành một tập đoàn mạnh, kinh doanh đa ngành, từ bất động sản, bán lẻ, cảng biển, thương mại dịch vụ. Trong đó, bất động sản đang là một trong những mũi nhọn chủ lực, để lại nhiều dấu ấn cho Mipec.
Song song với quá trình phát triển, Mipec cũng thực hiện nhiều đợt tăng vốn. Năm 2016, doanh nghiệp này nâng vốn điều lệ từ mức 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Chỉ có điều, Mipec càng lớn thì tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập là Vaxuco và Petrolimex càng nhỏ lại. Danh tính các nhà đầu tư bí ấn sở hữu hơn 76% cổ phần, nắm quyền chi phối của doanh nghiệp này vẫn chưa được tiết lộ.
"Ẩn số" Hoa Cương
Công ty Hoa Cương được thành lập vào năm 1996, đặt trụ sở tại tầng 5 tòa nhà văn phòng MIPEC, 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội. Đây cũng là đối tác gắn bó lâu năm với Mipec, cùng tham gia góp vốn thành lập CTCP Bất động sản Mipec (Mipec Land).
Trong giai đoạn năm 2015 - 2017, Hoa Cương đã tăng quy mô vốn điều lệ lên gấp 4 lần, đạt mức 800 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này bao gồm: ông Tống Nguyễn Hồng Cường (55%), bà Nguyễn Thị Minh Trang (49,8%) và bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (0,2%). Bà Nguyễn Thị Minh Trang (SN 1983) hiện đảm nhiệm chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Hoa Cương.
Trong đó, ông Tống Nguyễn Hồng Cường sinh năm 1981, bắt đầu làm việc tại Hoa Cương từ năm 2007. Việc ông Cường chỉ đảm nhận chức vụ khiêm tốn - Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp (từ đầu năm 2019) - ở Hoa Cương, nơi ông chi phối tới 55% vốn điều lệ, khiến một số người băn khoăn về chủ sở hữu thực sự của lô cổ phần có giá trị 440 tỷ đồng theo mệnh giá mà ông này đứng tên. Kể cả cho, vợ ông - bà Lê Thị Thu Hà (SN 1981) - cũng là một cán bộ chủ chốt của Hoa Cương, với vai trò Kế toán trưởng.
Cổ đông lớn còn lại - bà Nguyễn Thị Minh Trang - sinh năm 1983, bắt đầu làm việc ở Hoa Cương năm 2013. Từ năm 2016 đến nay, là Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của công ty.
Ngoài Mipec Rubik 360, việc bắt tay với các đối tác am hiểu thị trường bất động sản đã giúp Mipec “thắng lớn” tại nhiều dự án. Trường hợp của dự án Khu nhà ở và dịch vụ công cộng Vinh Tân quy mô 43ha tại phường Vinh Tân, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An có diện tích 43ha là một ví dụ.
Cổng vào dự án Khu nhà ở và dịch vụ công cộng Vinh Tân (Nguồn: Internet)
|
Dự án này do liên danh Mipec và CTCP Đầu tư và Xây dựng Tràng An (Tràng An) làm chủ đầu tư.Trên nhiều trang bất động sản, dự án được quảng bá với các tên thương mại như Mipec Vinh hoặc Mipec Tràng An.
Công ty Tràng An có nhiều mối liện hệ với một tập đoàn lớn trong nước, hoạt động tích cực trong lĩnh vực bất động sản, hàng không. Tại Nghệ An, doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở và dịch vụ công cộng tại phường Vinh Tân, Tp. Vinh, có quy mô hơn 3ha./.