"Soái" Trần Đăng Chung - Chủ tịch Milton Group. (Ảnh: Internet)
|
Sinh năm 1958, ông Trần Đăng Chung lớn hơn “thế hệ vàng” Đông Âu (lứa sinh năm 1967 – 1970, với những đại diện như Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Ngô Chí Dũng, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Cảnh Sơn, Hồ Hùng Anh, Lê Viết Lam, Nguyễn Đức Chi,…) cả chục tuổi. Nhưng có thể xem họ khởi nghiệp cùng thời - giai đoạn biến động nhất của Đông Âu, đầu những năm 1990, khi Liên Xô tan rã.
Trước đó, hầu hết họ đều sang các nước XHCN Đông Âu trong tư thế của những nhân tài, được Nhà nước lựa chọn và cử đi du học đại học hay làm nghiên cứu sinh tại các ngôi trường danh tiếng. Với ông Chung, trước ngày sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ, ông là một công chức của Viện khoa học và kỹ thuật xây dựng cơ bản, thuộc Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước (tiền thân của Bộ Xây dựng ngày nay).
Nhóm du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam ngày ấy, nhiều người đã sớm đi buôn ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường. Việc Liên Xô tan rã càng cho những sinh viên Việt Nam thêm động lực đi buôn. Đi buôn để tồn tại, để ở lại và để có nguồn lực hỗ trợ nhân thân ở Việt Nam (vốn cũng đang rất “đói”). Đặc biệt, cũng cần phải nói rằng bối cảnh tranh tối tranh sáng của không gian hậu Xô Viết lúc ấy đã mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền cho những người Việt giàu tính thích nghi và thừa nghị lực này.
“Chung quanh giường tầng chất đầy thùng các tông, quản lý ký túc cũng không bao giờ bắt vì nghĩ đấy là thùng đồ được sinh viên tích để gửi về Việt Nam. Kỳ thực trong đó có cả những thùng tiền mà anh em hùn hạp và tích lũy buôn bán”, một đại gia trong nhóm “thế hệ vàng” từng có lần hồi tưởng với VietTimes.
Các hàng buôn được lựa chọn chủ yếu là nhu yếu phẩm, thuốc lá, quần áo, giày dép. Từ “buôn thúng bán mẹt”, buôn bán vỉa hè, buôn bán kiot chợ, một số người Việt có kiến thức, có ngoại ngữ, có vốn mở rộng và nâng tầm hoạt động kinh doanh của mình theo hướng chuyên nghiệp hơn. Họ đánh hàng xuyên quốc gia, từ Việt Nam, Trung Quốc sang Đông Âu.
Để chính danh, họ thành lập các pháp nhân. Đó cũng chính là tiền đề sơ khởi cho những tập đoàn kinh tế của người Việt ở Nga và Đông Âu sau này, trong đó có Milton Group của ông Trần Đăng Chung.
Một gian hàng giày dép của Milton Group bên Nga. (Ảnh: Internet)
|
Milton Holding
Mấy chục năm gió tuyết xứ người, ông Chung đã tạo dựng được một Milton Group lớn mạnh, theo mô hình tập đoàn kinh tế đa ngành: Từ sản xuất giày dép, quần áo, thương mại, đầu tư và cho thuê bất động sản, đến dịch vụ vận tải và giao nhận quốc tế.
Thời đỉnh cao, doanh số của Milton Group (gồm Milton TNP, Vitexcom, Milton Invest, Milton Trans) lên tới cả trăm triệu USD mỗi năm, sử dụng hàng nghìn lao động.
Khi đã có tích lũy tư bản, giống với số đông, ông Trần Đăng Chung cũng nghĩ đến việc hồi hương đầu tư. Dẫn lời trên truyền thông, vị đại gia quê gốc Bình Lục, Hà Nam cho biết, trở về Việt Nam không chỉ là để mở rộng đầu tư, giảm thiểu rủi ro kinh doanh. “Bởi vì luôn đau đáu tình cảm với quê hương”, nhà sáng lập Milton Group nói.
Tuy vậy, so với những đại gia trưởng thành cùng thời từ Đông Âu, ông Trần Đăng Chung lại về khá muộn. Mãi đến đầu thập niên này, hoạt động xúc tiến đầu tư ở Việt Nam mới cơ bản được bắt đầu, bằng việc – mà một tờ báo viết – là xây dựng thêm một chi nhánh của Milton Group tại Tp. HCM.
“Bước đầu, ông Chung và các thành viên trong Hội đồng Quản trị của Milton Group dự định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, du lịch và sản xuất nguyên vật liệu bán thành phẩm để đưa sang Nga”, bản tin được xuất bản cuối năm 2011 mô tả.
"Soái" Trần Đăng Chung (ngồi giữa) trong một gian hàng thời trang của Milton Group. (Ảnh: Internet)
|
Thông tin này cơ bản khớp với dữ liệu của VietTimes. Theo đó, ngày 30/12/2011, ông Trần Đăng Chung đã chính thức sáng lập nên một pháp nhân tại Việt Nam, là Công ty cổ phần Milton (Milton Holding).
Theo giới thiệu, Milton Holding được thành lập để kế thừa và mở rộng hoạt của Milton Group tại Việt Nam, với tầm nhìn: “Phát triển kinh doanh đa lĩnh vực, có sự tương hỗ giữa các nghành nghề để tạo thành hệ sinh thái Thương Mại và Nghỉ dưỡng mang thương hiệu Milton”.
Dù vậy, phải nhiều năm sau, sự nghiệp hồi hương của vị “soái” sinh năm 1958 mới có dấu ấn đầu tiên, với sự kiện ra mắt Làng Du Lịch Sinh Thái và Nghỉ Dưỡng Châu Âu (Milton Europa Village) do Milton Holding làm chủ đầu tư.
Dự án Làng Du Lịch Sinh Thái và Nghỉ Dưỡng Châu Âu (Milton Europa Village) của Milton Hodling có tổng vốn đầu tư lên đến trên 10.000 tỷ đồng.
|
Milton Europa Village
Tọa lạc trên khu đất đắc địa, có diện tích hơn 82ha tại trung tâm Bãi Trường của đảo ngọc Phú Quốc, với hơn 500m chiều dài mặt biển, Milton Europa Village được giới thiệu là một khu phức hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, gồm nhiều phân khu: Pullman Phu Quoc Hotel & Resort; Milton Grande Resort; Milton Pathway; Milton Palaces; Milton Plaza, khu Lagon Villas và Milton Park.
Một góc Pullman Phu Quoc Hotel & Resort.
|
Trong đó, Khu nghỉ dưỡng Pullman Phú Quốc (Pullman Phu Quoc Hotel & Resort) có diện tích 6.65ha, với 332 phòng tiêu chuẩn 5 sao bao gồm 291 phòng khách sạn và 41 phòng villa, được xem là hạt nhân của dự án và cũng là phân khu được khởi công sớm nhất – vào nửa cuối năm 2016.
Từng được dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 10/2018, song đến nay, theo ghi nhận của VietTimes, Pullman Phu Quoc Hotel & Resort vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, để có thể đáp ứng các yêu cầu của đơn vị vận hành và quản lý kinh doanh, là Tập đoàn Accor Hotels.
Dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp hiện thời và tương lai khó đoán định hẳn sẽ dồn thêm những áp lực cho kế hoạch khai thác của Pullman Phu Quoc Hotel & Resort.
Đơn vị tài trợ vốn cho Milton Holding trong tiểu dự án Pullman Phu Quoc Hotel & Resort, trước đây, được giới thiệu là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Lễ ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng giữa BIDV và Milton Holding cũng đã được tiến hành vào ngày 16/9/2016, với sự hiện diện của cả P.TGĐ BIDV Trần Lục Lang.
"Soái" Trần Đăng Chung hiện giành phần lớn thời gian ở Việt Nam cho dự án Milton Europa Village.
|
Tuy vậy, theo tìm hiểu của VietTimes, mỗi hợp tác này có lẽ đã đã không diễn ra theo kế hoạch. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, cụ thể là Chi nhánh Thành An, sau đó đã thế chân BIDV trong vai trò tiếp vốn cho Pullman Phu Quoc Hotel & Resort và nhận chính dự án này làm tài sản bảo đảm.
Lưu ý rằng, dù trở về khá muộn nhưng ông Trần Đăng Chung cũng không đến nỗi quá bỡ ngỡ với cuộc chơi địa ốc ở quê nhà. Bởi lẽ, đồng hành cũng anh em ông Chung (Trần Đăng Tâm, Trần Đăng Nam, Trần Đăng Khanh, Trần Thị Hồng) ở Milton Group còn có cả Công ty cổ phần Eurowindow Holding của anh em “soái” Nguyễn Cảnh Sơn – Nguyễn Cảnh Hồng, những tay chơi lớn trên thị trường bất động sản Việt Nam và cũng là những người có giao tình sâu sắc với ông Trần Đăng Chung từ thời còn ở Đông Âu. Dù cho với phần vốn góp khiêm tốn ở mức 14% cổ phần của Eurowindow Holding, thì Milton Holding vẫn cơ bản là cuộc chơi riêng gia đình họ Trần Đăng./.
Kỳ tới: Tham vọng Bản Giốc của “soái” Trần Đăng Chung