Tại Hà Tĩnh, suốt từ tối 14/9 đến nay có mưa to, tổng lượng mưa nhiều nơi như Hương Sơn, Chu Lễ, Linh Cảm trên 500 mm đẩy mực nước các sông lên cao, gây ngập cục bộ và cô lập một số xã.
Ông Nguyễn Xuân Lĩnh, Bí thư đảng ủy xã Sơn Phú (Hương Sơn) cho biết, chiều 17/9 trong lúc đi đánh cá em Lê Anh Tuấn (17 tuổi) cùng hai người khác đã bị nước dâng đánh lật thuyền. “Tuấn bị nước cuốn trôi, thi thể được thấy tìm thấy sau đó 2 tiếng. Hai người khác được người dân kịp thời phát hiện cứu sống”, ông Lĩnh nói và cho hay khu vực này nước ngập sâu gần 2 m.
Cùng ngày, em Nguyễn Tùng Dương (10 tuổi, học sinh trường Tiểu học Hương Giang, huyện Hương Khê) trong lúc đi chăn trâu bị sẩy chân từ cầu làng xuống dòng nước dang cuồn cuộn dâng. Do trên người mặc áo mưa nên Dương không thể ứng phó, một số người khác cố gắng cứu song bất thành. Thi thể nam sinh được đưa lên bờ sau đó vài chục phút.
Tại Nghệ An, chỉ trong 12 giờ qua lượng mưa ghi nhận ở Quỳ Châu, Quế Phong đã trên 160 mm. Nước lũ trên sông Cả lên nhanh, đến sáng nay xấp xỉ báo động 1. Mưa lũ khiến học sinh Lê Minh Đăng (6 tuổi, trú tại bản Tạng, xã Tiền Phong, Quế Phong) thiệt mạng khi đi qua tràn bê tông.
Ông Sầm Việt Hùng, Phó chủ tịch xã Tiền Phong kể, trưa 17/9 cháu Đăng cùng hai bạn trên đường từ trường về nhà. Khi băng qua tràn bê tông bị nước dâng cao khoảng 50 cm, cháu Đăng lội xuống định qua bên kia thì bị cuốn trôi. Hai cháu đi cùng kêu cứu, người dân vớt được nạn nhân xuôi theo dòng nước chừng 400 m và đã tử vong.
Cháu Đăng ở với ông bà nội, bố mẹ đi làm ở miền Nam.
Sạt lở gây tắc đường tại huyện biên giới Quế Phong. Ảnh:Lương Đậu.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An, mưa diện rộng với lượng mưa 100-300 mm đã làm một nhà bị sập, 8 công trình thủy lợi bị hư hỏng, gần 7.000 m3 đất đá ở các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ 48B bị ngập, sạt lở cục bộ. Hơn 70 ha lúa bị ngập, cùng hơn 300 ha ngô và rau bị hư hỏng.
Tại Thanh Hóa, đến sáng nay mưa đã giảm, nhiều khu vực ngập lụt nước đã rút. Quốc lộ 217 đi huyện Quan Sơn bị chia cắt nhiều giờ tại điểm cầu Phà Lò đã thông tuyến vào sáng nay do nước sông Lò đã xuống. Tuy nhiên, hiện mặt đường bị hư hỏng nặng nên chỉ có xe máy lưu thông được.
Mưa lớn mấy ngày qua đã khiến hàng trăm ha hoa màu đến kỳ thu hoạch ở các huyện Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia, Như Xuân… bị ngập úng. Trong cơn mưa giông chiều 17/9, bà Lê Thị Thứ (57 tuổi, trú xã Xuân Lộc, Triệu Sơn) ra cánh đồng làm và bị sét mạnh đánh trúng, tử vong.
Tỉnh Hòa Bình hôm qua có mưa lớn, nước các sông suối dâng cao gây ngập lụt một số khu vực, cô lập các hộ dân ven sông. Ngay trong đêm, địa phương đã huy động lực lượng tiếp cận và kịp thời di dời một số hộ dân ở ven sông Bùi thuộc các xã Nhuận Trạch, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn); ven sông Lạng thuộc xã Ngọc Lương (Yên Thủy), ven suối Can ở xã Hòa Bình (TP Hòa Bình).
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh cho biết, đến sáng nay vẫn tiếp tục di dời dân đến nơi an toàn. Thông tin ban đầu có một người ở huyện Lương Sơn bị lũ cuốn. Hòa Bình đã đề nghị tỉnh Ninh Bình mở đập Ngựa Lồng trên sông Lạng (Nho Quan) để giúp tiêu thoát nước cho 2 xã Đoàn Kết và Ngọc Lương (Yên Thủy) đang bị ngập nặng.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, dưới tác động của đới gió Đông Nam hoạt động mạnh, đêm qua và sáng nay Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa to diện rộng, vùng đồng bằng trung du và tỉnh Hòa Bình có mưa to với lượng phổ biến 50-80 mm, tại Kim Bôi (Hòa Bình) tới 163 mm; Sơn Tây (Hà Nội) 116 mm; Ba Vì (Hà Nội) 120 mm.
Hiện tại đới gió Đông Nam có xu hướng suy yếu dần, hôm nay miền Bắc còn có mưa rào và giông diện rộng, nhưng từ đêm nay trở đi khi đới gió Đông Nam yếu hẳn, mưa ở Bắc Bộ sẽ giảm nhanh.
Trong khi đó các tỉnh miền Trung từ sáng nay trở đi mưa cũng hết. Tuy nhiên, nước từ thượng nguồn tiếp tục dồn về, vì thế lũ trên các sông vẫn còn lên trên thượng lưu các sông ở Thanh Hóa có khả năng đạt báo động 2, hạ lưu còn dưới báo động 1. Các sông ở Nghệ An lũ lên xấp xỉ mức báo động 1.
Theo VnExpress