Mì 3 Miền: TCBS - cổ đông mới của Uniben

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Công ty cổ phần Uniben - chủ sở hữu thương hiệu "Mì 3 Miền" - mới đón nhận một cổ đông mới: CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).
CTCP Uniben - Chủ sở hữu thương hiệu Mì 3 Miền
CTCP Uniben - Chủ sở hữu thương hiệu Mì 3 Miền

Quyết định đầu cổ phần Uniben được HĐQT TCBS thông qua ngày 5/3/2021. Nhưng chỉ 5 ngày sau, họ lại đưa ra một quyết nghị nữa: bán cổ phần Uniben.

Dù vậy, tính đến giữa năm 2021, TCBS vẫn ghi nhận khoản đầu tư lớn vào Uniben, với giá gốc ở 213 tỉ đồng.

Cùng giai đoạn này, Uniben ghi nhận một số dịch chuyển trong cơ cấu sở hữu. Cổ đông ngoại của họ, là Greaton Investments Pte. Ltd, nhận chuyển nhượng thêm gần 40,4 triệu cổ phần Uniben từ các cổ đông hiện hữu khác để nâng tỉ lệ sở hữu tại công ty nằm trong top 5 doanh nghiệp mì ăn liền có doanh số lớn nhất Việt Nam này lên mức 48,88%.

Sự xuất hiện của TCBS không làm vốn điều lệ Uniben tăng tăng thêm (vẫn ổn định ở mức 900 tỉ đồng) có nghĩa là nó được mua lại từ các cổ đông khác. Cách đây ít ngày, vào thượng tuần tháng 8/2021, Uniben đã tăng vốn điều lệ thêm 100 tỉ đồng (lên mức 1.000 tỉ đồng) thông qua việc phát hành cho các cổ đông hiện hữu, nên số cổ phần Uniben của TCBS - nếu họ còn nắm giữ - sẽ gia tăng tương ứng.

Các khoản đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết của TCBS tại ngày 30/6/2021

Các khoản đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết của TCBS tại ngày 30/6/2021

Động thái rót vốn vào Uniben của TCBS được chú ý hơn một thương vụ đầu tư tài chính đơn thuần (nghiệp vụ repo (?)).

Bởi TCBS lâu nay vẫn là một mảnh ghép tài chính quan trọng trong ‘hệ sinh thái’ của giới chủ Techcombank, trong đó có Masan - ‘tay chơi’ lớn và tham vọng bậc nhất trên thị trường mì ăn liền Việt Nam.

Là chiến hữu một thời ở Đông Âu và vẫn là những người bạn gắn bó khi trở về Việt Nam, nhưng trên thị trường mì ăn liền nội địa, ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang và ông chủ Uniben Đặng Khắc Vỹ được xem như đối thủ. Omachi, Kokomi của Masan và Mì 3 Miền của Uniben luôn cạnh tranh khốc liệt với nhau để giành giật từng điểm thị phần.

Vẫn giữ cổ phần MIK Group

Ngoài Uniben, TCBS còn có những khoản đầu tư đáng chú ý khác vào "nhóm Đông Âu". Nổi bật hơn cả là khoản 450 tỉ đồng cho tối thiểu 45 triệu cổ phần MIKGroup.

Khoản đầu tư này được HĐQT TCBS thông qua vào đầu tháng 6/2019; Và khi ấy, họ dự kiến chỉ nắm giữ tối đa 12 tháng kể từ thời điểm đầu tư.

Tuy nhiên sau này, HĐQT TCBS đã quyết định gia hạn thời gian nắm giữ cổ phần và hiệu lực của hợp đồng quyền chọn mua bán cổ phần tại MIK Group. Cập nhật đến cuối tháng 6/2021, khoản đầu tư của TCBS vào cổ phần của tập đoàn bất động sản thuộc nhà chủ VPBank giảm còn 410,4 tỉ đồng.

Lưu ý rằng, đây không phải là lần đầu tiên TCBS rót tiền vào cổ phiếu MIK của MIKGroup. Trước đó, TCBS đã chi 220 tỉ đồng đầu tư vào MIK trong quý 4/2017 và đã tiến hành thoái vốn vào nửa đầu năm 2018.

Các thương vụ rót vốn vào cổ phiếu MIK, cũng như Uniben phía trên của TCBS nhiều khả năng liên quan đến hoạt động Repo (Repurchase Agreement - Thoả thuận mua lại). Nếu quả vậy, TCBS sẽ chỉ nắm giữ số cổ phần này một thời gian, trước khi trả lại cho người bán và nhận về một phần phí.

Song song với việc nắm giữ cổ phần, những năm qua, TCBS còn tham gia thu xếp hàng loạt deal trái phiếu - với quy mô nhiều nghìn tỉ đồng - cho nhóm MIK Group.

Tương tự, đầu năm 2020, TCBS cũng là bên thu xếp cho "deal" trái phiếu 500 tỉ đồng của Uniben.

TCBS hiện là nhà tư vấn phát hành trái phiếu Việt Nam số 1 Việt Nam, thống trị đến hơn 80% thị phần, với khối lượng thu xếp lên đến hàng chục tỉ USD trong những năm qua.

Nửa đầu 2021, TCBS cũng rót hàng nghìn tỉ đồng để đầu tư vào trái phiếu của các nhóm BIM Group, Golden Hill, Vingroup, Masan...

Trong một thương vụ đáng chú ý khác, TCBS mới rót 240 tỉ đồng để đầu tư cổ phần Prodezi./.