Terry Buss
Terry Buss

Ông Terry F. Buss

Mặt trái của Big Tech: Lợi dụng người dùng, o ép các chính phủ, áp đặt ý chí của mình lên XH

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Facebook và Google đứng trong hàng ngũ những tập đoàn toàn cầu được định giá cao nhất trên thị trường. Nhưng họ lợi dụng ưu thế của mình để chơi trò chính trị, o ép các chính phủ và lợi dụng người dùng.

Facebook và Google đã trở thành một phần không thể thiếu đối với người dùng mạng xã hội khắp thế giới. Cả hai công ty đều đã phát triển và nâng cao công nghệ Internet đến mức trở thành những kẻ thống trị trong lĩnh vực này và khiến không ai có thể cạnh tranh lại.

Nắm trong tay nguồn tiền và tài nguyên dồi dào, cùng với quyền lực độc tôn của mình, Facebook và Google đã lợi dụng người dùng, o ép các chính phủ, chơi trò chính trị và áp đặt ý chí của mình lên xã hội.

Người dùng chia sẻ thông tin cá nhân của mình với Facebook và Google để hậu quả sau đó là trang cá nhân của họ tràn ngập những quảng cáo sản phẩm không mong muốn.

Cả hai tập đoàn đều là những nhà tài trợ lớn cho các chính trị gia để đổi lại những ưu ái. Và khi các chính trị gia không đáp ứng yêu cầu thì ngay lập tức các chiến dịch của họ sẽ rơi vào tình trạng đói vốn và trở thành đối tượng của các cuộc tấn công trực tuyến.

Cả Facebook và Google đều thao túng người dùng thông qua kiểm duyệt, phóng đại, làm sai lệch thông tin hoặc chính trị hóa tin tức và nội dung thông tin nhằm tác động đến các cuộc bầu cử cùng, đến thái độ và hành vi chính trị của cử tri.

Cả hai công ty đều cố gắng lái mọi mặt xã hội theo mong muốn của họ, từ môi trường, công bằng xã hội, nhập cư đến an ninh quốc gia…

Các thượng nghị sĩ phản ứng gay gắt với CEO của Facebook Mark Zuckerberg trong phiên điều trần. Ảnh: Getty

Các thượng nghị sĩ phản ứng gay gắt với CEO của Facebook Mark Zuckerberg trong phiên điều trần. Ảnh: Getty

Để hình dung được sự thao túng của Big Tech, chúng ta hãy xem bộ phim tài liệu ”The Social Dilemma” với đạo diễn và nhân vật đều là những những cựu nhân viên, nhà nghiên cứu và chuyên gia tham gia từ giai đoạn khởi nghiệp đến phát triển và vận hành của các tập đoàn công nghệ lớn.

Australia, một quốc gia có diện tích trải rộng với dân số nhỏ (22 triệu người), đã chịu đủ sự lợi dụng của Facebook và Google. Quốc gia này đã đứng lên để chống lại các ông lớn công nghệ. Các nước khác khắp thế giới cũng có kế hoạch hoặc đã tham gia vào cuộc chiến chống lại Big Tech.

Australia và cú ra đòn đầu tiên

Chính phủ Australia do đảng Tự do nắm quyền đã tung cú đấm vào đúng huyệt hiểm nhất của Facebook và Google: đánh thẳng vào ví tiền của họ.

Sau khi điều tra vấn đề từ năm 2017, Australia đã ban hành Bộ Quy tắc Thương lượng Truyền thông, yêu cầu Facebook và Google phải trả tiền cho các nhà xuất bản truyền thông để được quyền đưa nội dung tin tức của họ lên các nền tảng truyền thông xã hội và công cụ tìm kiếm.

Đàng sau nỗ lực này của chính phủ Úc có một phần dụng ý là trợ giúp các toà soạn đang trong tình trạng khó khăn do mất đi nguồn doanh thu quảng cáo vào tay các công ty công nghệ như Facebook và Google.

Bộ quy tắc này quy định các nhà xuất bản tin tức nhỏ (doanh thu dưới 120,000 USD/năm) không thuộc đối tượng được nhận tiền bồi hoàn.

Thủ tướng Australia Morrison, người khởi động cuộc phản công chống lại sự lạm dụng của Google và Facebook. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Australia Morrison, người khởi động cuộc phản công chống lại sự lạm dụng của Google và Facebook. Ảnh: Reuters

Theo điều khoản của Bộ Quy tắc này, Facebook và Google bị buộc phải thương lượng một cách "thiện chí" với từng nhà xuất bản tin tức để thống nhất về khoản tiền phải trả cho việc sử dụng nội dung của họ.

Theo đó, một Ban Trọng tài bắt buộc sẽ được thiết lập để giải quyết những bất đồng liên quan đến các điều khoản và mức độ bồi hoàn cho các nhà xuất bản tin tức nếu hai bên không tự giải quyết được.

Bộ quy tắc cũng yêu cầu Facebook và Google phải thông báo cho các nhà xuất bản Úc một tháng trước khi họ có kế hoạch thay đổi thuật toán của mình — đó là mã máy tính tự động lựa chọn tin tức để đưa vào hoặc loại trừ trên News Feed và tìm kiếm của người dùng.

Phản hồi của Facebook và Google

Google, nhận thấy tác hại tiềm ẩn của việc chống lại chính phủ Australia, đã nhanh tay ứng phó. Họ đã bắt đầu đàm phán với các nhà xuất bản tin tức theo yêu cầu của Bộ Quy tắc, thậm chí từ trước khi Bộ Quy tắc được ban hành.

Tập đoàn News Corp của tỷ phú Rupert Murdock, một trong những tập đoàn truyền thông toàn cầu mạnh nhất, là một trong những công ty đầu tiên đạt được thỏa thuận với Google.

Tỏ ra thiện chí vậy, song Google không phải là hoàn toàn trong sạch: công ty này đang ẩn đi một số trang web của Australia – đây là một sự vi phạm Bộ Quy tắc Thương lượng Truyền thông.

Facebook thì quyết định nổi cơn thịnh nộ, thu dọn đồ chơi và dằn dỗi ra về. Facebook đã phản ứng bằng cách đóng tất cả các nội dung tin tức của Australia xuất hiện trên nền tảng của mình, khiến cả người dùng toàn cầu cũng không tiếp cận được.

Chính phủ Australia tuyên chiến với Facebook và Google (ảnh: Niemanlab)
Chính phủ Australia tuyên chiến với Facebook và Google (ảnh: Niemanlab)

Về cơ bản, Australia đã bị loại trừ hoàn toàn khỏi mục tin tức. Tệ hơn nữa, Facebook đã không thông báo gì cho chính phủ Australia về việc xoá tin tức trên nền tảng của họ.

Facebook lập luận rằng nội dung tin tức chỉ chiếm 4% tổng nội dung mà người dùng nhìn thấy trên News Feed của mình và họ đã trả khoảng 315 triệu USD cho các nhà xuất bản Australia vào năm 2020. Facebook cũng lưu ý rằng hàng tỷ người dùng đã truy cập vào các trang web tin tức của Australia thông qua nền tảng này.

Các nhà phê bình chỉ ra rằng Facebook kiếm được 84 tỷ USD từ doanh thu quảng cáo, vì vậy số tiền mà công ty này đã trả cho báo chí Australia hầu như không hiển thị trên bảng cân đối kế toán của họ.

Phản biện từ phía Facebook và Google là họ hỗ trợ các nhà xuất bản tin tức thông qua Dự án Báo chí và nền tảng News Showcase trong khi các nhà phê bình thì cho rằng lập luận đó không liên quan gì đến các vấn đề đang phải giải quyết.

Có một điều không hay là khi Facebook chặn các nhà xuất bản tin tức, họ đã vô tình chặn luôn cả thông tin từ các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ. Việc xoá bỏ nội dung tin tức thời sự ngay giữa đại dịch toàn cầu có lẽ chưa bao giờ là một ý tưởng hay đối với một công ty công nghệ.

Ngăn chặn một chính phủ quốc gia trên mạng xã hội cũng không hay ho gì hơn. Facebook, như thường lệ, tuyên bố rằng tất cả chỉ là một sự nhầm lẫn. Họ cũng nói rằng lý do là vì Bộ quy tắc không đưa ra định nghĩa cụ thể về "tin tức” nên Facebook đã xoá toàn bộ nội dung.

Và như vậy là Google thoát cảnh lời ra tiếng vào. Nhưng các nhà phê bình thì đã kịp chất lên Facebook hàng tấn những lời chỉ trích, không khác gì cách mà Facebook phát động các cuộc tấn công vào những người bất đồng ý kiến với họ.

Big Tech đối mặt với phản ứng dữ dội toàn cầu

Dường như, Facebook tin rằng tấn công chính phủ các quốc gia và các tổ chức khác mà họ không ưa là chiến lược tốt nhất. Facebook đã ký hợp đồng với cựu phó thủ tướng Anh Nick Clegg để xây dựng chiến lược với tư cách là Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook.

Đây có vẻ là một bước đi thiếu sự tính toán kỹ lưỡng. Các công ty công nghệ khác như Amazon, Microsoft và Google tỏ ra thận trọng hơn.

Giờ đây, Facebook đang phải đối mặt với sự phản công của Canada, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Ấn Độ. EU đã áp dụng luật về quyền riêng tư của người dùng trên Facebook một cách vô cùng nghiêm ngặt và đang tìm cách áp mức thuế cao lên công ty này. Nếu EU và các nước Khối thịnh vượng chung đoàn kết, Facebook có thể gặp rắc rối nghiêm trọng.

Canada và Úc đang phối hợp nỗ lực đối phó với Facebook. Điều này có ý nghĩa quan trọng ở chỗ Canada đang do đảng Lao động nắm quyền và Úc là đảng bảo thủ.

Liên minh châu Âu đã hợp tác với Microsoft (vâng, là Microsoft!) để theo đuổi Facebook. Hãy nhớ lại một điều là EU luôn chủ trương đánh thuế các đại gia công nghệ của Mỹ như Facebook và Google. Vì vậy, các công ty này rất có thể sẽ gặp khó khăn.

Ấn Độ đã ban hành các quy quy định mới cho Internet – theo đó, các hành động kiểm duyệt nội dung, hủy tài khoản người dùng và nhiều hành vi khác của Big Tech sẽ bị phạt ở Ấn Độ.

Ba Lan đã đưa ra các mức phạt cao đối với Facebook và các công ty khác nếu họ vi phạm luật “tự do ngôn luận”.

Cuộc đấu giữa gã khổng lồ công nghệ Facebook và chính phủ Australia đã đạt được một số thoả thuận ban đầu. Ảnh: BBC

Cuộc đấu giữa gã khổng lồ công nghệ Facebook và chính phủ Australia đã đạt được một số thoả thuận ban đầu. Ảnh: BBC

Còn ông chủ Nhà Trắng sẽ làm gì?

Hiện tại tân Tổng thống đắc cử Joe Biden vẫn để khuyết hai vị trí ủy viên mới tại Ủy ban Thương mại Liên bang. Uỷ ban này là cơ quan quản lý các phương tiện truyền thông xã hội.

Nếu ông Biden chọn những ủy viên là người ủng hộ Big Tech thì Facebook và các công ty khác sẽ dễ dàng thoát. Còn nếu ông ấy bổ nhiệm các nhà quản lý mạnh tay thì các Big Tech có thể gặp rắc rối.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp đã kiện Google và Facebook vì cách thức hoạt động độc quyền bất hợp pháp. Cả hai vụ đều đang được toà án xử lý. Việc phân xử có thể kéo dài trong nhiều năm để làm rõ trắng đen.

Trường hợp xấu nhất: cả hai tập đoàn đều bị chia tách thành các công ty nhỏ riêng biệt. Nếu ông Biden nối bước ông Trump tiếp tục chương trình chống lại các tập đoàn công nghệ lớn thì các quốc gia khác có thể sẽ tham gia.

Trong thời gian chờ đợi, Quốc hội Mỹ đã có kế hoạch cho một cuộc điều trần kế tiếp với các CEO của các Big Tech, bao gồm Facebook, Google, Twitter và các công ty khác. Thực tế là các phiên điều trần trước đây đều không mang lại kết quả gì.

Cuối cùng, những gì chúng ta nghe được từ các đại gia công nghệ mới chỉ là: (1) họ sẽ xem xét vấn đề và liên hệ lại với các nhà lập pháp; (2) họ gặp trục trặc kỹ thuật và hy vọng sẽ khắc phục được; và (3) lỗi vận hành gây ra vấn đề đã được xử lý.

Trong hầu hết các trường hợp, Big Tech lập luận rằng họ là các tổ chức tư nhân và có thể làm bất kỳ điều gì họ thích. Tại một phiên điều trần, một Giám đốc điều hành đã nói: Vậy các ông muốn Facebook hay muốn Trung Quốc?

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý và chính phủ có thể bị mất phương hướng.

Rất khó để đoán bên nào sẽ chiến thắng trong cuộc chiến với Big Tech. Nhưng rất nhiều người sẽ thắc mắc: Ông Joe Biden sẽ làm gì? Và chúng ta vẫn phải chờ.

(Chuyển ngữ: Đào Thuý)