Masan đưa công ty “nước mắm” lên UPCoM, định giá hơn 2 tỷ USD

VietTimes – Đó là Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), doanh nghiệp nổi tiếng với các dòng sản phẩm như nước mắm Chinsu, Nam Ngư, nước tương Chinsu, Tam Thái Tử, Mì ăn liền Omachi, Kokomi, nước khoáng Vĩnh Hảo…
Masan Consumer nổi tiếng với các dòng sản phẩm như nước mắm Chinsu, Nam Ngư, nước tương Chinsu, mì Omachi...
Masan Consumer nổi tiếng với các dòng sản phẩm như nước mắm Chinsu, Nam Ngư, nước tương Chinsu, mì Omachi...

Theo nội dung thông báo mà HNX mới công bố, ngày 28/12/2016, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã ra văn bản số 892/QĐ-SGDHN, chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer trên sàn UPCoM.

Thông báo cho biết, kể từ ngày 05/01/2017, 538.160.117 cổ phiếu phổ thông của Masan Consumer sẽ được đăng ký giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán là MCH.

Đáng chú ý, giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên của MCH được ấn định ở mức 90.000 đồng/CP. Có nghĩa rằng, vốn hóa thị trường của Masan Consumer  lên tới 48.400 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD.

Masan Consumer là một công ty con gián tiếp của Công ty CP Tập đoàn Masan. Theo đó, Masan sở hữu 85,7% cổ phần Công ty TNHH Masan Consumer Holding, trong khi công ty này nắm giữ 93,76% cổ phần Masan Consumer.

Ở đây, có một chi tiết đáng chú ý, là đầu năm 2016, Singha Asia Holding (Thái Lan) đã chuyển 600 triệu USD cho Tập đoàn Masan chỉ để sở hữu 14,3% cổ phần của Công ty TNHH Masan Consumer Holdings. Theo kế hoạch, Masan Consumer Holding sẽ dùng 600 triệu USD này để mua lại 98 triệu cổ phiếu Masan Consumer (OTC: MSF) - nhằm tăng sở hữu từ 77,8% lên 96,7%. Có nghĩa, Masan Consumer Holding đã trả tới 6,12 USD (khoảng 137 nghìn đồng, gấp 13,7 lần mệnh giá) cho mỗi cổ phiếu MSF - một công ty con của chính họ.

Trở lại với MCH, đây là công ty sản xuất hàng tiêu dùng lớn với những sản phẩm nổi tiếng như nước mắm Chinsu, Nam Ngư, nước tương Chinsu, Tam Thái Tử, Mì ăn liền Omachi, Kokomi, nước khoáng Vĩnh Hảo… Tính đến cuối năm 2015, Masan Consumer chiếm 65% thị phần nước mắm, 71% thị trường nước tương, 43% thị phần cà phê hòa tan…

Được biết, kể từ khi thành lập đến nay, MCH đã trải qua tổng cộng 20 lần tăng vốn, phát triển từ mức 15 tỷ đồng vào ngày 31/5/2000 lên thành 5.381,6 tỷ đồng như hiện tại.

Trong đó, hai đợt tăng mạnh nhất diễn ra vào ngày 09/07/2011 – khi công ty tăng vốn thêm 1.029,41 tỷ đồng; và ngày 08/06/2012 – khi công ty tăng vốn thêm 2.512,5 tỷ đồng. Nên biết, hình thức tăng vốn của MCH trong cả hai lần này đều là phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức.

Có nghĩa, chỉ tính riêng phần cổ phần cổ phiếu phát hành để chi trả cổ tức (chưa xét đến tiền mặt), tỷ lệ chi trả cổ tức của MCH trong hai lần đó đã lần lượt chi trả cổ tức ở mức  70% và 100% vốn điều lệ (!).

Sẽ là không bất ngờ, nếu biết, năm 2014, MCH đã chi trả cổ tức với tỷ lệ 110%, năm 2015 là 60% và năm 2016 là 56%. Đáng nói, cả ba lần đều được áp dụng bằng tiền mặt.

Theo Báo cáo tài chính mới nhất mà MCH công bố, tính đến ngày 30/09/2016, tổng tài sản của công ty này là 12.331 tỷ đồng, tức là chỉ tương đương với khoảng 25,5% giá trị vốn hóa của công ty sau khi lên sàn UPCoM. Trong đó, vốn chủ sở hữu đạt 8.864 tỷ đồng, nợ phải trả là 3.468 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2016, MCH báo lãi trước thuế 1.904 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ 2015.