Mạng xã hội gây nghiện, tác động xấu tới bộ não của người trẻ nhưng bị che giấu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mạng xã hội được thiết kế gây nghiện và ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần nhưng điều này bị che giấu. Thực tế, mạng xã hội đang làm gia tăng bệnh trầm cảm và tự tử.

Tại hội thảo “Mạng xã hội (MXH) và Sức khoẻ tâm thần (SKTT) thanh thiếu niên Việt Nam” do Viện Đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) tổ chức ngày 4/10, PGS.TS. Lê Minh Giang - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng - nhấn mạnh rằng mối quan tâm về ảnh hưởng của MXH với SKTT trong thời đại 4.0 là rất quan trọng.

Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, MXH tác động nhiều hơn đến trẻ em nghèo, gia đình bố mẹ không hoà thuận, không có kỹ năng giáo dục.

VT_Giang.JPG
PGS.TS. Lê Minh Giang - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng

“Hội thảo là bước khởi đầu cần thiết cho các nghiên cứu toàn diện về tác động của MXH đối với SKTT thanh, thiếu niên Việt Nam, từ đó xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, hướng dẫn cho nhà trường, phụ huynh, người dùng các giải pháp để bảo vệ và nâng cao SKTT cho thanh thiếu niên Việt Nam trong kỷ nguyên số” - PGS.TS. Giang chia sẻ.

MXH không công bố tính gây nghiện

Tham luận tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia khẳng định MXH ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt với thanh thiếu niên. Nhưng các nền tảng MXH được thiết kế để gây nghiện cho người dùng, đặc biệt giới trẻ, có tác động tiêu cực cho SKTT như trầm cảm, mất ngủ, lo âu, xao lãng trong học tập.

Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc các đợt trầm cảm nặng trong 12 tháng ở thanh thiếu niên đã tăng từ 8,7% vào năm 2005 lên 11,3% vào năm 2014. MXH là một trong những nguyên nhân của tình trạng này.

Ông Cao Hoàng Nam (Tổ chức Sáng kiến Z&Alpha) thông tin: Hiện số người dùng internet ở Việt Nam là 78,44 triệu, chiếm 79,1 dân số. Trong các nền tảng MXH, Face book được dùng nhiều nhất (89,7%), tiếp đó là zalo (88,5%), tik tok (77,8) và messenger face book (76,6) người dùng chủ yếu lứa tuổi 14-64.

Một khảo sát của UNICEF cho thấy, có tới 82% trẻ em Việt Nam từ 12 – 13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, còn ở lứa tuổi 14 – 15 là 93%. Theo Bộ LĐTBXH, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là từ 5-7 giờ mỗi ngày.

Ông Cao Hoàng Nam lưu ý: Nền tảng MXH thiết kế dựa trên các nghiên cứu sâu về cơ chế hoạt động của não bộ để lôi cuốn người sử dụng. Thuật toán MXH được lập trình để đề xuất hiển thị nội dung áp dụng cơ chế trả thưởng của não, thao túng việc giải phóng dopamine ở người dùng (đặc biệt là người trẻ), khiến họ tương tác lặp đi lặp lại.

VT_nam.JPG
Ông Cao Hoàng Nam (Tổ chức Sáng kiến Z&Alpha)

“Mặc dù MXH thiết kế các thuật toán nhằm tối đa hoá thời gian sử dụng bằng nhiều cách khác nhau, nhưng lại không tiết lộ các thuật toán tạo ra chu kỳ tương tác gây nghiện” - Ông Nam cho hay.

Mặt trái nguy hiểm của mạng xã hội

MXH còn theo dõi và ghi lại hành vi của hàng triệu người dùng trẻ như shopping, ăn uống, giải trí, rồi sử dụng chính dữ liệu đó để phân tích sở thích và cung cấp các tính năng thúc đẩy người dùng trẻ sử dụng MXH. Người dùng MXH vô tình đào tạo các thuật toán đề xuất của Meta để cung cấp luồng nội dung cụ thể, làm cho người dùng khó cưỡng lại.

Tổng chưởng lý New York Letitia James cho rằng: “Các nền tảng MXH đang thúc đẩy một cuộc khủng hoảng SKTT của người trẻ, gây mất an toàn của trẻ em. Các số liệu thống kê cũng vô cùng đáng lo ngại khi tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên đang tăng vọt, cùng với chứng lo âu và trầm cảm.

Chính vì thế mà ở Mỹ đã có vụ kiện Meta về tác động của MXH với SKTT của trẻ và mới đây, Instagram đã phải thêm tính năng bảo vệ thanh thiếu niên.

TS. Nguyễn Thị Mai Hương (chuyên gia tâm lý, Viện Đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng) cho biết: Cơ chế gây nghiện của MXH là việc Like, comment, tin nhắn… đều tạo ra Dopamine - điều này được Đại học Oxford nghiên cứu và chứng minh.

VT_ Hương.jpg
TS. Nguyễn Thị Mai Hương (chuyên gia tâm lý, Viện Đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng)

Theo TS. Mai Hương, có thể phát hiện chứng nghiện MXH qua các dấu hiệu: Không quan tâm đến các hoạt động khác ngoài màn hình, thường xuyên bị hút vào màn hình, ngay cả khi không sử dụng; mạo hiểm/mất các mối quan hệ hoặc cơ hội lớn do sử dụng màn hình.

MXH giúp thanh thiếu niên tăng cường kết nối xã hội, thể hiện bản thân, tiếp cận thông tin cũng như các nguồn lực, nhưng MXH cũng tác động đến SKTT thanh thiếu niên khi khiến họ bị trầm cảm, cô lập xã hội và nghiện internet; bắt nạt qua mạng, tỉ lệ tội phạm trên mạng gia tăng, tiếp xúc với nội dung độc hại. Những điều này có thể dẫn đến họ tự làm hại bản thân, suy nghĩ tự tử vv… MXH gây nên hội chứng FoMO.

Thực tế ở Việt Nam, 21.5% người trẻ sử dụng MXH đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ internet. Thanh thiếu niên có dấu hiệu nghiện internet có khả năng gặp phải các bệnh về thể chất lẫn tinh thần cao hơn những người không bị nghiện. Những người trẻ dùng MXH ngại giao tiếp; tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu, tăng ý định tự tử, gây ra khó ngủ, đau đầu, và chán ăn, hay lạm dụng chất kích thích.

Nhiều nước đã có các mô hình, can thiệp, trị liệu nghiện MXH ở thanh thiếu niên như Trung tâm phục hồi nghiện Internet tại Hoa Kỳ và các nước Âu Mỹ; Hàn Quốc có mô hình trại “Giải thoát khỏi Internet”; Trung tâm điều trị nghiện Internet tại Trung Quốc; Australia có trung tâm điều trị nghiện trực tuyến vv…

Cần có kỹ năng bảo vệ bản thân

Chuyên gia Y tế Lê Minh Sang (World bank) đề cập đến nguồn nhân lực cho bao phủ chăm sóc SKTT ở Việt Nam còn thiếu hụt: Hơn 11.000 trạm y tế nhưng chỉ 49% thực hiện được 80% danh mục chuyên môn kỹ thuật. Trạm y tế chỉ cung cấp thuốc miễn phí cho người bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm; không sàng lọc, trị liệu, phòng tái phát, phục hồi chức năng. Trạm y tế dựa hoàn toàn vào Trung tâm y tế huyện để duy trì dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Có hơn 30.000 phòng khám tư nhân nhưng rất ít phòng khám chuyên khoa tâm thần.

V T_Trao đổ.jpg
TS. Nguyễn Thị Mai Hương trao đổi với các sinh viên Khoa Tâm lý về những tác động của MXH với SKTT

Do đó, ông Sang khuyến nghị: Cần cung ứng dịch vụ như mở rộng bao phủ và chuyển đổi mô hình cung ứng dịch vụ; phát triển và quản lý nguồn nhân lực.

Các diễn giả và các nhà khoa học đều thống nhất rằng: Cần trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân và duy trì sự kiểm soát khi dùng MXH chính là chìa khóa giúp chúng ta tận dụng triệt để những lợi ích mà không để ảnh hưởng tiêu cực đến SKTT của thanh thiếu niên Việt Nam.