Vận động sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ
Một trong những rào cản hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của phụ nữ dân tộc thiểu số đó là do dịch vụ y tế tuyến huyện chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của người bệnh, không đủ để họ vượt qua trở ngại về khoảng cách đi lại và thay đổi quan điểm chỉ cần sinh con tại nhà.
Để vận động sản phụ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin hạn chế của bà mẹ cùng nhiều phong tục tập quán cổ hủ của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Thực tế, trẻ thường được cho uống nước cơm thay sữa, ăn cơm từ quá sớm hoặc mẹ đi làm rẫy sớm nên không thể cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu.
BS. Lê Thị Quyết - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Đông Giang
|
Theo BS. Lê Thị Quyết - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang - để vận động sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ, các nhân viên y tế đã sử dụng tiếng Cơ Tu để tư vấn, tuyên truyền cho sản phụ về lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ từ khi sản phụ làm hồ sơ sinh và sau sinh mới có thể đảm bảo được tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở viện đạt 92% vào quý 3, năm 2019.
Sau khi được động viên, tuyên truyền về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ, anh Phương Briu - người dân tộc Cơ Tu cho hay: “Trước kia tôi thích vợ tôi sinh tại nhà, để bố mẹ, anh chị được ở bên cạnh lúc sinh. Nhưng bây giờ, mặc dù vợ tôi sinh ở bệnh viện, tôi vẫn được ở cạnh, xoa lưng, lau mồ hôi, động viên vợ, và được chứng kiến giây phút con tôi chào đời an toàn, khỏe mạnh nhờ sự hỗ trợ của các bác sỹ.”
Trẻ được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi chào đời. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Đông Giang
|
Ngày 17/1 tới đây, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cũng sẽ được công nhận danh hiệu "Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc." Trên 90% trẻ sinh thường và sinh mổ được bú mẹ sớm khi vẫn da kề da trên ngực mẹ trong 90 phút sau sinh.
“Nếu các bệnh viện tuyến huyện đều thực hiện tốt chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm như TTYT quận Cẩm Lệ sẽ giảm bớt áp lực cho các bệnh viện tuyến trên, đảm bảo cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế công bằng cho mọi người” - Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng nói.
Tạo mọi điều kiện để sản phụ được chăm sóc sơ sinh thiết yếu
Tại Việt Nam, vẫn có sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em giữa các nhóm dân cư có mức độ phát triển kinh tế - xã hội cao và thấp, giữa các nhóm dân tộc thiểu số và đa số, và những người sống ở nông thôn và thành thị.
Hầu hết các hệ thống y tế thường mang lại lợi ích cho nhóm phụ nữ ưu thế trong xã hội hơn những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Trung tâm Y tế huyện Đông Giang là cơ sở y tế đầu tiên ở tuyến huyện tại Việt Nam thực hiện đúng quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, tư vấn, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Đông Giang
|
Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng và Trung tâm Y tế huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam được công nhận danh hiệu Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, sẽ tạo ra cơ hội cho phụ nữ và trẻ sơ sinh là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc sinh sống ở khu vực nông thôn, quận/ huyện được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, có chất lượng.
BS. Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam - cho biết: Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ai-len và Alive & Thrive, Sở Y tế đã tổ chức các đợt đánh giá và hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện về quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, người đỡ đẻ có kỹ năng, hạn chế sinh mổ chủ động và cắt tầng sinh môn thường quy nhằm giảm đau đớn không cần thiết cho sản phụ, và mô hình người đồng hành khi sinh.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng để đảm bảo rằng tất cả các em bé sinh ra tại Quảng Nam, dù ở miền núi hay thành thị, giàu hay nghèo đều được da kề da 90 phút và bú mẹ hoàn toàn để có khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống” – BS. Mười khẳng định.