Ít tháng trước, VietTimes từng đề cập đến Cuộc va nhau giữa “bầu” Hiển và “madame” Nga ở T12.... Vừa có một tín hiệu mới cho cuộc chơi của hai đại gia tài chính - địa ốc bậc nhất Hà thành này.
Và có vẻ như bà chủ SeABank và Tập đoàn BRG Trần Thị Nga (“Madame” Nga) đã chấp nhận rút khỏi CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (Viết tắt: Dịch vụ Tràng Thi - Mã CK: T12), để nhường lại sân chơi cho một hổ duy nhất, là ông chủ SHB và Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển (“bầu” Hiển).
Theo đó, Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro), hiện đã là một thành viên trong hệ sinh thái của “madame” Nga vừa thông báo đã nhượng lại toàn bộ 7.200.200 cổ phần T12 đang nắm giữ, tương đương với tỷ lệ sở hữu 53,33%.
Thương vụ được hoàn tất trong ngày 6/11/2019 và dữ liệu cho thấy, nó được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Với mức giá 12.200 đồng/cp, thương vụ giúp Hapro của “madame” Nga thu về hơn 86 tỷ đồng. Dĩ nhiên, đấy có thể mới chỉ là con số được công bố.
Đang nắm quyền chi phối T12 (hơn 53%), việc rút chấp nhận khỏi cuộc chơi một các nhẹ nhàng, phía “madame” hẳn phải có một cái giá xứng đáng.
Danh tính bên nhận chuyển nhượng đến thời điểm này vẫn chưa được công bố, nhưng sẽ là không bất ngờ nếu thuộc nhóm “bầu” Hiển. Theo tính toán của VietTimes, nhóm “bầu” Hiển trước đó đã nắm giữ khoảng 46% vốn cổ phần T12, đứng tên bởi CTCP Tập đoàn T&T (20%) và hai cá nhân: Nguyễn Phú Quân (8,23%); Lê Anh Dũng (18,22%).
Thực tế, nhóm cổ đông của ông bầu có nhiều đóng góp cho nền bóng đá Việt Nam đương thời này đã vào T12 từ rất sớm và chủ động, ngay khi từ khi công ty được cổ phần hóa vào năm 2015.
Trong khi nhóm “madame” Nga lại tham gia cuộc chơi T12 sau đó nhiều năm, và đi đường vòng - thông qua việc thâu tóm Hapro – công ty mẹ của T12 - vào năm 2018.
T12 là cuộc chơi hiếm hoi có sự "chung sân" của hai đại gia tài chính - địa ốc bậc nhất Hà thành: "bầu" Hiền và "Madame" Nga.
|
Có nguồn tin cho biết, trước ngày bà Nga lấy Hapro thì ông Hiển cũng đã đánh tiếng về sự hiện diện tại T12, kèm theo cả lời hứa không cạnh tranh trong thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Hapro. Dù ông Hiển cũng là doanh nhân có sự am tường tại địa hạt Hà Nội và có khẩu vị ưa thích với các doanh nghiệp kiểu Hapro.
Tuy vậy, sự xuất hiện đường vòng của nhóm “madame” Nga tại T12 ban đầu có vẻ như cũng tạo ra những căng thẳng với nhóm cổ đông lớn đã vào trước đó. Phiên ĐHĐCĐ thường niên 2019 kéo dài kỷ lục tới trọn ngày 15/8/2019, với nhiều quan điểm bất đồng giữa hai nhóm cổ đông lớn, phần nào phản ánh cục diện căng thẳng giữa hai bên.
Nhưng như đã đề cập, Hapro vừa hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn ở T12. Nếu vậy, một “hổ lớn” đã chấp nhận rút, để “rừng” T12 chỉ còn một “chúa sơn lâm”.
Xét cho cùng, nếu có thế thực thì đó cũng là một cách hành xử văn minh và xứng với tầm, thế, uy tín và quan hệ của bộ đôi đại gia quyền lực bậc nhất đất Bắc này./.