Tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, Doji Tower là một công trình kim cương về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Cái chất kim cương của công trình này đập ngay vào mắt người qua đường trước tiên bởi kiến trúc. Ông chủ của nó – đại gia kim hoàn số 1 Hà Nội - đã chọn viên kim cương làm cảm hứng xây dựng tòa nhà đầu tiên mang tên tập đoàn.
“Tòa nhà được tạo hình kim cương bằng cách ghép hàng ngàn tấm kính chế tạo riêng bởi công ty nổi tiếng từ Mỹ. Đội ngũ kiến trúc sư đã khéo léo lồng ghép viên kim cương vào khối đế. Phần đế này ốp đá tự nhiên Cream Marphil từ Tây Ban Nha, chế tác bởi các nghệ nhân đá. Kiến trúc kết hợp hài hòa giữa trường phái cổ điển và hiện đại”, chủ đầu tư truyền thông về công trình đánh dấu mốc 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển của Doji (1994-2019).
“Viên kim cương” Doji Tower này cũng được đặt tại một nơi xứng tầm, là khu đất kim cương ở nội đô Hà Nội, ngay ngã tư đường Lê Duẩn – Nguyễn Thái Học. Nền đất 1.624m2 này có một bề dày lịch sử và in dấu đậm nét trong tâm thức những người dân thủ đô đã sống qua thời bao cấp: “Bách hóa số 5 Nam Bộ” - một trong những cửa hàng phong phú và đa dạng nhất của thời khăn khó ấy và cả những năm đầu đổi mới.
Khi chế độ tem phiếu không còn, “Bách hóa số 5 Nam Bộ” cũng vận động cùng thời cuộc. Được phân về Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), nó được lên đời thành siêu thị và mang tên mới: Hapro Mart.
Hapro Mart cũ tại số 5 Lê Duẩn. (Ảnh: Internet)
|
Dĩ nhiên, với vị trí đắc địa của mình và trong cơn bùng nổ bất động sản thủ đô, Hapro Mart số 5 Lê Duẩn nhanh chóng vào tầm ngắm của các ông chủ địa ốc sẵn tiền và giàu ý tưởng.
Vì cơ sở nhà đất này được giao cho Hapro – doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND Tp. Hà Nội – quản lý sử dụng (hình thức: trả tiền thuê đất hàng năm) nên Hapro sẽ có điều kiện nhất để đề xuất, trình và triển khai dự án. Và thực tế là hạ tuần tháng 7/2010, Hapro – trong vai chủ đầu tư - đã chính thức khởi công dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp tại số 5 Lê Duẩn, quận Ba Đình, Hà Nội.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến 222 tỷ đồng, trung tâm được giới thiệu là sẽ cao 9 tầng, 3 tầng hầm và 1 tum cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. “Công trình dự kiến sẽ hoàn thành sau 24 tháng thi công (tháng 7/2012) với thời gian khai thác sử dụng là 30 năm; được bố trí làm trung tâm thương mại và văn phòng”, một bản tin về sự kiện khởi công này còn lưu.
Nhưng trung tâm này không có cơ hội khánh thành, mà lại được điều chỉnh theo một ý tưởng mới kèm với sự xuất hiện của một cái tên mới: Công ty Cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji của đại gia Đỗ Minh Phú. Theo một cách khá kinh điển và đầy hợp lý, Doji đồng hành cùng Hapro để hợp tác đầu tư dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp tại số 5, Lê Duẩn, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Hapro và Doji mang số hiệu 01/2012/HĐTCKD/HAPRO-DOJI được ký ngày 20/03/2012 – thời điểm mà lẽ ra dự án đã phải đi vào hoàn thiện để chuẩn bị khánh thành, nếu kế hoạch ban đầu của Hapro xuôi thuận.
Mất thêm 7 năm rưỡi và nhiều lần điều chỉnh, dự án hợp tác giữa Doji với Hapro mới hoàn thành. Hôm 6/9/2019 vừa rồi, dự án được chính thức khai trương. Khi này, phần đông chỉ biết đến chủ đầu tư của dự án là Tập đoàn Doji, và cái tên Doji Tower của công trình cũng không có chút gợi nhớ nào đến Hapro.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao chứng nhận Tòa nhà DOJI Tower là công trình tiêu biểu Chào mừng 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cho ông chủ Tập đoàn Doji Đỗ Minh Phú. |
Thực tế, quyền lợi của Hapro đã sớm được Doji xác lập khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo tìm hiểu của VietTimes, Hapro sẽ được quyền sở hữu, khai thác và sử dụng toàn bộ diện tích sàn tầng 4, sàn tầng hầm 1 và sàn tầng hầm 3 của tòa nhà; Thêm vào đó, Hapro còn nhận được khoản tiền tham gia hợp tác kinh doanh (chưa bao gồm thuế VAT) do CTCP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji thanh toán là 134 tỷ đồng. Được biết, số tiền này Hapro đã nhận và hạch toán cho cả vòng đời dự án.
Đáng chú ý, giao kèo giữa Doji và Hapro còn ấn định: “Trong trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô đầu tư xây dựng, công năm hoặc thiết kế dự án thì quyền lợi của Hapro là cố định và không thay đổi do bất kỳ yếu tố nào”.
Nói cách khác, dù mang hình thức của một hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng bản chất, ở một giác độ nào đó, cũng có thể hiểu Hapro đã sang tên dự án cho Doji.
Như đã biết, sau khi về với Doji, dự án số 5 Lê Duẩn đã được điều chỉnh quy mô lên rất khác, với tổng diện tích sử dụng lên tới gần 19.000 m2, cao 16 tầng và có 3 tầng hầm. Tổng mức đầu tư của dự án không được chủ đầu tư công bố nhưng đó hẳn phải là con số khổng lồ, khi tòa nhà được đầu tư vô cùng đẳng cấp.
Không chỉ đầu tư Trung tâm Vàng bạc Đá quý và Trang sức lớn nhất Việt Nam tại Doji Tower, Tập đoàn Doji còn quyết định dời cả trụ sở chính của tập đoàn về “viên kim cương” này./.