Theo Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, tính đến ngày 15-4 các nhà máy đã ép được khoảng 12,86 triệu tấn mía, sản xuất được gần 1,25 triệu tấn đường, giảm 218.440 tấn so với cùng kỳ. Hiện có 19 trong tổng số 41 nhà máy đường đã kết thúc vụ ép mía 2014-2015.
Bên cạnh đó, lượng đường bán ra của các nhà máy giảm đáng kể so với cùng kỳ. Cụ thể, từ 15-2 đến 15-3, lượng đường các nhà máy bán ra thị trường là 88.850 tấn, giảm gần 50% so với con số cùng kỳ năm trước là hơn 170.000 tấn, còn từ 15-3 đến 15-4, lượng đường của các nhà máy bán ra là 115.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước là 62.540 tấn. Giá đường trong năm qua dao động ở mức trên dưới 12.000 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng/kg so với thời cùng kỳ năm trước.
Giá đường giảm kéo theo giá mua mía nguyên liệu cũng giảm theo. Theo đó, giá mía nguyên liệu 10 chữ đường (CCS) của các nhà máy dao động ở mức trên dưới 800 đồng/kg, giảm 30-50 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải thích của một giám đốc nhà máy đường, lượng mía ép tại các nhà máy giảm so với cùng kỳ năm trước không phải do các nhà máy giảm lượng mua mía nguyên liệu mà do người dân trong vụ mía này ít chăm sóc mía nên sản lượng giảm. Nông dân dự báo giá mua mía nguyên liệu giảm vì tình hình khó khăn chung của ngành mía đường nên đã giảm diện tích. Do đó, các nhà máy muốn tăng lượng đường sản xuất ra cũng không làm được vì thiếu mía nguyên liệu.
Theo Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, lượng đường tồn kho tính đến 15-4 tại các nhà máy là 560.140 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước là 141.540 tấn. Vì thế, vị giám đốc trên kỳ vọng, một khi lượng đường tồn kho giảm, những tháng tới đây, giá đường trên thị trường sẽ tăng trở lại và như vậy, sẽ khuyến khích người dân quan tâm đầu tư chăm sóc cho cây mía trong vụ mới, thay vì bỏ không chăm sóc hoặc giảm diện tích như vừa qua.
Theo TBKTSG