Sàn thương mại điện tử bị kiện vì có quầy bán sản phẩm giả
Mới đây, Công ty Văn hóa sáng tạo First News Trí Việt vừa đâm đơn kiện sàn thương mại điện tử Lazada ra Tòa án nhân dân Quận 1 (TP.HCM) vì theo First News thì Lazada đang bán sách lậu, sách giả, cụ thể là các cuốn “Muôn kiếp nhân sinh”, “Đắc nhân tâm”.
Hôm 4/9, Tòa án nhân dân quận 1 (TP.HCM) có giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện của Công ty First News Trí Việt. Kết quả xử lý đơn sẽ được thông báo sau 8 ngày làm việc.
Trong đơn kiện, nguyên đơn yêu cầu Lazada “tháo gỡ ngay toàn bộ thông tin liên quan của các gian hàng bán sách giả bị phát hiện; có biện pháp quản lý, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán sách giả trên sàn thương mại điện tử Lazada và buộc các nhà sách, gian hàng bán sách phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của các quyển sách đang được mua bán”.
Nhà phát hành trực tuyến, sàn thương mại điện tử Lazada cho đến nay chưa chính thức đưa ý kiến về vụ việc. Tuy nhiên, phía Lazada cũng khẳng định: “Tất cả các phản ánh liên quan đến hàng giả, hàng nhái trên sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada được xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Phóng viên VietTimes đã liên lạc tới các bộ phận chức năng của sàn thương mại điện tử Lazada và nhận được lời hứa sẽ sớm có câu trả lời chi tiết hơn.
Ảnh so sánh sách thật do First News phát hành và sách giả bán ra từ Lazada (Ảnh: FN cung cấp)
|
Kiện đơn vị trung gian có khả thi?
Trao đổi về việc này, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định: "Trong quan hệ tranh chấp này, cần xem xét dưới nhiều góc độ pháp lý khác nhau, tôi cho rằng phải hiểu về mua bán trực tuyến, sàn giao dịch trực tuyến, các phương thức giao hàng, có hay không các doanh nghiệp mua bán trực tuyến phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa….từ đó sẽ phát sinh trong vụ kiện là người liên quan… rất phức tạp, do đó để đánh giá rất khó".
"Nên hiểu Công ty Lazada Việt Nam là một sàn giao dịch thương mại điện tử, cung cấp sản phẩm trên nhiều ngành hàng khác nhau như nội thất, điện thoại máy tính bảng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, đồ chơi và đồ dùng thể thao.
Mô hình kinh doanh của Lazada là mô hình market place – là trung gian trong quy trình mua bán online. Trong tháng 1/2016, Lazada Việt Nam xác nhận rằng công ty hiện đang làm việc với 3000 nhà cung cấp với 500.000 sản phẩm khác nhau. Ngoài ra Lazada cung cấp cho nhà bán hàng các dịch vụ khác như quy trình thanh toán đơn giản, dịch vụ vận chuyển và chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp" - Luật sư Tuấn phân tích.
"Do đó, không phải cứ kiện là thắng. Để tránh những vấn đề phát sinh khác, phức tạp đang xen nhau, cần tộn trọng quyền của các bên trong vụ này. Chúng tôi không bàn việc thắng hay thua, mà bàn về những quyền của các bên được pháp luật cho phép, First News được quyền khởi kiện, nhưng khi kiện cần tính toán kỹ nhằm đảm bảo quyền lợi của mình, tránh nhằm mục đích khác" - Luật sư Bùi Quốc Tuấn nhắc nhở.
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh (đồng tác giả "Hướng nghiệp 4.0" là một trong những người không "ngại" nói thẳng (Ảnh: NVCC)
|
Trong khi đó, thạc sĩ Vũ Tuấn Anh (đồng tác giả sách "Hướng nghiệp 4.0") mới đây lên tiếng cho rằng mặc dù hoàn toàn đồng ý với việc các đơn vị xuất bản khởi kiện các sàn thương mại điện tử về việc tiếp tay cho việc bán sách giả, sách lậu, nhưng cũng bày tỏ quan ngại về việc khởi kiện: “Theo tôi đánh giá, khởi kiện là cách chính thức và là công cụ hữu hiệu nhất về luật pháp để xử lý sách giả, sách lậu. Tuy nhiên nếu nhìn vào kết quả thì khởi kiện sẽ không mang lại kết quả hiệu quả trong thời gian ngắn hạn, vì một mình nó không làm dừng ngay được việc bán sách giả, sách lậu. Khởi kiện và xử kiện sẽ là một cuộc chiến dai dẳng về pháp lý” – Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh nhận định.
Điều này không phải không có lý bởi làng xuất bản Việt Nam đã từng có tiền lệ những vụ kiện đòi bản quyền dai dẳng tới 12 năm liền mới có thể đi đến hồi kết. Trong suốt quãng thời gian 12 năm dài đằng đẵng đó, đã quá nhiều giá trị bị “mất giá”, và kèm theo hệ lụy là sự mệt mỏi, mất cân bằng trong cuộc sống quá nhiều xáo trộn với việc kiện tụng.
Nói thêm về giải pháp, thạc sĩ Vũ Tuấn Anh cho rằng: “Chúng ta cần tiếp cận giải quyết sách giả, sách lậu tập trung vào người đọc. Độc giả nếu không mua sách giả, sách lậu thì sẽ không còn in lậu. Như vậy toàn bộ giải pháp cần phải hướng tới tác động tới người mua – độc giả. Chúng ta có thể thấy việc sử dụng pháp lý mới chỉ tiếp cận xử lý kênh phân phối sách giả, sách lậu chứ chưa phải giải pháp tổng thể hướng tới độc giả. Một giải pháp xử lý triệt để sách lậu cần phải cung cấp một loạt các giải pháp tích hợp tác động toàn bộ lâu dài tới độc giả. Tôi và các chuyên gia đang thảo luận và chúng tôi hy vọng sẽ có một chương trình nhằm truyền tải toàn bộ các giải pháp chúng tôi nghĩ tới và mong toàn bộ cộng đồng hệ sinh thái sách cùng chung tay với chúng tôi để bảo vệ những giá trị tốt đẹp cho ngành xuất bản sách, và cộng đồng tác giả độc giả tại Việt Nam”.