Lộng lẫy tiệc tối Nobel 2015 với 1.300 khách mời siêu VIP

Ngày 10-12, tiệc tối Nobel năm 2015 đã được tổ chức tại Stockholm - Thụy Điển. 1.300 khách mời gồm các nhà khoa học, doanh nhân giàu có, giới học thuật tiếng tăm, giới truyền thông và đặc biệt là hoàng gia Thụy Điển đã tham gia bữa tiệc tiếng tăm nhất hành tinh.
Quang cảnh hoàng tráng của Nobel banquet 2015
Quang cảnh hoàng tráng của Nobel banquet 2015

Hàng năm, trong khi giới trí thức mong đợi đến giải Nobel để vinh danh trí tuệ nhân loại, những tín đồ ẩm thực lại "ngóng đợi" sự kiện ngay sau đó - bữa tiệc Nobel banquet.

Dưới ánh đèn rực rỡ tại sản lớn của tòa thị chính Stockholm, trải qua rất nhiều khâu tuyển chọn ngặt nghèo, 1.300 khách mời đã tham gia hoạt động xã giao có sức hút lớn nhất thế giới: Nobel banquet.

Khách mời

 1.300 khách mời được tuyển chọn tham gia Nobel banquet 2015  không chỉ gồm những người đoạt giải, ngoài những tri thức được tôn vinh này, tiệc Nobel còn có sự góp mặt của rất nhiều doanh nhân giàu có, giới học thuật tiếng tăm, giới truyền thông và đặc biệt là hoàng gia Thụy Điển. Lượng khách trong bữa tiệc đầu tiên năm 1901 là 113 người, và con số này đến nay đã tăng gấp 10 lần: Có hơn 1000 thực khách sẽ tham gia bữa tiệc hậu trao giải Nobel. Hầu hết đều phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của tổ chức Nobel – vốn là một tổ chức tư nhân không kiêng dè gì cả hoàng gia lẫn các nhân vật chính trị của Thụy Điển: Đàn ông mặc vest đuôi tôm, phụ nữ mặc váy dạ hội dài; điện thoại và việc rời khỏi bàn tiệc giữa chừng là điều cấm kị,…

Hoàng hậu Silvia rực rỡ trong chiếc váy đỏ quý phái và chiếc vương miện nạm 500 viên kim cương đi cùng với Giáo sư Carl - Henrik Heldin - nhà sinh học phân tử và Phó chủ tịch  Hội đồng Nghiên cứu châu Âu của Thụy Điển. 

Công chúa Victoria đang mang bầu trong chiếc váy thanh lịch, đầu đội chiếc vương miện nạm kim cương, đi cùng cô là nhà khoa học Canada Arthur B McDonald - đồng giành giải Nobel hóa học 2015 trong trang phục đuôi tôm.

Công chúa Madeleine - con gái út của vua King Carl XVI Gustaf và hoàng hậu Silvia cùng nhà hóa học Paul Modrich (Anh) - đồng giành giải Nobel hóa học 2015.

Công chúa Sofia cùng chủ nhân giải Nobel Vật lý 2015- nhà vật lý học Takaaki Kajita đến từ Nhật Bản

Bà Michiko Kajita - phu nhân của nhà khoa học Takaaki Kajita (Nhật Bản) đạt giải Nobel vật lý 2015 trong trang phục Kimono truyền thống của Nhật Bản. Đi cùng bà là Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf trong áo đuôi tôm. 

Thái tử Carl Philip  cùng vợ cũng có mặt trong tiệc tối Nobel 2015

Quy mô khổng lồ

Buổi tiệc Nobel được diễn ra cùng thời điểm với lễ trao giải đầu tiên – năm 1901 tại Thụy Điển. Cho đến nay, địa điểm và thời gian tổ chức tiệc Nobel vẫn giữ nguyên truyền thống: ngày 10 tháng 12 hàng năm tại thành phố Stockholm, trong những khách sạn bậc nhất như Grand Hotel và Gyllene Salen. Và những năm gần đây thì phòng đại yến của tòa thị chính Stockholm là lựa chọn mới. Tất cả các không gian trên, ngoài điều kiện về cơ sở hạ tầng sang trọng và có vị trí ở trung tâm, đều có diện tích rất lớn bởi bản chất của Nobel banquet là “tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel cùng quan khách”. Do đó, sẽ không quá ngạc nhiên khi cả giải Nobel và bữa tiệc hậu trao giải thu hút sự quan tâm của đông đảo khách khứa. Sự kiện này cũng đã trở thành một trong những buổi tiệc có quy mô hoành tráng nhất hành tinh.
Quá trình chuẩn bị công phu
Để  tổ chức một bữa tiệc với áp lực của quy mô và uy tín từ hiệp hội Nobel như trên đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị. Tất cả mọi thứ  trước hết phải được một cách hoàn hảo. Phụ trách bữa tiệc là một nhóm được chuyên môn hóa cao, bao gồm quản lý phục vụ, quản lý phòng tiệc, đầu bếp trưởng, 8 người phục vụ đứng đầu, 210 người phục vụ bàn, 5 nhân viên phục vụ rượu vang, 20 đầu bếp và về 20 người có trách nhiệm quét dọn và vận chuyển thực phẩm. Danh sách “đi chợ” cho hơn 1000 phần ăn cũng rất “choáng váng”, với những thời điểm nó có thể lên tới 2692 ức chim bồ câu, 475 đuôi tôm hùm, 100 kg khoai tây, 70 lít nước sốt quả mâm xôi, 53 kg pho mát Philadelphia, 45 kg cá hồi hun khói, và còn tiếp tục kéo dài. Ba ngày trước khi tới bữa tiệc, việc chuẩn bị nguyên liệu phải được hoàn thành và mọi nhân viên bắt đầu bước vào guồng máy làm việc căng thẳng, gấp gáp và nghiêm ngặt.

Một nhóm khác gồm các nhà thiết kế, chuyên gia nội thất và nghệ nhân cắm hoa sẽ phụ trách không gian cho tiệc Nobel. Mỗi buổi tiệc Nobel đều có một chủ đề cụ thể, và hầu hết đều gắn liền với phong cách hoàng gia Châu Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng. Hoa lily, hoa lan, hoa hồng gladioli và các màu sắc nổi bật được sử dụng để tăng cường tính chất rực rỡ nhưng vẫn trang nhã cho không gian tiệc tối. Toàn bộ hoa đều được cung cấp từ Remo, một trung tâm trồng hoa tại Riviera Ý, nơi Alfred Nobel đã dành những năm cuối cùng của cuộc đời mình. Mỗi năm, hơn 23.000 bông hoa sẽ được sử dụng để trang trí cho buổi tiệc Nobel danh giá

Đôi nét về thực đơn

Phần đáng được mong chờ nhất của mỗi bữa tiệc chính là thực đơn và Noel banquet cũng không phải ngoại lệ. Thực đơn của tiệc Nobel nhìn chung được đánh giá là đặc sắc, sáng tạo mà vẫn truyền tải được tinh thần của ẩm thực Thụy Điển kết hợp với phong cách nấu ăn Pháp. Vào tháng 4 hàng năm, các đầu bếp trên khắp thế giới sẽ bắt đầu lên những thực đơn dự kiến cho bữa tiệc. Và đến tháng 9, ba thực đơn từ các đầu bếp xuất sắc nhất sẽ được “ứng cử” lên hội đồng Nobel, và thực đơn chính thức được giữ kín cho đến tận ngày khai tiệc. 

Thực đơn Nobel có sự thay đổi qua từng thập kỉ. Trong 10 năm đầu từ 1901 đến 1911, món khai vị thường là bánh mì đi kèm pho mát, thịt nguội, Tiếp theo thực khách sẽ được phục vụ consommé – một loại súp có phần nước dùng thanh tao, có thể dùng không hoặc làm sốt chấm. Món chính thường là thịt đỏ, thịt trắng hoặc hải sản. Phần tráng miệng được chuẩn bị khá kì công với kem và bánh ngọt phục vụ xen kẽ, bên cạnh đó, rượu vang luôn xuất hiện ở đầu và cuối bữa ăn.
Mười năm tiếp theo, phần bánh mì mở màn được lược bỏ và consommé kiêm luôn vai trò khai vị. Những thập kỉ tiếp theo sau thế chiến Thứ I, thực đơn ngày càng được rút ngắn về số lượng, đầu tư về chất lượng và sự độc đáo trong từng món ăn. Giai đoạn 1921-1930 đã đánh dấu cho sự thịnh hành về lâu dài của món súp thịt rùa trong những thực đơn tiệc Nobel sau này. Thịt nạc rùa được nấu đợt đầu trong nước sôi để lấy nước dùng. Sau đó, nước súp sẽ được hình thành nhờ thêm rượu vang Madeira, các loại rau thơm và cuối cùng là… máu rùa – một dung dịch không hề tanh mà ngược lại khá thanh nhẹ và bổ dưỡng nổi tiếng.
Sau thế chiến thứ II, lượng món ăn giảm xuống còn 3 với vỏn vẹn món khai vị (bánh mì hoặc súp) – món chính (thịt đủ loại từ bò, heo, gia cầm đến hải sản đặc trưng cho ẩm thực Thụy Điển), và kết thúc cùng tráng miệng mà nay đã có cái tiến, ngày càng ưa chuộng xu hướng sử dụng trái cây trong bánh. Cho đến ngày nay, tôm hùm và thịt cá hồi – vốn gắn liền với phong vị ẩm thực miền biển tại Thụy Điển – đã có một vị trí hàng đầu trong các món chính. Cùng với những đặc điểm mang phong cách hiện đại, đây là một trong những đặc điểm quan trọng của thực đơn Nobel banquet từ cuối thế kỉ XX trở đi. 

Một mùa trao giải Nobel nữa lại đến. Trong khi các nhà nghiên cứu háo hức chờ đợi kết quả quan trọng nhất của cuộc đời nghiên cứu, thì những người yêu ẩm thực cũng trông ngóng một sự kiện của riêng mình: Bữa tiệc hậu Nobel danh giá và hoành tráng. Với sự chuẩn bị công phu, kế hoạch kĩ lưỡng kéo dài trong một năm và quá trình nấu nướng, phục vụ vô cùng cẩn trọng, Nobel banquet xứng đáng là bữa tiệc vinh danh những đỉnh cao tri thức của nhân loại, đồng thời là khuôn mẫu lưu giữ những giá trị kinh điển và căn bản nhất của ẩm thực Châu Âu cao cấp. 

Theo DM