Việc tháo dỡ khu biệt phủ 100 tỉ đồng của đại gia vàng Ngô Văn Quang ở rừng Hải Vân (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang được thực hiện thì dư luận địa phương lại bất ngờ trước thông tin ở khu rừng đặc dụng này còn có hàng chục “biệt thự” trái phép khác.
Đơn cử, nằm phía sau khu biệt phủ 100 tỉ đồng trên có một trang trại nuôi chó, heo rừng, trồng cây ăn trái và có công trình nhà ở. Chủ nhân của trang trại này là ông Phạm Hùng Chiến - nguyên Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng.
Sợ phải… “đổ vỏ”
Được biết khi Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu làm thủ tục bàn giao 1.630 ha rừng và đất lâm nghiệp (theo quyết định của Thủ tướng) thì UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) kiên quyết không nhận quản lý 127 ha (của 49 hồ sơ). Trong số này, 11 hồ sơ với gần 21 ha đất rừng đặc dụng và phòng hộ giao khoán trái quy định, 13 hồ sơ với khoảng 55 ha xây dựng không phép, sử dụng không đúng mục đích…
Theo ghi nhận của PV, hiện nay ở khu vực rừng này có hàng chục công trình không phép. Việc xây dựng, mua bán trao tay đất trái phép ở đây xảy ra trong một thời gian dài, trong đó có một số người từng là cán bộ. Đáng chú ý trong số này có công trình không phép của ông Lê Tiến Dũng (quận Liên Chiểu) nằm cạnh trạm kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu. Trong khu vực đất rộng khoảng 15.000 m2, ông Dũng cho xây tường rào, nhà rường và nhà bê tông kiên cố. Ngoài ra, ở hai bên con suối cách trạm kiểm lâm khoảng 300 m còn có cả một khu công viên tắm suối Thời Nay quy mô lớn với nhiều nhà chòi. Được biết công trình này là của ông Tiến ở quận Liên Chiểu…
UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho rằng các công trình trên xây dựng không phép, hồ sơ mua bán đất rừng qua tay mù mờ và sử dụng không đúng quy định. Các sai phạm này diễn ra từ thời Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân (nay là Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu) quản lý. Phường không nhận các hồ sơ này là vì không muốn phải đi… “đổ vỏ”.
Cụm công trình trái phép bên suối để kinh doanh. Ảnh: LÊ PHI
Nhiều công trình xây dựng trái phép tại rừng Hải Vân đã lâu nay mới lộ ra. LÊ PHI
Giải thích lòng vòng
Theo ông Trương Việt - Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, trong số 49 hồ sơ trên có 11 hồ sơ khoán không đúng và 38 hồ sơ mua bán chuyển nhượng làm nhà trái phép nên phường không nhận. “Kiểm lâm phải xử lý xong các hồ sơ đó rồi chúng tôi mới nhận” - ông Việt khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Truyền - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu cho biết sự việc xảy ra ở 127 ha đất mà phường Hòa Hiệp Bắc chưa nhận là do lịch sử để lại. “Chuyện này diễn ra mấy chục năm rồi. Tôi cũng không nắm được. Họ nói không nhận thì thôi chứ chừ răng (giờ sao)”.
Tuy vậy, trả lời PV, ông Trần Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng lại nói: “Họ phải nhận, nhận nguyên đai nguyên kiện. “Bàn giao thì phường phải nhận nhưng có ai bảo anh gánh cái đó (trách nhiệm - NV) đâu. Đó (việc từ chối nhận bàn giao - NV) là tuyên bố cá nhân chứ pháp luật ai cho”.
Cũng theo ông Lương, Chi cục Kiểm lâm TP và quận Liên Chiểu đã thống nhất sẽ phân loại, giải quyết xong rồi bàn giao. Riêng cá nhân người làm sai thì xử lý sau chứ không phải bắt UBND phường Hòa Hiệp Bắc gánh trách nhiệm. “Trên phường có quận, trên hạt có chi cục. Ai bảo ông gánh đâu” - ông Lương nói.
Ông Lương nói thêm việc ông Dũng xây dựng trái phép đã diễn ra lâu rồi và ngoài thẩm quyền của Chi cục Kiểm lâm (?!). “Tôi mới nghe nói đó là nhà rường, để tôi kiểm tra” - ông Lương trả lời dường như mâu thuẫn với chính ông (là vụ này xảy ra đã lâu - NV). Tương tự, về phần đất của nguyên giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, ông Lương cũng nói sẽ kiểm tra chứ bây giờ thì chịu.
Trách nhiệm lâu nay là của kiểm lâm và nay muốn bàn giao cho phường thì phải rõ ràng. Tuy vậy, phường Hòa Hiệp Bắc không phải không nhận nhưng với 49 trường hợp này có nhiều điểm chưa rõ ràng, cần khoanh lại để nghiên cứu hướng xử lý từng trường hợp.
Ông LƯƠNG NGUYỄN MINH TRIẾT,
Bí thư Quận ủy Liên Chiểu
Theo PLTP