Liên tiếp gặp “hạn”, KSS sẽ đi về đâu?

Sau khi có thông tin xấu, cổ phiếu KSS đã giảm giá khó có thể cứu vãn. Hiện KSS nằm ở mức 2.300 đồng/cổ phiếu, giảm 28% so với mức giá ngày 5/6, giảm 92% so với mức giá từ ngày đầu niêm yết.
Liên tiếp gặp “hạn”, KSS sẽ đi về đâu?

Sếp bị bắt, khởi đầu cho hàng loạt vận hạn

Ngày 5/6/2015, thông tin từ Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở của Hà Thị Thu Huyền - Kế toán trưởng CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS) để điều tra về tội danh "làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức”.

Sau thông tin này, cổ phiếu KSS bắt đầu lao dốc.

Đến ngày 9/6/2015, KSS chính thức công bố thông tin về việc ông Nguyễn Văn Dĩnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc KSS và bà Hà Thị Thu Huyền - Ủy viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng KSS bị khởi tố để phục vụ điều tra làm rõ một số sai phạm cá nhân.

Con dấu giao dịch và toàn bộ hồ sơ hành chính của công ty đang bị cơ quan điều tra thu giữ. 

Ngay sau thông tin này, ngày 10/6, HOSE đã quyết định đưa cổ phiếu KSS vào diện kiểm soát đặc biệt vì lo ngại đến quyền lợi của nhà đầu tư. Như vậy, từ 11/6, cổ phiếu KSS sẽ chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Chưa dừng lại ở đó, thông tin mới đây cũng cho biết các cổ đông lớn của KSS đã nhanh tay “thoát hàng”. Cổ đông lớn của KSS là CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung cũng đã bán khớp lệnh và thỏa thuận toàn bộ 7 triệu cổ phiếu KSS mà công ty này nắm giữ vào ngày 10/6/2015, hoàn tất thoái vốn tại KSS. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Dĩnh đã kịp bán “chui” toàn bộ hơn 1,9 triệu cổ phiếu KSS trước ngày bị bắt.

Do lượng lớn cổ phần của KSS nằm trong tay cổ đông nhỏ lẻ nên mới đây cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2015 lần 2 ngày 15/6 của KSS đã tổ chức bất thành khi chỉ có 9 cổ đông tham gia đại diện cho 25,67% cổ phần có quyền biểu quyết. Lần họp thứ 3 dự kiến tổ chức vào ngày 30/6/2015.

Sau khi có thông tin xấu, cổ phiếu KSS đã giảm giá khó có thể cứu vãn. Hiện KSS nằm ở mức 2.300 đồng/cổ phiếu, giảm 28% so với mức giá ngày 5/6, giảm 92% so với mức giá từ ngày đầu niêm yết.

Kinh doanh èo uột, “sống” vì nợ, ai cứu KSS?

Năm 2010 là năm KSS có lợi nhuận ròng lớn nhất. Sau thời điểm này, cả doanh thu lẫn lợi nhuận của KSS đều tuột dốc. ROA, ROE giảm mạnh. Lợi nhuận cả năm 2014 chỉ lèo tèo ở mức 3,9 tỷ đồng. 

Mặc dù kết quả kinh doanh không lỗ song lưu chuyển tiền tiền tệ của doanh nghiệp thuần từ hoạt động kinh doanh đang âm. 

Cơ cấu nguồn vốn của KSS đang không bền vững khi nợ phải trả chiếm tỷ trọng chủ yếu. Tính đến hết 31/3/2015, nợ phải trả của KSS ở mức 1.445 tỷ đồng, chiếm 75% tổng nguồn vốn và gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. 

Trong đó vay ngắn hạn là 550 tỷ đồng từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bắc Kạn, vay dài hạn đến hạn trả 37 tỷ đồng. 

KSS còn vay dài hạn 522 tỷ đồng, bao gồm 436,3 tỷ đồng từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Kạn, 15,6 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Kạn Thái Nguyên và 100 tỷ đồng từ trái phiếu phát hành.

Từ 2011, các khoản nợ của KSS dần tăng lên. Công ty cũng cho biết tỷ trọng nợ lớn là vấn đề khó khăn nhất của công ty bởi KSS phải liên tục vay nợ để đầu tư cho các dự án trong nhiều năm kéo dài. Chi phí lãi vay cũng chiếm một khoản không nhỏ, ăn mòn vào lợi nhuận của doanh nghiệp. 

ĐHĐCĐ thường niên lần 3 sắp tới sẽ quyết định vận mệnh của KSS khi một trong những nội dung được bổ sung trong lần họp lần này là trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, bầu Chủ tịch HĐQT của công ty. Đồng thời, công ty cũng sẽ miễn nhiệm và bầu mới Giám đốc và Kế toán trưởng.

Ngoài ra, công ty cũng cho biết sẽ cơ cấu lại nguồn lực tài chính và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Theo: BizLive