Xét từ việc Khalifa Haftar đã tham gia giúp Saif al-Gaddafi, con trai nhà cựu lãnh đạo Muammar al-Gaddafi... ra tranh cử tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử hồi đầu năm 2019, người ta cho rằng khả năng cục diện “Gaddafi quay trở lại Tripoli” đã dần trở thành hiện thực.
Khalifa Haftar – người thay đổi cục diện
Theo trang tin Đa Chiều ngày 8.4, ông Fayez al-Sarraj, Thủ tướng của “Chính phủ đoàn kết dân tộc” (GNA) tuyên bố muốn gặp ông Khalifa Haftar để đàm phán, nhưng nhà lãnh đạo này đã thẳng thừng từ chối đề nghị có ý nghĩa cầu hòa và đình chiến ấy. Cho đến nay, có vẻ Khalifa Haftar muốn triệt để viết lại cục diện Trung Đông sau năm 2011.
Một cánh quân của LNA đã có mặt trong thủ đô Tripoli.
|
Ông Khalifa Haftar nguyên là một viên tướng thân cận của ông Muammar al-Gaddafi, năm 1969 đã giúp ông Gaddafi làm đảo chính lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, sau đó được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng quân đội. Năm 1987, Khalifa Haftar lãnh đạo quân đội tham gia cuộc chiến với Chad và đã bị bắt trong lãnh thổ Chad. Do ông Muammar al-Gaddafi trước đó đã phủ nhận việc quân đội Libya tham gia vào cuộc nội chiến ở Chad, nên đã “thấy chết không cứu” bỏ mặc ông Khalifa Haftar trong tay người Chad, vì vậy sau đó hai người chia tay nhau, đường ai nấy đi.
Sau khi được phóng thích, Khalifa Haftar sang Mỹ sống lưu vong. Năm 2011, ông dẫn quân của mình tham gia cuộc nội chiến Libya 2011, đứng về phe chống chính phủ, là một trong những người chỉ huy lực lượng quân sự chủ yếu. Nhưng sau khi các thế lực chống chính phủ được NATO ủng hộ lật đổ được chính quyền Muammar al-Gaddafi, ông Khalifa Haftar đã lựa chọn cách rút về ẩn cư do bất đồng quan điểm, nhất là trong việc chủ trương xây dựng chính phủ thế tục, phản đối các phần tử Hồi giáo.
Tuy nhiên, cục diện hỗn loạn ở Libya sau đó lại khiến những đạo quân chống chính phủ quay lại cầm vũ khí. Một số các danh tướng của chính phủ cũ tham gia liên quân chống Muammar al-Gaddafi như Tổng tư lệnh liên quân chống chính phủ Addel Fattah Younes hay Omar Mochtar El-Hariri... sau nội chiến đều chịu chung số phận bị ám sát, chết bất đắc kỳ tử...
Ông Khalifa Haftar cho rằng, chính phủ Libya mới, một mặt bài xích những quan chức chính quyền cũ, mặt khác lại bất lực trong việc lãnh đạo, thậm chí bỏ mặc các tổ chức khủng bố hoạt động trong nước. Nên ông kéo về miền Đông tụ tập thuộc hạ cũ để thành lập quân đội riêng, thậm chí bắt tay xây dựng lại lực lượng không quân đã bị xóa bỏ sau nội chiến.
Nguyên soái Khalifa Haftar - người đứng đầu LNA đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya.
|
Trong mấy năm từ 2014 đến 2016, với việc kiểm soát được các mỏ dầu ở Đông Libya, ông Khalifa Haftar đã xác lập được địa vị chủ đạo của mình, không công nhận Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) thành lập đầu năm 2016 được Liên Hợp Quốc ủng hộ. Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của ông đã có tới hơn 75.000 quân, ngang với tổng số quân của cả quân đội chính phủ và lực lượng chống đối trước khi xảy ra nội chiến.
Tháng 9.2016, LNA bắt đầu tấn công quân đội của GNA, chiếm được 4 cảng dầu lửa quan trọng Zuwetina, Brega, Ra’s Lanuf và Sidra ở miền Đông Libya. Đại hội đại biểu quốc dân Libya ở miền Đông đã tấn phong Khalifa Haftar là Nguyên soái. Lực lượng vũ trang hùng mạnh LNA được sự tài trợ của Ai Cập và Các Tiểu vương Ả rập Thống nhất (UAE) đã quyết định việc thế lực của Khalifa Haftar đã từ một nửa nước ở miền Đông dần dần kiểm soát được tuyệt đại đa số các vùng cả nước trước khi mở cuộc tổng công kích vào thủ đô Tripoli.
Sự can dự của người Nga
Bước ngoặt trong cuộc đời của ông Khalifa Haftar bắt đầu từ hành động của người Nga sau tháng 10.2016. Khi đó giới phân tích nước ngoài nhất trí cho rằng việc Nga tổ chức cuộc diễn tập chống khủng bố lớn ở Alexsandra ở miền Bắc Ai Cập là nhằm đóng quân ở vùng biên giới Ai Cập – Libya; diễn biến mấy năm sau cho thấy Tổng thống Nga Putin và những trợ thủ của ông có tầm nhìn xa hơn nhiều...
Ở một ý nghĩa nào đó, sự bố trí quân đội Nga ở Ai Cập từ tháng 10.2016 đến tháng 7.2017 rõ ràng là động tác giả gây hỏa mù. Một loạt cuộc diễn tập của Nga khi đó ở Ai Cập chỉ là tích lũy kinh nghiệm tác chiến đổ bộ đường không trên sa mạc cho những hành động quân sự mới ở Syria; nhưng sự can dự của Nga vào Libya mới thực sự là điều đáng chú ý hơn.
Ông Khalifa Haftar (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải)
|
Trên thực tế.ngay từ tháng 9.2016, đã có thông tin của cơ quan tình báo Ả rập Xê-út cho thấy Khalifa Haftar vừa được phong là “Nguyên soái lục quân” đã thông qua người trung gian là Đại sứ Libya ở Ả rập Xê-út để tìm kiếm sự giúp đỡ về vũ khí hạng nhẹ cùng máy bay chiến đấu từ Nga và đã đạt được vụ giao dịch trị giá 2,9 tỷ USD.
Phía Nga đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội thông qua vụ giao dịch này để bắt đầu tiếp xúc với Khalifa Haftar. Ngày 29.11.2016, Khalifa Haftar tới Moscow và nhà chính trị nắm giữ những cảng khẩu xuất khẩu dầu lửa chủ yếu của Libya này đã trở thành đối tượng đầu tư quan trọng của Moscow. Cho đến đầu năm 2017 đã có thông tin về “sự xuất hiện của một số nhân viên kỹ thuật quân sự Nga ở miền Đông Libya” được cho là tới các đơn vị quân đội của Khalifa Haftar để giúp họ đổi mới hệ thống vũ khí, nâng cấp các trang bị hải quân, không quân và phòng không.
Tư liệu cho thấy, Công ty dầu lửa Nga Rosneft hồi tháng 2.2017 đã ký với Công ty dầu lửa Libya hiệp định đầu tư và mua dầu thô. Điều này đã khiến vai trò của Nga ở Libya bắt đầu trở nên quan trọng. Cộng với việc Khalifa Haftar đặt chân lên tàu sân bay Nga ở Địa Trung Hải hồi tháng 1.2017 cho thấy chiến lược Libya của ông Putin đã rất rõ: sự bố trí ở Ai Cập và Libya sẽ khiến Nga chuyển từ Syria sang trung tâm bờ biển phía Đông Địa Trung Hải.
Đa Chiều cho biết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry hôm 6.4 đã ra tuyên bố chung, trong đó nêu rõ: hai người “ủng hộ các thế lực chính trị ở Libya đạt được hiệp nghị”, “phản đối nước ngoài can thiệp”. Sự ủng hộ của Nga đối với Khalifa Haftar đã trở nên quá rõ ràng; điều này khiến Libya – quốc gia đầu tiên xảy ra nội chiến quy mô lớn trong “mùa Xuân Ả rập” giờ đây đã có hy vọng chấm dứt được tình trạng hỗn loạn bấy lâu nay.