Chủ nghĩa thực dân mới ở châu Phi nhìn từ Phong trào gilê vàng tại Pháp

VietTimes -- Câu thành ngữ “cháy nhà ra mặt chuột” để nói về những hiện tượng tiêu cực trong xã hội bị ẩn dấu trong thời gian dài bỗng nhiên để lộ nguyên hình dưới tác động của những biến cố lớn làm đảo lộn thực tại, đang được giới phân tích chính trị quốc tế sử dụng để mô tả biến động chính trị-xã hội mang tên “Phong trào gilê vàng” ở Pháp. Trong đó, bộc lộ nguyên hình chủ nghĩa thực dân mới ở châu Phi.
Ảnh minh họa Chủ nghĩa thực dân mới tại châu Phi.
Ảnh minh họa Chủ nghĩa thực dân mới tại châu Phi.

Một trong những tác động rất đáng chú ý từ Phong trào gilê vàng là đã đẩy quan hệ giữa Pháp và Italia leo thang căng thẳng chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II, liên quan tới biến động chính trị-xã hội được thể hiện trong các cuộc biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bùng phát từ cuối năm 2018 tới nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. 

Ngày 5.2.2019, Phó Thủ tướng Italia Luigi di Maio và cũng là người lãnh đạo Phong trào Năm sao của nước này cho biết ông đã gặp hai nhà lãnh đạo của Phong trào gilê vàng ở Pháp đồng thời là các nhà hoạt động xã hội Cristophe Chalencon và Ingris Levasei. Trong cuộc gặp này, ông Luigi di Maio ca ngợi phong trào chính trị-xã hội này là “bước nhảy vọt đối với nước Pháp”, hoặc là “làn gió làm thay đổi khu vực chính trị dọc theo dãy Alps”.

Còn trên trang Facebook cá nhân, đồng Phó Thủ tướng Italia, ông Matteo Salvini, cũng kêu gọi người dân Pháp "tự giải phóng khỏi một tổng thống tồi tệ sau bầu cử nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 5.2019". Ông Matteo Salvini không ngần ngại tuyên bố rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khi lên lớp dạy dỗ về sự đoàn kết châu Âu nhưng lại đẩy hàng ngàn người nhập cư về phía thành phố Vintimille và vùng Piemont của Italia [1,2].

Theo nhận định của giới nghiên cứu về Italia, hiện tượng nhiều quan chức cao cấp trong Chính quyền Roma ủng hộ Phong trào gilê vàng ở Pháp chỉ là “giọt nước làm tràn li” từ mâu thuẫn và bất đồng vốn âm ỉ giữa Pháp và Italia xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước đây 8 năm, vào năm 2011, Chính quyền Paris dưới thời của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy công khai tiến hành chiến dịch quân sự để tàn phá đất nước Libya-một quốc gia được Chính quyền Roma coi là “sân sau của Italia”.

Tiếp đến, Pháp phát động chiến tranh ở Mali. Những hành động này của nước Pháp đã tạo ra trạng thái hỗn loạn kéo dài và dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là gây nên làn sóng di cư lớn nhất tới châu Âu kể từ sau Thế Chiến II. Thế nhưng, thay vì phải ra tay giải quyết hậu quả này, Chính quyền Paris lại đơn phương đóng cửa biên giới kiểm soát dòng người người tị nạn ồ ạt “đổ bộ” vào châu Âu và bỏ mặc Chính quyền Roma phải lao tâm khổ tứ đối phó với làn sóng này. Bởi Italia là điểm đến đầu tiên của người di cư từ điểm xuất phát Libya đi qua Địa Trung Hải. 

Sau khi Phong trào Năm sao giành thắng lợi và nắm quyền lãnh đạo ở Italia, mâu thuẫn âm ỉ giữa Paris và Roma bùng phát mạnh mẽ. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gay gắt lên án hiện tượng nổi lên của Phong trào Năm sao ở Italia và ông gọi đó là “bệnh hủi dân túy” đang lây lan khắp châu Âu. Trong đó, ông đã nhiều lần nhắc đến tên Matteo Salvini, Bộ trưởng Bộ nội vụ Italia là người đưa ra hàng loạt phát ngôn mang tính kích động Phong trào gilê vàng chống chính phủ ở Pháp. Thí dụ, ông Matteo Salvini kêu gọi những người biểu tình áo vàng ở Pháp lật đổ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Pháp gọi đó là “hành động can thiệp mang tính khiêu khích không thể chấp nhận được”.

Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Paris và Roma liên quan tới Phong trào gilê vàng ở Pháp được đẩy lên một nấc thang mới cao hơn liên quan tới một yêu sách trong cương lĩnh chính trị của phong trào này. Đó là yêu cầu Chính phủ Pháp chấm dứt chính sách cướp bóc cũng như sự can thiệp chính trị và quân sự vào các nước châu Phi; đưa tiền và tài sản của những nhà cầm quyền độc tài do bóc lột mà có trả lại cho người dân châu Phi; xóa bỏ hệ thống tài chính thuộc địa của Pháp, theo đó Paris đã từng buộc các nước châu Phi phải duy trì dự trữ ngoại hối bằng đồng Franc tại các ngân hàng của Pháp, khiến châu Phi luôn lâm vào tình cảnh nghèo đói; duy trì quan hệ bình đẳng và công bằng với các quốc gia châu Phi [3].

Ủng hộ nội dung này trong Cương lĩnh chính trị của Phong trào gilê vàng, Phó thủ tướng Italia, ông Luigi di Maio, cáo buộc Pháp “bần cùng hóa châu Phi” thông qua đồng tiền Franc dành cho châu Phi, gọi tắt là CFA (Colonies Françaises d’Afrique - Những thuộc địa của Pháp tại châu Phi), mà một trong những hậu quả nghiêm trọng là dẫn đến làn sóng di dân chưa từng có kể từ Thế Chiến II tới châu Âu. Ông Luigi di Maio còn cáo buộc Pháp sử dụng đồng CFA-di sản từ thời thuộc địa Pháp ở châu Phi trong thế kỷ 20. Ông nói:“Tôi cần nói rõ một sự thật là, khi in đồng tiền cho cả 14 quốc gia châu Phi, nước Pháp đã ngăn cản sự phát triển của những quốc gia trên châu lục này và do đó đã bần cùng hóa người dân châu Phi, khiến họ phải lìa bỏ quê hương xứ sở và cam chịu cảnh chết chóc trên khi nỗ lực vượt qua Địa Trung Hải với hy vọng được đặt chân lên bờ biển châu Âu”. 

Ông Luigi di Maio yêu cầu đưa ra các biện pháp trừng phạt khẩn cấp đối với Pháp vì hành động của quốc gia này đang thực dân hóa châu Phi. Bởi theo ông Luigi di Maio, một trong những công cụ quan trọng của chủ nghĩa thực dân Pháp ở châu Phi là đồng Franc. Theo ông, Pháp là một trong những quốc gia in tiền cho 14 quốc gia châu Phi. Đồng tiền này đã tồn tại ở Pháp trong nhiều thế kỷ cho đến thời điểm nó được thay thế bằng đồng tiền chung châu Âu vào năm 2002. Tuy đồng Franc đã không còn lưu hành ở Pháp nhưng khu vực đồng tiền chung Franc vẫn còn tồn tại dành cho các nước thuộc địa.

Bên ngoài khu vực châu Phi còn có đồng Franc dùng cho vùng Thái Bình Dương, gọi tắt là XPF, được lưu hành ở các nước New Caledonia, Polinesia thuộc Pháp và ở Wallis và Futuna. Quyền phát hành đơn vị tiền tệ này thuộc về Viện phát hành tiền tệ cho các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp có Văn phòng tại Paris. Pháp còn có lãnh thổ hải ngoại ở vùng biển Caribe và Ấn Độ Dương như Guadeloupe, Guiana, Martinique, Reunion, St. Pierre & Miquelon và Mayotte. Ở những quốc gia này lưu hành và sử dụng đồng Euro do Bộ hải ngoại của Pháp phát hành. Hai trung tâm phát hành tiền tệ này đều chịu sự kiểm soát của Ngân hàng Trung ương Pháp.

Hiện nay, đồng CFA là tên của một trong hai loại tiền tệ được sử dụng ở các nước châu Phi. Loại thứ nhất là đồng Franc của 8 quốc gia ở Tây Phi thuộc Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (gồm các nước Benin, Burkina Faso, Côte d'Ivoire, Guinea-Bissau, Mali, Niger, Senegal, Togo). Mã số của đồng Franc Tây Phi là XOF, do Ngân hàng trung ương của các quốc gia Tây Phi phát hành BCEAO (Banque Centrale des États de l'Afrique de l'Ouest) có trụ sở tại Senegal. Loại thứ hai của đồng Franc phục vụ 6 quốc gia trong Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Trung Phi (gồm Cameroon, Congo, Gabon, Equatorial Guinea, Cộng hòa Trung Phi và Sat). Mã số của đồng Franc Trung Phi là XAF do Ngân hàng của các quốc gia Trung Phi phát hành, có trụ sở tại Cameroon.

Ngày nay, đồng Franc CFA là loại tiền phổ biến nhất trên lục địa châu Phi. Hai trung tâm phát hành tiền Franc cho châu Phi là Ngân hàng trung ương của các quốc gia Tây Phi và Ngân hàng các quốc gia Trung Phi hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương Pháp. Thực chất, hai trung tâm phát hành tiền này là các chi nhánh khu vực của Ngân hàng Trung ương Pháp.

Theo các chính trị gia Italia, Pháp vẫn tiếp tiếp tục khai thác các thuộc địa cũ của họ ở châu Phi và đảm bảo cho các nước châu lục này chuyển đổi các đồng tiền Franc của họ sang đồng Euro theo tỷ lệ cố định. Tuy nhiên, các nước châu Phi thuộc địa của Pháp phải dự trữ tiền tệ của họ bằng Euro trong một tài khoản đặc biệt tại Kho bạc Pháp với giá trị ít nhất bằng 2/3 tổng giá trị dự trữ ngoại tệ của họ. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Pháp thiết lập quyền kiểm soát chặt chẽ đối với hai trung tâm phát hành tiền cho các nước châu Phi. Do đó, các nước châu Phi thuộc địa của Pháp hoàn toàn không có quyền sử dụng số ngoại tệ của họ mà chỉ có thể nhận được một phần thông qua các khoản tín dụng có giá trị không vượt quá 20% tổng giá trị ngoại tệ dự trữ trong Ngân hàng Trung ương Pháp.

Sau bài phát biểu của Luigi di Maio về chủ nghĩa thực dân Pháp thời hiện đại, các phương tiện truyền thông mới “mượn gió bẻ măng” và công cố nhiều bài viết tiết lộ chi tiết về tình cảnh cùng cực 7 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền CFA được coi là những quốc gia nghèo nhất thế giới, ở đó có 2/3 dân buộc phải sống với mức dưới 2 USD một ngày. Vì thế, nhà báo người Đức Ernst Wolff nhận định, Phong trào gilê vàng ở Pháp có thể lan tỏa sang các nước thuộc địa cũ của Pháp và đây thực sự là mối đe dọa không nhỏ đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron [4,5].

Cũng cần nhận thấy rằng, việc các chính trị gia Italia lên án chủ nghĩa thực dân mới của Pháp ở châu Phi còn nhằm một mục tiêu chính trị quan trọng. Đó là buộc đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chịu thất bại trong cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu vào tháng 5.2019. Vào cuối năm 2018, nhà lãnh đạo của phong trào chính trị Liên minh Phương Bắc, ông Matteo Salvini, và lãnh đạo Phong trào quốc gia Pháp Marine Le Pen đã tuyên bố hợp nhất nỗ lực của họ trong cuộc bầu cử sắp tới vào Nghị viện châu Âu nhằm cứu châu Âu chống lại cái gọi là “chủ nghĩa toàn trị” mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một đại diện điển hình-người đã từng đề xuất “Sáng kiến châu Âu” nhằm thực hiện chủ trương tiếp tục quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng ở châu lục này. Trong khi đó, các chính trị gia Italia công khai ủng hộ bà Marine Le Pen - đối thủ chính trị hàng đầu của ông Emmanuel Macron.

Vì thế, theo nhận định của Sebastien Maillar, Giám đốc Viện chính trị Jacques Delors của Pháp, những va chạm hiện nay giữa chính giới ở Paris và Roma là vết nứt khó hàn gắn có thể dẫn tới sự tan rã quan hệ giữa Pháp và Italia và rút cuộc sẽ khiến EU thiếu đi một yếu tố rất cần thiết cho công cuộc gắn kết châu Âu vốn đang lâm vào khủng hoảng./.   

 Tài liệu tham khảo

[1]Quan hệ Pháp-Italia: khi giọt nước dân túy làm tràn ly. http://vi.rfi.fr/phap/20190208-quan-he-phap-y-giot-nuoc-dan-tuy-lam-tran-ly

 [2] Căng thẳng Pháp-Italia thêm nghiêm trọng, Salvini kêu gọi loại bỏ Macron. http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190123-cang-thang-phap-y-them-nghiem-trong-salvini-keu-goi-loai-bo-macron

[3] Paris phản đối phó thủ tướng Italia cáo buộc Pháp "làm nghèo châu Phi". http://vi.rfi.fr/phap/20190122-Paris-phan-doi-pho-thu-tuong-y-cao-buoc-phap-lam-ngheo-chau-phi

[4] Франк и колонизация Африки. https://www.fondsk.ru/news/2019/02/12/frank-i-kolonizacija-afriki-47602.html

[5]Colonial Terrorism, Global Capitalism and African Underdevelopment: 500 Years of Crimes Against African Peoples. file:///C:/Users/Administrator/Downloads/Documents/5.9Colonial.pdf