Làn sóng sa thải ở nhóm Big Tech: Những người ở lại đứng ngồi không yên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc cắt giảm việc làm trên toàn nền kinh tế Mỹ đang ở mức thấp gần lịch sử, nhưng lĩnh vực công nghệ có thể là yếu tố then chốt.

Nhiều công ty công nghệ lớn đã sa thải nhân viên trong năm 2023 và đầu năm 2024 (Ảnh: Getty)
Nhiều công ty công nghệ lớn đã sa thải nhân viên trong năm 2023 và đầu năm 2024 (Ảnh: Getty)

Các công ty Big Tech đã sa thải hàng trăm nhân viên trong những ngày gần đây, thu hút sự quan tâm đặc biệt và làm dấy lên câu hỏi cho người lao động đang làm việc trong những công ty này: Liệu họ có phải là người tiếp theo?

Theo Bloomberg, Amazon và Google đều áp dụng biện pháp cắt giảm nhân sự, trong khi Apple sắp đóng cửa một cơ sở làm việc gồm 121 người ở San Diego, California, nói với các công nhân rằng họ phải chuyển đến Texas hoặc rời khỏi công ty.

Xét tổng thể, ngành công nghệ ở Mỹ đã sa thải gần 8.000 lao động tính đến thời điểm này trong năm, theo layoffs.fyi, website chuyên theo dõi tình trạng việc làm trong lĩnh vực công nghệ.

Các nhà phân tích cho biết, việc cắt giảm việc làm phần lớn xuất phát từ việc các công ty đánh giá lại nhân sự dành riêng cho lĩnh vực công nghệ, do doanh số bán hàng đã giảm so với tốc độ tăng chóng mặt mà họ đạt được trong thời kỳ đại dịch. Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng rằng tình trạng sa thải ở các lĩnh vực khác tương đối ít.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác nhận định rằng, việc cắt giảm gần đây trong lĩnh vực công nghệ là do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và tình trạng lãi suất neo cao kéo dài, điều này dự báo trước những rủi ro tương tự đối với người lao động ở các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

“Tôi có thể thấy một số đợt sa thải trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế nhưng không phổ biến như chúng ta đang thấy trong lĩnh vực công nghệ”, Joshua White - Giáo sư tài chính đến từ ĐH Vanderbilt và cựu chuyên gia kinh tế tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) Mỹ - cho hay.

Tình trạng cắt giảm việc làm hàng loạt xảy ra vào thời điểm thị trường việc làm nói chung ở Mỹ vẫn duy trì trạng thái mạnh mẽ.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), báo cáo việc làm tốt hơn mong đợi trong tháng 12 năm ngoái cho thấy mức tăng trưởng tuyển dụng vững chắc, xua tan lo ngại về lực lượng lao động sẽ sớm bị thu hẹp.

Dữ liệu của BLS chỉ ra rằng tỷ lệ sa thải trong tháng 11 - tháng gần đây nhất được ghi nhận - đứng ở mức thấp gần như lịch sử là 1%.

Ngay cả việc cắt giảm việc làm trong lĩnh vực công nghệ cũng tương đối nhỏ nếu so với hàng chục nghìn nhân viên bị sa thải vào đầu năm ngoái.

Khả năng phục hồi của lực lượng lao động diễn ra trùng với thời kỳ lãi suất cao kéo dài do chính sách của Fed – thường làm chậm lại hoạt động của nền kinh tế và làm tăng nguy cơ cắt giảm việc làm.

“Sa thải là điều hiếm gặp trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ”, Julia Pollak, Kinh tế trưởng tại ZipRecruiter, cho hay. “Tôi rất ngạc nhiên khi việc làm không giảm nhiều hơn”.

2-1513.png
CEO Google Sundar Pichai mới đây cảnh báo sẽ tiếp tục cắt giảm lao động (Ảnh: Getty)

Tác động đến lĩnh vực khác?

Tuy nhiên, hoạt động cắt giảm lao động ở nhóm Big Tech có thể gây ra hiện tượng tương tự trong các lĩnh vực khác, bởi nền kinh tế Mỹ vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi làn sóng AI, cùng với thua lỗ do môi trường lãi suất cao, theo một số nhà phân tích.

Ví dụ, những đợt cắt giảm lao động tại Google ảnh hưởng tới hàng trăm nhân viên đang phát triển một số sản phẩm nổi tiếng của công ty, như Google Assistant hay YouTube. Đợt cắt giảm được áp dụng như một phần trong chính sách chuyển dịch sang AI của công ty, theo biên bản ghi nhớ của CEO Sundar Pichai.

“Các công ty công nghệ đang tuyển mộ và sa thải với quy mô nhỏ một cách rất thường xuyên, bởi họ vẫn đang thử nghiệm cách thương mại hóa AI”, Daniel Keum, giáo sư quản lý đến từ trường ĐH Kinh doanh Columbia, cho hay.

“Chắc chắn là AI sẽ lan rộng trên khắp các lĩnh vực khác nhau với tốc độ chóng mặt”, Keum nói thêm, cho rằng sự chấp nhận AI sẽ thẩm thấu vào nền kinh tế Mỹ trong khoảng hơn 10 năm tới. “Mọi người nên quan tâm tới điều này”.

Corey Stahle, nhà kinh tế học đến từ website việc làm Indeed, thừa nhận rằng sự chuyển dịch sang AI có thể là tác nhân gây ra một số đợt cắt giảm việc làm trong lĩnh vực công nghệ, nhưng bác bỏ luận điểm cho rằng nó sẽ gây ra tình trạng tương tự ở các lĩnh vực khác.

“Chúng ta chưa đi tới điểm đó,” Stahle nhận định. “Những công nghệ mới này sẽ khai mở tiềm năng của con người, giúp người lao động tăng năng suất và độ hiệu quả trong công việc”.

Công nghệ là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm với lãi suất cho vay tăng cao, theo Chris Kayes, giáo sư đến từ ĐH George Washington. Ông chỉ ra rằng các công ty công nghệ thường phải dựa vào các khoản vay được gia hạn trước khi thu về lợi nhuận. Ngay cả những công ty Big Tech cũng phải dựa vào nguồn vốn vay mới có thể trang trải các khoản chi tiêu của họ.

Bất chấp việc Fed đánh tín hiệu về các đợt giảm lãi suất trong năm nay, nhiều công ty trên khắp nền kinh tế Mỹ vẫn cần phải ứng phó với môi trường chi phí vay cao hơn trong tương lai gần, khiến cho người lao động của họ dễ mất việc.

“Đây sẽ là mối đe dọa treo lơ lửng trên thị trường việc làm”, Kayes nhận định. Tuy nhiên, ông cho rằng không nên thổi phồng rủi ro này. “Những đợt cắt giảm gần đây là rất nhỏ”.

Theo ABC News