Nhiều tài năng thể thao, trong đó có danh thủ bóng đá Quang Hải, trong lễ khai giảng chương trình đào tạo quản trị kinh doanh do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. |
Mới đây, Ban Kinh tế Trung ương đã có công văn số 521-CV/BKTTW trả lời Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE) để nhất trí với đề xuất trên. Theo đó, Ban Kinh tế Trung ương sẽ chỉ đạo và chủ trì tổ chức hội thảo "Kinh tế Thể thao tại Việt Nam - Thực trạng và Triển vọng".
Ngày 8/7/2021, VAYSE cùng các đối tác là Hội Khoa học Thể dục Thể thao Việt Nam (VASS) và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB-VNU) đã có cuộc họp trực tuyến để bàn về công tác chuẩn bị hội thảo này.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Tổng thư ký VAYSE, cho biết, bên cạnh báo cáo không thể thiếu của Ban Tuyên giáo Trung ương để tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020, ban tổ chức sẽ “đặt hàng” một chuyên gia uy tín một báo cáo toàn cảnh về kinh tế thể thao tại Việt Nam trong những năm vừa qua trên mọi phương diện cần bàn đến.
Hội thảo cũng dự kiến thu thập ít nhất 30 báo cáo của các liên đoàn, hiệp hội thể thao, các doanh nghiệp đã đầu tư và kinh doanh thể thao, các trường đại học đã và sẽ tham gia đào tạo về kinh tế thể thao, và cả những báo cáo về thị trường sản xuất kinh doanh trang thiết bị thể thao, thị trường quảng cáo liên quan đến thể thao, yếu tố pháp lý cho cá độ thể thao…
Trong những năm qua, có rất nhiều cơ quan báo chí đã tham gia tổ chức các giải thi đấu thể thao trong nhiều lĩnh vực, bởi vậy cũng được mời đưa ra báo cáo tại hội thảo này. Như vậy, công tác truyền thông cho hội thảo cũng được đảm bảo.
Hàng năm, Đài Truyền hình Việt Nam vẫn tổ chức Giải Bóng chuyền nữ Quốc tế |
Đồng hành cùng VAYSE trong công tác tổ chức sự kiện này, GS. TS Lê Quý Phượng - Chủ tịch VASS - khẳng định, không chỉ dừng lại ở chủ trương xã hội hoá thể thao, kinh tế thể thao cũng cần phải là một định hướng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và có đóng góp xứng đáng vào GDP của đất nước.
Riêng về yếu tố nguồn nhân lực cho kinh tế thể thao, hiện mới chỉ có 2 trường đại học và UEB-VNU và Đại học Hoa Sen là chính thức tham gia đào tạo kể từ năm học 2021 – 2022, còn Đại học Thể dục Thể thao TPHCM cũng đang xúc tiến việc này để sớm được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh sau đại học.
Là trường đại học đã bắt tay vào đào tạo quản trị kinh doanh cho các tài năng thể thao, PGS. TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng UEB-VNU - cho biết, ngoài việc tham gia báo cáo về những việc đã làm của mình, trường rất vinh dự và sẽ làm hết sức cho việc đăng cai hội thảo “Kinh tế Thể thao tại Việt Nam – Thực trạng và triển vọng”.
Cuộc họp đã thống nhất là các bên sẽ chính thức cử ra những đại diện của mình để tham gia Ban tổ chức theo sự thống nhất chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương. Theo dự kiến, hội thảo sẽ được tổ chức theo hình thực trực tiếp kết hợp trực tuyến vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2021 với nguồn kinh phí được huy động từ các nhà tài trợ liên quan đến thể thao.