Lần đầu tiên bác sĩ Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật lồng ngực mới

VietTimes -- Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức công bố đã thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật lồng ngực mới là gây mê không đặt ống nội khí quản (tức là không cần thở máy) – kỹ thuật tiên tiến đang được áp dụng tại nhiều trung tâm trên thế giới.
Gây mê không đặt ống nội khí quản là phương pháp phẫu thuật tiên tiến đang được áp dụng trên thế giới.
Gây mê không đặt ống nội khí quản là phương pháp phẫu thuật tiên tiến đang được áp dụng trên thế giới.

Theo thông tin từ bác sĩ Đỗ Danh Quỳnh - Giám đốc Trung tâm Gây mê và hồi sức Ngoại khoa, và bác sĩ Nguyễn Hữu Ước Trưởng khoa Tim mạch và Lồng ngực, nhóm bác sĩ của bệnh viện đã kết hợp kỹ thuật mới với kỹ thuật phẫu thuật nội soi lồng ngực 1 lỗ để điều trị cho một nữ bệnh nhân 71 tuổi, mắc bệnh u phổi giai đoạn sớm (nốt phổi).

Bệnh nhân phẫu thuật bằng phương pháp gây mê không cần thở máy
Bệnh nhân phẫu thuật bằng phương pháp gây mê không cần thở máy

Kết quả, ngay sau mổ 5 phút, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn và nói chuyện được. Những ngày tiếp theo, diễn biến của bệnh nhân rất thuận lợi và đã được xuất viện chỉ 4 ngày sau mổ.

Được biết, u phổi là bệnh có xu hướng gặp ngày càng nhiều ở Việt Nam, trong đó có nhiều trường hợp được chẩn đoán khá sớm khi khối u còn rất nhỏ. Để điều trị u phổi, các bác sĩ chủ yếu sử dụng phương pháp cắt phổi. Theo kinh điển, cắt phổi là phẫu thuật lớn, phải gây mê sâu khá phức tạp, sau mổ người bệnh phải chịu chi phí cao, di chứng nặng nề.

Đó là lý do các bác sĩ áp dụng phương pháp phẫu thuật lồng ngực mới, kết hợp phẫu thuật nội soi lồng ngực qua một lỗ mở ngực nhỏ duy nhất. Hai kỹ thuật này có ưu thế giảm chi phí điều trị, giảm thời gian nằm viện, hạn chế các biến chứng do gây mê và thông khí một phổi, ít gây đau đớn và sang chấn cho bệnh nhân.

Gây mê không đặt ống nội khí quản là phương pháp phẫu thuật tiên tiến đang được áp dụng tại một số trung tâm lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật mới này. Trong tương lai, các bác sĩ bệnh viện sẽ dần ứng dụng kỹ thuật mới cho nhiều nhóm phẫu thuật lồng ngực ít xâm lấn khác nhau, để người bệnh được hưởng lợi từ thành tựu y học này.