Làm gì để giảm thiểu vấn nạn sao chép luận văn, luận án?

VietTimes -- Nhiều năm gần đây, vấn nạn  sao chép luận văn, luận án đang là nỗi bức xúc rất lớn. Và vấn nạn này không chỉ tồn tại với giới sinh viên mà ngay cả với những người làm thạc sĩ, tiến sĩ. Làm gì để kiểm soát được vấn nạn này đang là việc mà các nhà trường phải có biện pháp cụ thể. 
Vấn nạn sao chép luận văn đang tồn tại không chỉ riêng với sinh viên. ảnh: Thể thao & Văn hóa
Vấn nạn sao chép luận văn đang tồn tại không chỉ riêng với sinh viên. ảnh: Thể thao & Văn hóa

Theo ông Phạm Văn Vu – Tổng thư ký Hội Thông tin Khoa học Công nghệ Việt Nam thì chúng ta không nên cấm và cũng không thể cấm sinh viên lấy tư liệu cho mình từ các luận văn cũ, nhất là các luận văn tốt nghiệp của sinh viên hoàn toàn không phải tài liệu mật. Vấn đề cần làm theo ông Vu là phải giáo dục về sở hữu trí tuệ cho sinh viên để các em biết tôn trọng những nghiên cứu trước đó và nếu có trích dẫn thì phải ghi rõ nguồn. Quan trọng hơn với sinh viên là thông tin từ các nguồn được khai thác phải trở thành kiến thức và sáng tạo mới.

Ở góc độ của người trong cuộc từng bị sao chép luận án, một tiến sĩ cho rằng việc cần làm là đưa tất cả các nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án lên mạng. Việc này vừa nhằm phổ biến kiến thức khoa học, vừa là động lực để cho các nhà nghiên cứu không dám sao chép. Thứ hai là nên sử dụng phần mềm chống đạo văn. Khi đó, các nhà nghiên cứu buộc phải nộp file mềm các công trình nghiên cứu khoa học, các luận văn, luận án để chạy chương trình cho ra kết quả. Thứ ba, cần có các biện pháp nghiêm minh đối với những trường hợp đạo văn. Theo đó, không chỉ xử lý người đạo văn mà cả những người chấm cũng phải chịu trách nhiệm nếu họ cho thông qua.

Tuy nhiên, cũng phải tìm nguyên nhân cho rõ ràng về vấn nạn sao chép luận văn do đâu mà có? Hẳn rằng, nếu sinh viên làm tốt nghiệp với một danh sách đề tài có sẵn được nhà trường khuyến cáo lựa chọn thì cách làm tốt nhất là tìm kiếm các luận văn cũ về đề tài đó. Khi đó, nếu những người hướng dẫn làm việc một cách có trách nhiệm thì chưa cần có phần mềm để kiểm tra cũng biết ngay xem sinh viên có sao chép luận văn hay không. Theo TS Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo, cứ mỗi năm qua đi thì rất nhiều vấn đề mới lại nảy sinh xung quanh một đề tài cũ. Vì thế, nhiệm vụ của cả thầy và trò là làm sao trong những luận văn mới phải thể hiện được điều đó bên cạnh việc cập nhật các tri thức tiếp thu được từ những luận văn cũ. TS Quách Tuấn Ngọc còn cho rằng, nếu luận văn của các thế hệ sinh viên tiếp sau có được 20 – 30% tri thức mới thì cũng là thành quả đáng ghi nhận rồi. Vấn đề ở đây theo ông là đội ngũ những người thầy phải làm việc thật sự trách nhiệm với các học trò do họ hướng dẫn và công luận không nên chỉ tập trung phê phán sinh viên.