Kỳ thi chỉ diễn ra một lần trong năm nhưng lại nhằm đạt cùng một lúc hai mục tiêu hết sức quan trọng trong đời học sinh phổ thông này được gọi vắn tắt là kỳ thi “2 trong 1”.
Đây là một thay đổi mang tính bước ngoặt, vì vậy kỳ thi này thu hút được sự chú ý đặc biệt hơn mọi năm và được gửi gắm biết bao kỳ vọng.
Học sinh mừng thấy mình tăng thêm cơ hội vào đại học vì vừa có thêm thời gian ôn tập trung vào những môn sẽ thi đại học vừa có nhiều cơ hội được xét tuyển sau chỉ một lần thi.
Gia đình mừng vì bớt phải đưa con đi lại xa để lần lượt dự thi ba kỳ thi ĐH, CĐ sau khi thi xong THPT, đỡ tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian như mọi năm.
Xã hội mừng vì bớt căng thẳng về giao thông, chỗ trọ, tiết kiệm chi phí đáng kể. Nhưng điều mà người dân mừng hơn cả là thấy nỗ lực đổi mới thi cử của ngành giáo dục, mặc dù có thể phải đối diện với biết bao vấn đề cam go phải vượt qua về mặt tâm lý, thói quen, kỹ thuật ra đề, nhân sự và tổ chức phối hợp…
Tuy nhiên để kỳ thi diễn ra suôn sẻ, đáp ứng được trọn vẹn kỳ vọng của xã hội, rất mong các hội đồng thi làm việc nghiêm túc, đúng quy chế. Các giám thị đừng mang tâm lý coi “thí sinh cũng là con cháu mình” hay sợ bị trả thù mà lơ là nhiệm vụ, nhắm mắt làm ngơ.
Tính nghiêm túc trong coi thi luôn quyết định tính trung thực và khách quan mà mỗi kỳ thi cần phải đạt được.
Các lực lượng thanh tra, bảo vệ trong và ngoài hội đồng thi cũng cần tích cực thực thi nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp, không nể nang bất cứ hiện tượng vi phạm nào.
Tất nhiên, công tác chấm thi của các hội đồng chấm thi cũng phải đảm bảo diễn ra nghiêm túc, khách quan, sát biểu điểm, trân trọng những thí sinh có cách lập luận, lý giải sáng tạo, độc đáo, phát hiện và xử lý các biểu hiện gian lận trong phòng thi cũng như nâng điểm trong học bạ của những trường chạy theo thành tích.
Cuối cùng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo chặt chẽ công tác hậu kỳ thi. Do kết quả văn hóa lớp 12 được dùng để xét tốt nghiệp và nhiều trường ĐH, CĐ dùng kết quả ấy, kể cả hạnh kiểm cùng học bạ ba năm để xét tuyển sinh nên mối lo lắng của xã hội về tình trạng “chạy điểm” để có học bạ “đẹp”, có hạnh kiểm tốt cho học sinh ở một số trường chạy theo thành tích là hoàn toàn có cơ sở.
Nỗ lực của cả ngành sẽ được đền đáp xứng đáng khi mỗi hiện tượng tiêu cực sẽ được phanh phui đến nơi đến chốn, xác định được người chịu trách nhiệm rõ ràng để vàng thau không còn lẫn lộn. Hi vọng sẽ không còn hiện tượng lãnh đạo bộ “biết chuyện” nhưng “để đó” vì nể nang địa phương hay lý do tế nhị nào khác.
Với sự chuẩn bị công phu của ngành, sự đồng thuận mà xã hội đang có thì chỉ cần Bộ GD-ĐT nghiêm minh là kỳ thi sẽ thành công. “Đầu xuôi đuôi lọt”, thắng lợi của kỳ thi 2 trong 1 này sẽ mở đầu cho thắng lợi của những đổi mới sâu sắc hơn, cơ bản hơn mà xã hội đang chờ ở ngành giáo dục.
Theo: Tuổi Trẻ