Kỹ năng mềm: Biết lắng nghe - 5 cách để chạm đến trái tim của mọi người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trở thành một người biết lắng nghe là một kỹ năng quan trọng cần phải học để chạm đến trái tim của người đối thoại.

Kỹ năng mềm: Biết lắng nghe - 5 cách để chạm đến trái tim của mọi người

Diễn thuyết là một trong những kỹ năng quan trọng của mọi người, nhất là những người phải giao tiếp với đa dạng đối tượng từ sếp, bạn bè cho đến khách hàng. Đồng thời có người nói thì phải có người nghe, do đó trở thành một người biết lắng nghe cũng là một kỹ năng quan trọng khác cần phải học để chạm đến trái tim người đối thoại.

Trở thành một người biết lắng nghe có thể khó hơn bạn nghĩ. Nhưng nó không quá khó để học. Các nhà khoa học nhận thấy khi một người biết lắng nghe, đó là tiền đề cho mối quan hệ tiếp tục tiến triển, phát triển thế giới quan và có thể chạm đến trái tim của người đối thoại nếu bạn biết làm theo 5 cách sau:

1. Loại bỏ những yếu tố gây xao nhãng bên ngoài

Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện, đừng quên loại bỏ những yếu tố gây xao nhãng. Bạn hãy cất điện thoại di động, tắt tivi, tắt nhạc, tháo tai nghe... Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu khi nói chuyện với người khác mà bạn chỉ nhìn vào điện thoại di động có thể khiến người đối diện cảm thấy mất đi sự kết nối với bạn.

2. Quan tâm chân thành

Trọng tâm của các cuộc trò chuyện trực tiếp là quan tâm thực sự đến người đối thoại, làm cho người đối thoại cảm thấy bạn hiểu những gì họ nói và thể hiện thiện chí với người đối thoại. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn tỏ vẻ chăm chú hoặc gật đầu một cách thờ ơ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng thậm chí mỉm cười và gật đầu khi lắng nghe cũng không có nhiều tác dụng.

Bạn phải thể hiện cho người đối thoại thấy bạn đang thực sự lắng nghe họ. Ngoài việc nhìn vào họ, gật đầu, bạn nên đặt những câu hỏi và sử dụng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện mong muốn thấu hiểu điều mà người đối diện muốn truyền đạt.

3. Tránh sự gián đoạn

Khi bắt đầu một cuộc trò chuyện, điều quan trọng là cố gắng không ngắt lời người khác đang nói. Bạn muốn nói hoặc hỏi bất cứ điều gì thì cũng nên đợi người ta nói xong hoặc tạm dừng. Đặt những câu hỏi mở, hữu ích cho người đối thoại, hoặc các câu hỏi có tính chất tiếp nối như "mọi chuyện thế nào rồi?" hoặc "bạn cảm thấy thế nào?". Hãy lắng nghe những gì người đối thoại nói và giúp họ đi sâu hơn vào chủ đề mà họ muốn truyền đạt.

4. Tạm dừng một khoảnh khắc để suy xét

Đừng sợ sự im lặng. Đôi lúc bạn cần dành thời gian để suy nghĩ về những gì bạn đang nghe, hoặc suy nghĩ về một câu trả lời cho một câu hỏi. Đó không phải là một quyết định tồi. Việc tạm dừng trong vài giây sẽ cho chúng ta thời gian để suy nghĩ, đồng thời giúp người đối diện xem lại những gì mình đã nói.

5. Tóm tắt những gì bạn nghe được

Một cách tuyệt vời khác để thể hiện sự quan tâm và hiểu biết chân thành là tóm tắt lại những gì bạn đã nghe và hỏi người đối diện "Liệu tôi đã bỏ lỡ chuyện gì không?" Điều đó thể hiện bạn đã lắng nghe và đã quan tâm đến câu chuyện của người đối thoại. Nếu trong lúc nói chuyện mà vô tình nghĩ sang chuyện khác, bạn không nghe được hoặc không hiểu được thông điệp người đối thoại thì việc hỏi lại như vậy cũng để làm rõ câu chuyện.

Trên đây là 5 cách nhỏ nhưng quan trọng để tạo ra sự chân thành trong cuộc nói chuyện của bạn. Khi người nói cảm thấy ai đó thực sự lắng nghe mình, họ sẽ cảm thấy hài lòng và làm cho mối quan hệ trở nên gần gũi hơn, đặc biệt tại nơi làm việc. Người lắng nghe (là bạn) cũng cảm thấy lạc quan hơn.

Nghiên cứu từ các nhà tâm lý học cũng phát hiện ra rằng biết lắng nghe có thể khiến mọi người cởi mở hơn. Nó tạo ra một không gian không có sự phán xét và tạo cảm giác an toàn. Lắng nghe chân thành có thể không nhằm mục đích thay đổi suy nghĩ của bất kỳ ai. Các cuộc thảo luận có thể có ý kiến trái chiều - đó là điều bình thường. Nhưng lắng nghe có thể dẫn đến những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn. Một số câu chuyện có thể tạo ra những ý kiến khác nhau nhưng có thể nói chuyện và trao đổi một cách trung thực.