'Kỳ lân' thoái trào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các 'kỳ lân' công nghệ từng chứng kiến sự bùng nổ đáng kinh ngạc trong gần 1 thập kỷ. Khi 'tiền rẻ' không còn, một nửa trong số chúng được tin rằng sẽ biến mất.

9 năm trước, Aileen Lee – nhà sáng lập Cowboy Ventures, lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ 'kỳ lân' để mô tả các công ty trước khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được các nhà đầu tư mạo hiểm định giá trên 1 tỉ USD.

Khi ấy, Lee đã liệt kê được 39 'kỳ lân'. Trong đó, có thể kể đến một số cái tên nổi bật như: Facebook (nay đổi tên thành Meta Platforms); LinkedIn; Twitter; ServiceNow; Groupon; Splunk và Palantir Technologies.

Kể từ đó, 'kỳ lân' đã sinh sôi nảy nở. Theo dữ liệu từ CB Insights, tính đến cuối tháng 11/2022, có tới 1.203 'kỳ lân' trên toàn thế giới (bao gồm cả các công ty tiền điện tử đã phá sản là FTX và BlockFi). Trong đó, có 3 'kỳ lân' được định giá trên 100 tỉ USD và 55 'kỳ lân' được định giá trên 10 tỉ USD.

Mặt bằng lãi suất tăng và các đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ đang loại bỏ dần các 'kỳ lân'. Một số đã phá sản, trong khi số khác đang hấp hối, theo Barron's.

Top 10 'kỳ lân' được định giá cao nhất thế giới (Nguồn: CB Insights)

Top 10 'kỳ lân' được định giá cao nhất thế giới (Nguồn: CB Insights)

Việc định giá các 'kỳ lân' không giống như việc định giá các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Bởi lẽ, các kết quả định giá thường không được công bố công khai.

CB Insights mới đây đã thực hiện cuộc thăm dò với 2.000 nhà đầu tư mạo hiểm với chủ đề: Có bao nhiêu trong số 1.200 'kỳ lân' vẫn xứng đáng với danh hiệu này (?).

Kết quả cho thấy, 1/3 số người được hỏi nói rằng chưa tới 1/4 số công ty trong danh sách thực sự đáng giá trên 1 tỉ USD. Trong khi đó, chỉ có 1/5 số người được hỏi cho rằng ít nhất 75% các công ty trong danh sách vẫn xứng đáng với danh hiệu 'kỳ lân'.

Dữ liệu của Forge Global – công ty điều hành thị trường giao dịch cổ phiếu thứ cấp đối với các công ty (được quỹ đầu tư mạo hiểm hậu thuẫn) chưa đại chúng – phần nào cho thấy mức định giá của các 'kỳ lân' đang suy giảm

Kelly Rodriques – CEO Forge Global – cho biết, trong 2 tháng đầu tiên của quý 4/2022, giao dịch bình quân trên nền tảng này đã được thực hiện với mức chiết khấu tới 50% so với vòng gây quỹ gần nhất. Đồng nghĩa, các 'kỳ lân' được định giá 1 tỉ USD có thể chỉ thực sự đáng giá 500 triệu USD.

Rodriques cũng nói rằng số lượng người bán trên nền tảng của Forge Global tiếp tục nhiều hơn số người mua quan tâm, thêm rằng, ông vẫn chưa nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy mức định giá đã chạm đáy.

Brian Lee – trưởng bộ phận nghiên cứu của CB Insights - chỉ ra rằng, sự bùng nổ của đầu tư mạo hiểm (VC) diễn ra vào năm 2021, khi các nhà đầu tư lo sợ việc bỏ lỡ một số công nghệ tuyệt vời nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và tiền mã hóa.

Lee cũng dự báo sẽ ngày càng có nhiều 'unicorn zombies' (tạm dịch: kỳ lân thây ma) – ám chỉ những 'kỳ lân' đang cạn tiền, không có tiềm năng sinh lời rõ ràng và ít có cơ hội huy động thêm tiền mặt từ đại chúng và các quỹ đầu tư tư nhân.

Chia sẻ quan điểm trên blog cá nhân, Doug Clinton – nhà đồng sáng lập Loup Ventures, cho rằng, một nửa số 'kỳ lân' hiện hữu có thể sẽ biến mất.

Clinton nhận thấy, giới đầu tư đang quan tâm hơn bao giờ hết về triển vọng lợi nhuận thay vì chỉ đơn giản là 'đốt tiền' để đổi lấy tăng trưởng. "Rất nhiều công nghệ đã được thổi phồng nhưng chưa đột phá theo một cách có ý nghĩa (kể như metaverse, Web3 và xe tự hành)", Clinton nói./.

Theo Barron's