Ngòi nổ
Năm 1978, sau hàng loạt sáng kiến cải cách, "nhổ rễ chế độ phong kiến" dưới sự điều hành của Tổng thống Taraki thì xã hội Afghanistan đạt được một số thay đổi tích cực. Tuy nhiên, do cưỡng chế quá mức nên xảy ra phản kháng. Điển hình là cuộc nổi dậy của các bộ lạc Nuristani, tại thung lũng Kunar đã lan tới các bộ nhóm sắc tộc khác, gồm cả cộng đồng đa số người Pashtun. Đến mùa xuân năm 1979, 24/28 tỉnh của Afghanistan bùng phát bạo lực, quân nổi dậy bắt đầu chiếm các thành phố. Tháng 3/1979, trong cuộc binh biến tại Herat, quân lính Afghanistan dưới sự chỉ huy của Ismail Khan đã giết hại gần 100 cố vấn Liên Xô.
Tổng thống Amin (người ngồi trước micro) đã trở thành nạn nhân trong cuộc chơi địa chính trị giữa Mỹ-Xô những năm chiến tranh Lạnh.
|
Để bảo vệ chính quyền cách mạng, Liên bang Xô Viết đã cung cấp viện trợ cho Afghanistan. Sau cuộc đảo chính lật đổ và giết hại Taraki vào tháng 9 (người đã trở về từ Moscow trước đó không lâu sau các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Brejnev), Hafizullah Anmin, một người từng học ở Mỹ về đã lên nắm quyền tổng thống tại Afghanistan. Anmin ra lệnh chôn sống những người ủng hộ Taraki trong hố đổ đầy clorua canxi, đồng thời lùa người ta lên máy bay đưa tới đỉnh Ginducusa rồi mở khoang bụng máy bay và gọi đó là “đổ bộ". Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là Anmin công khai yêu cầu Liên Xô rút ngay các cố vấn quân sự về nước.
Theo các tài liệu của KGB và GRU (Cơ quan tình báo quân đội Liên Xô) công bố, cùng lúc này họ đã thu được tin và phân tích cho thấy: Mỹ muốn sử dụng lãnh thổ Afghanistan (giáp phía Nam Liên Xô) để vô hiệu hóa các mối đe dọa. KGB đã bắt được một bức điện mật mã của người Mỹ với nội dung chính là "Chính quyền Xô Viết không hào hứng nhưng hiểu rằng họ đành phải ủng hộ con người độc ác và đầy tham vọng Anmin”. Còn tướng Drozlov, lúc ấy cũng là lãnh đạo một cơ quan thuộc KGB thì khẳng định: "Việc Mỹ đứng chân tại Afghanistan tạo điều kiện cho nước này tiến sát đến khu mỏ có giá nhất của thế giới là Tazikistan - nơi có tất cả các nguyên tố trong bảng tuần hoàn Mendeleev. Chính vì vậy mà Liên Xô phải bảo vệ các đường biên giới phía Nam của mình, bảo vệ các các nguồn năng lượng trong tương lai và các tài nguyên thiên nhiên khác của dãy Pamir".
Nguy hiểm hơn nữa khi Tổ điệp báo của KGB tại Kabul thường xuyên gửi tin về Hafizullah Amin: Nhân vật này có thể trốn khỏi Afghanistan ngay sau khi đã tiêu diệt xong Đảng (Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan được Liên Xô hậu thuẫn); hình như Anmin đang chuyển tiền vào các tài khoản nước ngoài và gửi các tài sản quý sang Tokyo... Những điều này khiến cho niềm tin của Liên Xô vào Tổng thống Amin ngày càng giảm sút. Liên Xô xem Anmin ngày càng trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với số phận cách mạng Afghanistan. Hơn nữa, vào thời điểm này, tin B.Amstutz, đại diện lâm thời của Mỹ tại Afghanistan thường xuyên đến gặp Tổng thống Afghanistan được chuyển ngay về Moscow. Việc này đã làm cho “quyết định” và quyết tâm của Liên Xô ngày càng rõ ràng hơn.
Cung điện Tajbeg nơi diễn ra cuộc đột kích của Spetsnaz ám sát thành công Tổng thống Amin của Afghanistan vào năm 1979. |
Từ đây, một ủy ban đặc biệt về Afghanistan được thành lập gồm Chủ tịch KGB Yuri Vladimirovich Andropov, Ủy viên Trung ương Đảng Ponomaryev và Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitriy Fyodorovich Ustinov. Bộ Chính trị Liên Xô vẫn cho chuẩn bị các biện pháp quân sự. Từ ngày 5 đến 7/7/1979, một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 111 của Sư đoàn cận vệ đổ bộ đường không đã được điều đến Bagram. Cùng thời điểm đó, các nhóm đặc nhiệm của KGB cũng đã có mặt tại Kabul. Lúc này đội đặc nhiệm "Zenit" mà chủ yếu là các thành viên của Đội “A” cũng được điều sang Afghanistan. Chỉ huy đội là Phó tiến sĩ khoa học quân sự, phó giáo sư, đại tá Boiarinov Grigori Ivanovich.
Anmin - mục tiêu chính
Chiến dịch tấn công vào Afghanistan mang mật danh "Storm-333" chính thức được khởi động. Mục tiêu chính của chiến dịch là loại bỏ Tổng thống Anmin. Để chuẩn bị cho chiến dịch này, một nhóm điệp viên KGB của Liên Xô đã được điều động đến Thủ đô Kabul của Afghanistan để nghiên cứu tình hình. Họ khoác áo các nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Liên Xô ở Kabul cũng như các cơ quan ngoại giao khác.
Địa điểm mà Anmin ở là tòa dinh thự 3 tầng được gọi là một pháo đài kiến trúc theo phong cách phương Đông. Nó được bao bọc bởi những bức tường dày có khả năng đứng vững trước hỏa lực của những loại vũ khí hiện đại nhất. Pháo đài được xây dựng nằm trên điểm cao, kiểm soát và khống chế tất cả các hướng, rất khó tiếp cận mà không bị phát hiện. Cổng vào pháo đài là một con đường núi ngoằn ngoèo ở trong tầm quan sát liên tục của đối phương. Pháo đài có hệ thống lực lượng cận vệ quốc gia với những quân nhân được tuyển chọn đặc biệt và huấn luyện chu đáo. Pháo đài được phòng thủ hết sức chặt chẽ, gồm những chiếc xe tăng, hai tiểu đoàn bộ binh, một trung đoàn hiến binh đóng quân ngay bên cạnh...
Theo kế hoạch, Đội “A” được phân tán vào 2 đội có tên là Đội "Grom" và “Zenit". 2 lực lượng này chia làm nhiềm mũi và cùng với “Tiểu đoàn hồi giáo” đồng loạt tấn công vào các vị trí của pháo đài gồm: Bộ Nội vụ, Sở chỉ huy không quân, Dinh tổng thống - lâu đài Dar-ur-aman, Sở chỉ huy không quân, Trạm gác trung đoàn hiến binh...
Ngày 27/12/1979, cuộc chiến ở Afghanistan bắt đầu. Mọi chuyện bắt đầu từ việc phá nổ “hầm” thông tin liên lạc. Sau này, Boris Plexcunov, đội viên đội “Zenit" kể lại: Anh được giao chỉ huy 11 người tấn công “hầm" thông tin, nằm ở quảng trường, gần Sở Điện báo và một trạm gác của Bộ Nội vụ, bên kia là nhà băng, khách sạn, rạp chiếu phim. Tổ của Boris Plexcunov đã tiếp cận mục tiêu bằng ô tô, sau đó cho người biết tiếng địa phương đến nói chuyện và đánh lạc hướng lính gác. Những tổ viên còn lại có nhiệm vụ cậy nắp hầm thông tin và thả thủ pháovà hẹn giờ 15 phút sau phát nổ. Đúng 19h15 ngày 27/12/1979, một tiếng nổ lớn vang lên. Toàn bộ hệ thống liên lạc trong Cabul bị cắt. Hiệu lệnh tấn công bắt đầu.
Tuy nhiên, trước đó, để đạt được mục tiêu đề ra, Liên Xô đã tiến hành một loạt các hoạt động hết sức bí mật, trong đó có việc KGB đưa Babrac Carmal đã từ Tiệp Khắc trở về được Cabul.
Một nhóm Spetsnaz của Liên Xô đang ém quân tại một vị trí bí mật trước giờ G. |
Tháng 12/1979, Liên Xô và KGB quyết định đưa Babrac Carmal, khi đó là Đại sứ Afghanistan từ năm 1976 tại Tiệp Khắc trở về Cabul. Carmal là bạn chiến đấu của Taraki, một trong những người sáng lập Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan, là Bí thư Trung ương Đảng. Taraki đã bị đảo chính và bị Tổng thống Amin đương nhiệm của Afghanistan thủ tiêu. Mục đích của Liên Xô đưa Babrac Carmal về nước là để lãnh đạo cách mạng, lật đổ sự lãnh đạo độc tài của Amin và xây dựng chính quyền. Tuy nhiên, đến nay, câu chuyện trở về Cabul của Babrac Carmal vẫn là bí mật. Mặc dù sau này ông ta từng tiết lộ với báo chí rằng, ông ta về không thể đi qua đường Pakistan hay Iran được. Chỉ có một con đường duy nhất: Qua Moxcva và Taskent. Còn bay như thế nào và bằng máy bay gì là những chi tiết không muốn công bố. Tuy nhiên, sau này, qua các tài liệu của KGB được giải mã thì Babrac Carmal được các thành viên Đội “A” bảo vệ và đưa về Cabul.
Tháng 12/1979, 6 chiến sĩ đội đặc nhiệm "A” do Valentin Ivanovich Sergin chỉ huy bị lệnh báo động dựng dậy và lao lên xe bus đến tòa nhà trụ sở Tổng cục I KGB mà chưa biết nhiệm vụ là gì.
Khi chiếc xe bus đến bãi đỗ đã có ba chiếc "Volga" đen đứng chờ. Lập tức có hai người mặc thường phục bước xuống xe đi về phía chiếc xe bus, Sergin nhảy xuống báo cáo trình diện. Có lệnh "Vào xe!". Các Chiến sĩ đội "A" ngồi vào vị trí. Những chiếc “Volga” lao vụt đi, nhưng không biết đến đâu. Xe nhạy vòng vèo chừng nửa tiếng rồi rúc đầu vào một chiếc cổng của một biệt thự. Tại đây, đại diện ban lãnh đạo Tổng cục I xuất hiện và giao nhiệm vụ ngắn gọn: Đội “A” có nhiệm vụ bảo vệ nhân vật tầng cỡ cả đêm lẫn ngày, giữ gìn cẩn thận như con ngươi của mắt mình. Người được bảo vệ ấy chính là Babrac Carmal.
Sau hai ngày ở trong biệt thự của Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng cộng sản Uzbekistan Rasidov, Đội “A” đưa Babrac Carmal vượt qua biên giới Liên Xô - Afghanistan trên rặng núi Ginducusa và dừng ở Bagram, trong một căn hầm thuộc đất Afghanistan.
Ngày 14/12/1979, sau tín hiệu báo động, một chiếc máy bay vận tải không phù hiệu đỗ gần sát căn hầm. Các chiến sĩ đặc nhiệm vội vã kèm Babrac Carmal lên máy bay. Máy bay cất cánh rời khỏi vị trí và đến Taskent sau vài giờ đồng hồ. Ngày 23/12, đội đặc nhiệm tháp tùng Babrac đến Bagram. Tại đây, họ sống trong những căn hầm và chia sẻ từng mẩu bánh mì, từng hộp thịt dự trữ mang từ Moxcva và Taskent. Chiều tối ngày 27/12, các đặc nhiệm đội “A” tiêp tục tháp tùng Babrac và những người thân tín về Cabul bằng xe bọc thép có sự yểm trợ của 3 chiếc xe tăng. Sau chiến dịch tuyệt mật Storm-333, khi đã tiêu diệt được Anmin, Babrac Carmal trở thành Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng dân chủ nhân dân Afghanistan, Chủ tịch Hội đồng Cách mạng, Thủ tướng và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nước Cộng hòa dân chủ Afghanistan. Tại đây, 11 người Đội “A” đã bảo vệ Babrae trong nhiều ngày tháng. Họ sẵn sàng che chắn cho Babrac trong những hoàn cảnh khẩn cấp.