Kỳ 1:
Mục tiêu là khống chế toàn bộ các chuỗi đảo
Chiến lược biển của Trung Quốc đặt mục tiêu biến Trung Quốc thành cường quốc biển thực thụ có khả năng tranh chấp và làm chủ các vùng biển xa, tiến tới mục tiêu siêu cường thế giới vào năm 2050. Theo đó, Trung Quốc độc chiếm Biển Đông; “chia đôi” Thái Bình Dương với Mỹ; tranh giành ảnh hưởng và sức mạnh ở Ấn Độ Dương với Mỹ, Ấn Độ và các nước khác.
Hiện thực hóa chiến lược này, Trung Quốc chủ trương xây dựng một lực lượng hải quân mạnh - Hải quân viễn dương (còn gọi là Hải quân biển xanh) có khả năng khống chế toàn bộ 3 chuỗi đảo trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc và các nước láng giềng để tăng cường sức mạnh biển của Trung Quốc và kiềm chế các nước láng giềng. Chuỗi đảo thứ nhất đã có hạt nhân là Đài Loan; chuỗi đảo thứ hai mở rộng từ Nhật Bản tới Indonesia; chuỗi đảo thứ ba tràn xuống Ấn Độ Dương, đặc biệt là các vùng biển xung quanh quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ.
Diễn đạt một cách khác, Hải quân Trung Quốc trong tương lai phải có khả năng tiếp cận, khống chế một Đại vòng cung bắt đầu từ khu vực cực Đông của Nga (mũi Kamchatka) qua quần đảo Kuriles (hiện Nga quản lí, Nhật Bản đang “đòi”), qua Nhật Bản, quần đảo Ryukyus của Nhật, Đài Loan; tiếp, vòng ra sau “lưng” Philippines, ôm lấy các đảo, quần đảo Guam, Marianas mà Mỹ đang quản lí; quẹo lên quần đảo Palawen ở Tây Nam Philippines, tràn qua “mặt tiền” của Malaysia và Indonesia; và cuối cùng vòng xuống eo biển Malacca đến vịnh Bengal.
Như vậy, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nằm trong phạm vi “chuỗi đảo thứ hai”.
Để có được một lực lượng hải quân viễn dương mạnh, Trung Quốc chủ trương trước hết phát triển hạm đội tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân. Trung Quốc cho rằng, hoạt động của hải quân hiện đại không thể tách rời sự yểm trợ từ trên không và hộ tống dưới mặt nước, nên tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân đã trở thành trọng điểm xây dựng của Hải quân Trung Quốc hướng tới biển xa.
Trên thực tế, tàu sân bay Liêu Ninh mà Trung Quốc đưa vào sử dụng năm 2011 không đơn giản chỉ là trang bị của Hải quân, mà còn trở thành thành phần chủ lực trong lực lượng chiến lược của Trung Quốc. Nó được kỳ vọng sẽ phá vỡ giới hạn binh chủng, tập hợp sức mạnh chiến đấu của hải quân, lục quân, không quân thực hiện tác chiến lập thể, đồng thời có thể cơ động trên biển cách xa đất liền hàng vạn hải lí để phát huy sức mạnh chiến lược của quốc gia.
Ngoài chiếc Liêu Ninh đã đưa vào sử dụng, hiện Trung Quốc đã khởi công đóng hai tàu sân bay tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải và xưởng đóng tàu Đại Liên, hai tàu này có lượng giãn nước khoảng 60.000 – 65.000 tấn.
Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân là loại phương tiện chiến đấu ngầm dưới nước, có thể thực hiện hành trình dài ngày, xa hàng chục nghìn hải lí với tốc độ cao, không chỉ hình thành sự răn đe chiến lược có hiệu quả nhất, mà còn tạo sự bảo vệ chắc chắn, tin cậy cho tàu sân bay.
Hai là thúc đẩy phát triển một đội tàu cỡ lớn. Từ nhiều năm nay, được tăng kinh phí mua sắm, Hải quân Trung Quốc đã bước vào cao trào đóng mới tàu chưa từng có trong lịch sử. Điển hình như các tàu khu trục lớp “Trung Hoa Aegis” mới có lượng giãn nước gần 10.000 tấn, tàu hộ tống Type 054 có lượng giãn nước trên 4.000 tấn… Các loại tàu thiếu khả năng tác chiến viễn dương như tàu hộ tống, tàu trang bị tên lửa và tàu tuần tra cũ sẽ lần lượt loại khỏi biên chế Hải quân hoặc chuyển giao cho lực lượng Cảnh sát biển.
Ba là xây dựng lực lượng tác chiến trên biển cân bằng, hợp lý. Ngoài tàu chiến các cỡ, Trung Quốc sẽ chú trọng xây dựng lực lượng không quân hải quân và lực lượng cảnh sát biển với tư cách là lực lượng hải quân thứ hai.
Để thực hiện các chủ trương trên, trong khuôn khổ “Bảy dự án trọng điểm” phát triển tiềm lực quân sự đến năm 2020, Hải quân Trung Quốc được “chia phần” 2 dự án: Dự án tàu sân bay (dự án 48), đóng mới và đưa vào trang bị hai tàu sân bay có lượng giãn nước khoảng 60.000 – 65.000 tấn. Đồng thời, thực hiện một loạt dự án kèm theo (tàu hộ tống loại lớn, máy bay tiêm kích trên hạm J-15, trung tâm và căn cứ huấn luyện...) với chi phí khoảng 10 tỷ USD. Dự án phát triển tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa đạn đạo (SSBN) mới nhất 094 (lớp Kim), đồng thời đến năm 2025 đóng 5 chiếc loại 095 tiên tiến hơn. Trung Quốc dự kiến chi khoảng 500 triệu USD/năm cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển thuộc dự án này, chưa kể chi phí xây dựng căn cứ tàu ngầm và những vấn đề liên quan đến huấn luyện.
Ngoài 2 dự án trọng điểm nêu trên, Hải quân Trung Quốc còn một số dự án nghiên cứu chế tạo tàu ngầm chạy bằng diezel, tàu khu trục... và các loại vũ khí thông thường khác. Hải quân Trung Quốc cũng sẽ thay đổi triệt để kết cấu lực lượng gần bờ truyền thống, trở thành một lực lượng hoàn toàn mới, vừa là gần bờ vừa là biển xa.
Hạm đội Nam Hải Trung Quốc tập trận chiếm đảo trên Biển Đông cuối năm 2012.
|
Bốn là đầu tư nâng cấp Hạm đội Nam Hải. Trong nhiều năm, Hạm đội Nam Hải được dành sự ưu tiên ít nhất; đầu tư chủ yếu được dành cho Hạm đội Đông Hải. Nay thì Hạm đội Nam Hải đã trở thành một lực lượng quân sự trên biển lớn mạnh. Hạm đội đang được trao những sứ mệnh đa dạng hơn, quan trọng hơn với khu vực trách nhiệm ngày càng mở rộng, được trang bị ngày càng nhiều phương tiện hải quân mới nhất.
Từ 10 năm trước, 4 tàu khu trục Lữ Dương I và II cùng nhiều tàu fri-gát và tàu ngầm hiện đại đã được triển khai ra phía trước trong thành phần Hạm đội Nam Hải. Hạm đội Nam Hải cũng đã nhận những chiếc tàu ngầm mới lớp Thanh đầu tiên, loại tàu ngầm này có thể mang theo 6 tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 8.000 km. Tất cả những cuộc diễn tập trên biển của Hải quân Trung Quốc thời gian gần đây chủ yếu sử dụng tàu khu trục, tàu fri-gát và tàu hộ vệ của Hạm đội Nam Hải. Tình trạng Hạm đội Nam Hải mượn tàu của các hạm đội khác cho các hoạt động trên biển đã chấm dứt.
Năm là nâng cấp, mở rộng các căn cứ trên đảo Hải Nam, trước hết là căn cứ Du Lâm nằm ở mỏm phía Nam đảo được quân chiếm đóng Nhật Bản thiết lập trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ngày nay, căn cứ hải quân này đang trở thành một tổ hợp được mở rộng, nâng cấp cả cầu tàu và cơ sở hạ tầng, đủ sức phục vụ cho tàu sân bay Liêu Ninh cũng như hoạt động yểm trợ, hộ tống con tàu này.
Du Lâm cũng là nơi đóng quân của: Lữ tàu ngầm 33 (gồm 6 tàu lớp Romeo và 4 tàu lớp Minh); Lữ tàu khu trục; Tiểu đoàn tàu tuần tiễu – phóng lôi 22 (thuộc Lữ tuần tiễu – phóng lôi 11 đóng ở Trạm Giang); Lữ tàu tuần tiễu gồm Tiểu đoàn tuần tiễu 2, Tiểu đoàn chống ngầm 73 và Tiểu đoàn quét mìn... cùng một số đơn vị, lực lượng khác. Việc tăng cường các phương tiện có khả năng nhất tới Du Lâm và xây dựng các đường hầm vững chắc cho số tàu đó cho thấy sự chuẩn bị dài hơi cho 2 sư đoàn tàu khu trục và tàu ngầm dành cho những hoạt động của cụm tác chiến có tàu sân bay mở rộng.
Vịnh Nha Long đã trở thành một vị trí neo đậu của các tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển kiểu Aegis-052C hiện đại với hai cầu tàu lớn ở đầu phía Đông. Trên bờ vịnh, các cơ sở ngầm dưới mặt đất được gia cố vững chắc dành cho tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Tấn 904 và tàu ngầm lớp Thương 093 đầu tiên.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, việc lập căn cứ cho các phương tiện tầm cỡ như tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Tấn ở cửa ngõ Biển Đông hướng đến các vị trí phóng ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cùng với khả năng hộ tống các tuyến giao thông biển của tàu ngầm hạt nhân tiến công lớp Thương, là sự chấm dứt hoàn toàn tình trạng “gấu ngủ đông” của Hải quân Trung Quốc ở phía bắc khu vực Thanh Đảo trước đây.
Việc tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Nam Hải, cũng như việc nâng cấp, xây dựng các căn cứ phục vụ tàu sân bay và vị trí đóng quân cho những hạm tàu mới nhất và mạnh nhất của Hải quân Trung Quốc (tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển, tàu hạt nhân mang tên lửa đường đạn, tàu đốc đổ bộ và các tàu hậu cần tiếp tế..) đến phía Nam Hải Nam cho thấy, với diện tích 32.198 km2, đảo Hải Nam đã trở thành vị trí tiền tiêu của Hải quân Trung Quốc.
Như vậy, Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng lực lượng, tăng cường khả năng răn đe chiến lược của Hải quân, đây là yếu tố then chốt để thực hiện chiến lược biển của Trung Quốc. Trong đó, với việc xây dựng một hạm đội tàu sân bay hiện đại có khả năng chiến đấu cao và bố trí ở khu vực Biển Đông; hoặc khi thời cơ chín muồi, xây dựng các căn cứ quân sự quy mô tương đối lớn trên các đảo ở khu vực giữa Biển Đông cho lực lượng hải quân và không quân (như đã được xây phi pháp trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cùng một số bãi đá khác), Trung Quốc hi vọng lực lượng hải quân của họ ở toàn bộ khu vực Biển Đông có bước nhảy vọt về chất, giúp họ đạt tham vọng khống chế tuyến hàng hải quan trọng cùng nguồn tài nguyên to lớn nơi đây.
Còn nữa