Mỹ né tránh không dám thừa nhận hàng không mẫu hạm đã trở nên lỗi thời?

VietTimes -- Đối với các lực lượng hải quân trên toàn thế giới, tàu sân bay là một biểu tượng của sức mạnh và uy thế - cũng giống như các chiến hạm ra đời trước nó. Nhưng liệu tàu sân bay có thực sự là một công cụ chiến tranh hiệu quả, hay chỉ đơn giản là "những con voi trắng" đắt đỏ?
Tàu sân bay sẽ chứng minh được giá trị thực sự, hay chỉ là những "con voi trắng" đắt đỏ? (Ảnh: National Interest)
Tàu sân bay sẽ chứng minh được giá trị thực sự, hay chỉ là những "con voi trắng" đắt đỏ? (Ảnh: National Interest)

Hải quân Mỹ đang sở hữu hạm đội tàu sân bay lớn nhất thế giới với 10 tàu lớp Nimitz và 1 tàu lớp Gerald R. Ford đang hoạt động. Trong khi đó, Trung Quốc có 2 tàu sân bay và dự kiến sẽ chế tạo thêm. Anh và Ấn Độ cũng đang chế tạo tàu sân bay, Nga và Pháp mỗi nước có 1 chiếc.

Tuy nhiên, có nhiều người từng dự đoán về sự suy tàn của tàu sân bay kể từ sau Thế chiến II. Nhưng con tàu này quá lớn, quá đắt đỏ và dễ tổn thương trước đủ loại mối đe dọa. Những mối đe dọa đó, kể từ năm 1947 đến nay, bao gồm đủ thứ, từ các ngư lôi tầm nhiệt, tên lửa hành trình cho tới tên lửa hạt nhân chiến thuật...Thế nhưng đến giờ tàu sân bay vẫn luôn được coi là "nữ hoàng biển cả", dù cho nó chưa từng tham gia một cuộc xung đột quân sự tầm cỡ kể từ sau Thế chiến II.

Liệu có phải tàu sân bay đã lỗi thời trong kỷ nguyên của các loại vũ khí định hướng tầm xa có độ chính xác cao? Có lẽ vậy, nhưng chúng ta không cách nào biết được. Trước đây, mãi cho đến khi các máy bay ném bom của Nhật đánh chìm chiến hạm HMS Prince of Wales và HMS Repulse của Hải quân Hoàng gia Anh vào ngày 10/12/1941 ngoài khơi Malaya, các siêu cường hải quân của thế giới mới nhận ra rằng kỷ nguyên của chiến hạm đã kết thúc. Nhưng tàu sân bay thì chưa đối mặt với tình huống như vậy.

Rất nhiều chuyên gia phân tích hải quân cho rằng ngày tàn của tàu sân bay sắp tới, khi mà vào nửa cuối Chiến tranh Lạnh Liên Xô đã phát triển thành công tên lửa hành trình chống hạm tầm xa - cùng với các máy bay ném bom, tàu và tàu ngầm có khả năng phóng chúng - để ngắm vắn vào những con tàu đồ sộ. Tuy nhiên, chưa có một đòn tấn công nào sử dụng những loại vũ khí trên nhằm vào tàu sân bay để thử nghiệm. Phi cơ chiến đấu Grumman F-14 Tomcat, các tàu khu trục lớp Aegis và nhiều thành phần khác của nhóm tác chiến tàu sân bay chưa từng phải đối phó với đòn tấn công từ một chiếc Tupolev Tu-22M Backfires, các tàu ngầm hạt nhân tên lửa định hướng hay các chiến hạm lớp Slava và Kirov - cùng các loại vũ khí mà chúng mang theo - của Liên Xô.

Trong suốt 1/4 thế kỷ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mối đe dọa đối với tàu sân bay dường như đã ngủ yên, và sức mạnh của Mỹ trên toàn thế giới vẫn chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, Trung Quốc - vốn đã trải qua cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1966, trong đó tàu sân bay USS Nimitz cùng nhóm tác chiến của nó và tàu USS Belleau Wood di chuyển vào khu vực nằm giữa Đại lục và Đài Loan - tuyên bố rằng họ sẽ không bị làm nhục một lần nữa và bắt đầu phát triển các khả năng đánh trả. Các khả năng này được tích hợp trong các mẫu tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chống hạm thế hệ mới của Trung Quốc - mà theo lý thuyết có thể đánh chìm một tàu sân bay từ khoảng cách 1.200 hải lý.

Trung Quốc - cùng với sự trỗi dậy của Nga - đã đổ hàng tỷ USD vào việc xây dựng một lực lượng mà trên lý thuyết có thể khống chế hoàn toàn các tàu sân bay và lực lượng hải quân Mỹ. Ý tưởng của Trung Quốc là Mỹ sẽ không dám đặt một con tàu sân bay trị giá 13 tỷ USD vào chỗ một cuộc xung đột ở nước ngoài, nếu tàu chịu tổn thất hoặc bị phá hủy, nó không khác gì một thảm họa quốc gia đối với họ.

Hải quân Mỹ khẳng định rằng các tàu sân bay của họ hoàn toàn có thể chiến đấu trong môi trường bị bao vây bởi các tên lửa đạn đạo chống hạm như tên lửa DF-21D của Trung Quốc, nhưng họ chưa hề tính đến "cái giá" về mặt chính trị đối với Washington nếu như một trong số những tàu sân bay lớp Nimitz của họ bị hư hại hay hủy diệt. Một sự việc như vậy, nếu xảy ra, sẽ là đòn chí mạng đối với uy thế và uy tín của nước Mỹ.

Tuy nhiên, ý tưởng của Trung Quốc không phải không có căn cứ. Vào khoảng năm 1905, các nhà lý luận của hải quân Anh từng đề cập tới viễn cảnh rằng, ngay cả việc để mất 1 chiếc chiến hạm cũng đã không khác gì một thảm họa quốc gia, bởi rất nhiều nguồn lực và sức mạnh đã được tích hợp trong một con tàu chiến. Đương nhiên, theo thời gian, những lời dự báo này càng được chứng minh là đúng. Như trong trận chiến Jutland, dù chỉ là một chiến thắng nhỏ, nhưng từ sự kiện này mà người ta phát hiện ra rằng Hạm đội hải quân hùng mạnh của Đức không dám thách thức sức mạnh của Hải quân Hoàng gia Anh, chỉ bởi Berlin không dám đặt những con tàu chiến lớp Dreadnought đắt tiền của họ vào chỗ rủi ro. Thay vào đó, người Đức tập trung vào chiến tranh tàu ngầm và mìn - những chiến hạm bỗng nhiên xếp xó.

Tàu sân bay - cũng giống như chiến hạm lớp Dreadnought - là một khoản đầu tư tiền của khổng lồ của một quốc gia, có quá nhiều sức mạnh chiến đấu và uy tín của một nước đặt vào nó. Nhưng với sự xuất hiện của hàng loạt loại vũ khí định hướng tầm xa có độ chính xác cao, những con tàu sân bay quá dễ bị đánh chìm. Và nếu như những còn tàu này quá dễ bị đánh chìm, tại sao lại sẵn sàng chi 13 tỷ USD để chế tạo? Thế nhưng, cho đến khi một cuộc xung đột quy mô lớn khác xuất hiện trên các vùng biển, số phận của tàu sân bay vẫn chưa rõ ràng. Có thể tàu sân bay chứng minh được giá trị của nó, nhưng cũng có thể chúng sẽ bị coi là "những con voi trắng" đắt đỏ.

Theo National Interest