“Nước Nga đang phải gánh chịu những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp” – ông Kudrin khẳng định như trên khi trả lời câu hỏi về cái giá nước Nga phải trả cho hành động sáp nhập Crimea.
Cựu bộ trưởng tài chính Kudrin nhấn mạnh: “Rất khó tổng hợp tất cả mọi khoản thiệt hại này. Đó là những khoản chi tiêu rất đa dạng. Chúng ta phải cấp kinh phí cho Crimea khoảng 6-7 tỉ USD/năm, còn những thiệt hại gián tiếp và các thiệt hại khác nữa trong vòng 3-4 năm có thể lên đến 150-200 tỉ USD”.
Những khoản thiệt hại này liên quan đến lệnh trừng phạt của phương Tây, sự sụt giảm lòng tin đối với nền kinh tế và chính trị của Nga, cũng như liên quan đến những đổi thay “luật chơi” trên thị trường Nga. Theo ông, những chỉ số vừa nêu khá chính xác.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, tuyên bố đây không phải là chuyện xâm lược nên không nên nói về những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp. “Crimea trở về với Nga, đã phát sinh những khoản lợi tức bổ sung liên quan đến sự tăng trưởng của Crimea và Sevastopol, 2 chủ thể của Liên bang Nga” – ông Peskov cho biết. Ông quả quyết sức ép chưa từng có từ bên ngoài mà Nga đang phải đối đầu đi ngược lại với các chuẩn mực, tính lô-gich và luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Nga VTB đã yêu cầu Bộ Tài chính Trung Quốc cho phép các công ty Nga vay mượn bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, theo Chủ tịch VTB Andrey Kostin.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh báo cáo của Công ty Dầu khí Gazprom của Nga cho thấy lãi ròng của “gã khổng lồ” này trong năm 2014 đã giảm 3,3 lần - xuống còn 188,980 tỉ rúp.
Theo NLĐ